Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình về việc phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) siêu vượt âm vào một cơ sở quân sự Ukraine, để đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Kiev bằng vũ khí phương Tây, ngày 21-11 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters trích dẫn từ các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết các báo cáo tình báo trong bảy tháng qua đã kết luận rằng việc Mỹ nới lỏng hạn chế cho Ukraine sử dụng vũ khí không dẫn đến nguy cơ leo thang hạt nhân.
Quan điểm này không thay đổi ngay cả sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định điều chỉnh chính sách vũ khí trong tháng này.
"Mọi đánh giá đều thống nhất rằng việc sử dụng tên lửa ATACMS không làm thay đổi tính toán hạt nhân của Nga", một nguồn tin chia sẻ, đề cập đến loại tên lửa có tầm bắn lên tới 306km mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Ngay cả việc Nga phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mới vào tuần trước - được các nhà phân tích coi là thông điệp gửi tới Washington và đồng minh châu Âu - cũng không làm thay đổi kết luận trên.
Một quan chức Mỹ cho biết trong khi Washington nhận định Nga không có ý định leo thang hạt nhân, Matxcơva sẽ tìm cách đối phó tương xứng với những gì họ cho là sự leo thang từ phía Mỹ.
Trong đó, Nga có khả năng mở rộng chiến dịch phá hoại các mục tiêu ở châu Âu nhằm gia tăng áp lực lên phương Tây về việc ủng hộ Ukraine.
Báo cáo tình báo đã giúp định hình các cuộc tranh luận sôi nổi trong nội bộ chính quyền ông Biden về việc liệu việc nới lỏng hạn chế vũ khí cho Ukraine có đáng để đối mặt với nguy cơ chọc giận ông Putin hay không.
Ban đầu, nhiều quan chức, bao gồm cả tại Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao, phản đối việc này vì lo ngại nguy cơ trả đũa nhắm vào quân đội Mỹ, các nhà ngoại giao, hoặc các đồng minh NATO. Một số đặc biệt quan ngại về nguy cơ leo thang hạt nhân.
Mặc dù nhiều quan chức hiện nay cho rằng các lo ngại về leo thang, đặc biệt là hạt nhân, có thể đã bị thổi phồng, họ vẫn nhấn mạnh rằng tình hình Ukraine tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lo ngại leo thang hạt nhân đã trở thành yếu tố chi phối cách tiếp cận của Mỹ kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, các báo cáo tình báo nhận định rằng Nga ít khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân vì không mang lại lợi ích quân sự rõ ràng, đồng thời chỉ coi đó là phương án cuối cùng.
Thay vào đó, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Nga sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trả đũa như phá hoại và tấn công mạng. Theo một quan chức Mỹ, Nga đang tích cực tìm kiếm cách thức mở rộng các chiến dịch ngầm chống lại phương Tây, với mạng lưới điệp viên rộng khắp ở châu Âu.
Sự xuất hiện của binh sĩ Triều Tiên trên chiến trường được coi là yếu tố thúc đẩy chính quyền Mỹ thay đổi quan điểm.
Tuy nhiên, một số quan chức và nhà lập pháp cho rằng quyết định này đến quá muộn khi Nga đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trên chiến trường.