Chuyên mục  


Đồng ruble của Nga hôm 27/11 chạm mức 110 ruble đổi một USD, vài ngày sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt với Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga và đóng vai trò quan trong trong xử lý các khoản thanh toán cho khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu.

Các vòng trừng phạt trước đó của Mỹ đã miễn trừ khí đốt Nga, do châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng này. Tuy nhiên, khi châu Âu đã cải thiện được nguồn cung, Mỹ bắt đầu tăng áp lực với khí đốt đến từ Nga.

Đây là tỷ giá thấp nhất của đồng ruble so với USD kể từ ngày 16/3/2022. Tỷ giá đồng nội tệ Nga trước khi chiến sự Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 duy trì ở mức khoảng 75-80 ruble đổi một USD.

Tiền ruble của Nga. Ảnh: Reuters

Đồng ruble suy yếu có thể làm giảm sức mua của người Nga do chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng, có thể dẫn đến tăng lạm phát. Nga đang đối mặt mức lạm phát có thể tăng 8,5% trong năm nay, khiến Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất lên 21% vào tháng trước, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Nhưng đồng ruble suy yếu cũng có thể giúp Nga tăng ngân sách từ xuất khẩu, chủ yếu là năng lượng. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay các nhà xuất khẩu đang hưởng lợi từ tỷ giá ruble hiện tại, bù đắp cho tác động tiêu cực khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất.

Khi mức độ phụ thuộc năng lượng Nga của châu Âu giảm đáng kể, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Do chiến sự ở Ukraine kéo dài, Nga đã dành gần 1/3 ngân sách trong năm 2024 cho chi tiêu quân sự, mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Giới phân tích cho rằng nền kinh tế Nga bắt đầu có các dấu hiệu của "đình lạm", thuật ngữ để chỉ sự kết hợp giữa đình trệ trong tăng trưởng kinh tế với lạm phát cao.

Đức Trung (Theo Guardian, Reuters, TASS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020