Thông tin nêu bởi bà Trần Thị Bích Vân, Trưởng bộ phận PR và Xúc tiến phát triển bền vững Acecook Việt Nam tại vodcast "Vươn đỉnh Xanh", do VnExpress sản xuất, phát sóng hôm 6/1.
Bài toán chi phí
Theo bà Vân, phát triển bền vững không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp. Tại Acecook Việt Nam, việc chuyển đổi từ bao bì nhựa sang bao bì giấy là một bước tiến quan trọng, giúp giảm hơn 80% lượng nhựa sử dụng trong sản xuất từ tháng 7/2024. Các sản phẩm như mì ly Modern, Handy, Cay Cay hay tô Nhớ giờ đây thân thiện hơn với môi trường.
Tuy nhiên, để đạt được bước tiến này, Acecook đã mất đến 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm và tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp. Ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bao bì mới cũng phải đảm bảo độ bền và thân thiện với môi trường. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, dù phải đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi thực hiện chiến lược bền vững là chi phí đầu tư. Việc thay đổi bao bì hay cải tiến cơ sở vật chất đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể, khiến giá thành sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, Acecook Việt Nam đã quyết định giữ nguyên giá các sản phẩm dù chi phí sản xuất tăng, với kỳ vọng người tiêu dùng sẽ ủng hộ các sản phẩm bền vững.
"Chúng tôi nhận thấy sự sẵn sàng của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững đang dần cải thiện. Quyết định không tăng giá sản phẩm khi chuyển đổi bao bì đã nhận được phản hồi tích cực", đại diện Acecook chia sẻ.
Đại diện Acecook (phải) chia sẻ tại vodcast "Vươn đỉnh xanh". Ảnh: Thanh Tùng
Báo cáo khảo sát thị trường về phát triển bền vững của Kantar năm 2023 đã chỉ ra người dùng Việt Nam, bên cạnh những vấn đề quan tâm như an toàn thực phẩm thì nóng lên toàn cầu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, rác thải nhựa, họ rất quan tâm. 84% người dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đóng gói thân thiện với môi trường. 87% trong số đó cho rằng họ sẽ thực hiện tìm giải pháp giảm thiểu rác thải gây hại cho môi trường. Đây cũng là một cơ hội để Acecook nắm bắt xu hướng tiêu dùng, đưa ra sản phẩm phù hợp nhu cầu hiện đại.
Nguồn cung bền vững
Ngoài vấn đề chi phí, việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu bền vững cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Theo bà Vân, nguồn cung hiện nay còn hạn chế, khiến giá thành nguyên liệu cao và khó đảm bảo tính ổn định lâu dài. Trước thực trạng này, Acecook chủ động thiết lập mối quan hệ dài hạn với các đối tác cung ứng, nhằm xây dựng chuỗi sản xuất ổn định, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Đại diện bộ phận PR và Xúc tiến Phát triển Bền vững của Acecook chỉ ra những rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa mì - thành phần chính trong sản phẩm của công ty. Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, đồng thời gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này buộc Acecook phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu tác động và duy trì hoạt động sản xuất.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, phát triển bền vững đã trở thành yêu cầu tất yếu trên toàn cầu. Các doanh nghiệp không chỉ phải thích nghi với hàng loạt luật định, cơ chế và tiêu chuẩn mới, mà còn phải chuẩn bị để đối mặt với rủi ro pháp lý hoặc tài chính nghiêm trọng nếu chậm trễ trong việc thay đổi. Điều này được chứng minh trong nghiên cứu của Morgan Stanley, các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách phát triển bền vững và ESG, có thể giảm được tới 25% rủi ro tài chính và pháp lý.
Kiến thức chuyên môn
Theo bà Bích Vân, một thách thức khác là thiếu hụt kiến thức chuyên sâu trong nội bộ doanh nghiệp. Việc chuyển đổi xanh không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính mà còn cần đội ngũ nhân sự có trình độ và kinh nghiệm. Acecook đã phải tự học hỏi, điều chỉnh và cải tiến từng bước để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
"Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp hơn, từ đó đưa ra những hướng đi mới và đạt kết quả tốt hơn," bà Vân chia sẻ.
Bà Trần Thị Bích Vân, Trưởng bộ phận PR và Xúc tiến phát triển bền vững Acecook Việt Nam. Ảnh:Thanh Tùng
Dù gặp nhiều khó khăn, Acecook nhận thức rõ các lợi ích to lớn từ phát triển bền vững. Đầu tiên, cam kết này giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thu hút sự chú ý từ người tiêu dùng và nhà đầu tư quan tâm đến các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị).
Thứ hai, phát triển bền vững giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh các quy định pháp lý về môi trường ngày càng khắt khe. Ngoài ra, việc chủ động áp dụng các tiêu chuẩn bền vững còn giúp Acecook nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt tại các thị trường quốc tế.
Cuối cùng, chiến lược này cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút nhân tài, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với Gen Z, làm việc tại một công ty có giá trị bền vững là cơ hội để họ đóng góp vào các mục tiêu lớn hơn.
Đại diện bộ phận PR và Xúc tiến phát triển bền vững Acecook nhìn nhận phát triển bền vững không phải là đích đến, mà là một hành trình dài với những thách thức và cơ hội. Acecook Việt Nam đã chứng minh rằng dù gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp vẫn có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Đây không chỉ là lợi ích riêng của doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội và môi trường.
Thái Anh