Cố doanh nhân Trần Thị Hường (tên thường gọi Tư Hường) được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á - pháp nhân mà ông Nguyễn Chấn, chồng bà vừa cho biết đang bị một trong những người con trai chiếm cổ phần.
Ngân hàng Nam Á được bà mua cổ phần từ năm 1995 - chỉ 2 năm sau khi thành lập Tập đoàn Hoàn Cầu. Không trực tiếp điều hành nhưng doanh nhân gốc Bình Định với vai trò cố vấn cấp cao là người góp công lớn đưa ngân hàng này từ vốn điều lệ 5 tỷ đồng lên hơn 3.353 tỷ đồng như hiện nay.
Cơ cấu sở hữu của bà Tư Hường và những người liên quan trong gia đình biến động mạnh qua từng giai đoạn. Trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ngân hàng Nam Á vào năm 2007, bà Tư Hường là cổ đông lớn thứ ba với tỷ lệ sở hữu 13,09%. Ông Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường) và con trai Nguyễn Quốc Mỹ cũng là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 5,14% và 7,31% vốn cổ phần.
Tuy nhiên, đến năm 2015, số lượng cổ phiếu bà Tư Hường nắm giữ chỉ còn 0,47%, tương ứng 1,4 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Chấn và ông Nguyễn Quốc Mỹ cũng chỉ còn 0,82% và 4,31%.
Thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông nhưng thực tế sở hữu của gia đình bà Tư Hường tại Ngân hàng Nam Á vẫn tương đối lớn. Hai cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường) và Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương trước đó do ông Toàn làm Chủ tịch HĐQT. Tỷ lệ sở hữu của hai cổ đông này lần lượt là 5% và 14,26%.
Nếu bao gồm những cá nhân liên quan đến hai cổ đông lớn thì tổng sở hữu lên đến 26,89%, tương đương hơn 800 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Khối tài sản của gia đình bà Tư Hường tại Nam Á có thể tiếp tục tăng mạnh khi ngân hàng này niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM theo kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, bên cạnh Ngân hàng Nam Á, khối tài sản bà Tư Hường để lại cho gia đình còn là Tập đoàn Hoàn Cầu - đơn vị sở hữu hàng chục công ty bất động sản với loạt dự án lớn ở nhiều tỉnh, thành. Tập đoàn Hoàn Cầu do bà Tư Hường thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ 193 tỷ đồng. Đến năm 2015, đơn vị này tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỷ đồng với gần 40 công ty thành viên tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa, TP HCM, Đà Lạt, Đồng Nai...
Hoàn Cầu tập trung đầu tư, kinh doanh bất động sản từ những năm 2000 và đây cũng là lĩnh vực tích tụ tài sản lớn nhất của đại gia đình bà Tư Hường. Doanh nghiệp này theo đuổi phương châm kinh doanh chủ yếu là đầu tư bất động sản lớn tại vị trí đẹp, đồng thời liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, qua đó đầu tư thu lợi nhuận hoặc chuyển nhượng dự án.
Khánh Hoà được coi là thủ phủ kinh doanh của Tập đoàn Hoàn Cầu với việc sở hữu trên 10 dự án bất động sản lớn tại đây. Trong đó, 7 dự án, doanh nghiệp được UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho từ những năm 2001-2004.
Diamond Bay (xã Phước Đồng) là một trong những dự án lớn nhất của tập đoàn này, được đầu tư và quản lý bởi Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang. Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 4 tỷ USD, dự án bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí... Một phần của dự án hiện đã được đưa vào khai thác và từng là nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 2008.
|
Diamond Bay và từng là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới năm 2008. Ảnh: Tập đoàn Hoàn Cầu |
Liên quan đến dự án này, chỉ nửa năm sau khi bà Tư Hường qua đời, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang liên tục đăng thông báo về việc đơn vị này bị mất 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất thuộc dự án.
Tại Khánh Hoà, Hoàn Cầu cũng là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu (Nha Trang Center) có vốn 1.500 tỷ đồng, ở số 20 Trần Phú. Khu đất rộng hơn 9.000 m2 vốn là Thư viện tỉnh Khánh Hoà, một trong những khu đất có vị trí đắc địa nhất thành phố này. Một khu đất vàng khác sở hữu hai mặt tiền đường Lý Tự Trọng và đường Trần Hưng Đạo hiện là dự án Nha Trang Center 2 (Gold Coast) cũng được đầu tư bởi Công ty cổ phần Thanh Yến – một thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu.
Tập đoàn này còn sở hữu một số dự án tại Khánh Hoà song đến nay vẫn dở dang như, dự án du lịch dịch vụ tổng hợp bắc bán đảo Cam Ranh, Khu dân cư Ninh Thủy, dự án Khu dân cư Ninh Long và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ninh Thủy...
Hoàn Cầu hiện còn nắm giữ một loạt dự án lớn tại TP HCM. Ngoài việc liên doanh liên kết với một số đơn vị phát triển dự án căn hộ cao cấp Hoàn Cầu Cantavil đã đưa vào vận hành năm 2010, Tập đoàn đang phát triển các dự án Diamond City (Tân Thuận Tây, quận 7) với quy mô hơn 14 ha, mức đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng, dự án Saigon Land (gần 2.000 m2, tại Bình Thạnh)...
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi bà Tư Hường qua đời, hơn một phần ba đất của dự án Diamond City bị siết nợ và sang tay cho chủ đầu tư mới. Phần diện tích này từng được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hoà và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại một ngân hàng.
Bên cạnh Khánh Hoà, TP HCM, tập đoàn này từng phát triển các dự án ở những tỉnh, thành khác như Khu Công nghiệp Công nghệ cao Hoàn Cầu Long An, Trung tâm thương mại Quy Nhơn, Khu căn hộ Đại Phú - Bình Dương...
Từ năm 2014, Hoàn Cầu còn là chủ sở hữu Trường đại Học Quang Trung (Quy Nhơn), Trung tâm y khoa Saint Luke (TP HCM) và đồng sở hữu Đà Lạt Palace Golf Club, khách sạn Đà Lạt Palace và Du Parc Palace.
Nguyễn Hà - Phương Đông