Chuyên mục  


Hãng thông tấn Fars News thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 2/10 đưa tin lực lượng này đã sử dụng ba loại tên lửa đạn đạo tầm trung là Emad, Ghadr, Kheibar Shekan và tên lửa siêu vượt âm Fattah trong cuộc tập kích quy mô lớn nhằm vào Israel trước đó một ngày.

Tên lửa Emad, Ghadr và Kheibar Shekan từng được Iran sử dụng cho cuộc tấn công bằng hơn 300 vũ khí các loại nhằm vào Israel hồi tháng 4, trong khi trận tập kích đêm 1/10 là lần đầu thực chiến của mẫu Fattah.

chien-thuat-giup-ten-lua-iran-xuyen-thung-luoi-phong-khong-i-1727866304.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rl5k2rRT-pPMQB6lpxyZUw
Chiến thuật giúp tên lửa Iran xuyên thủng lưới phòng không Israel

Tên lửa Iran lao xuống lãnh thổ Israel đêm 1/10. Video: IRNA, BNG Israel

Emad và Ghadr được Iran phát triển trên cơ sở tên lửa đạn đạo Shahab-3 sử dụng nhiên liệu lỏng. Bản thân dòng Shahab-3 được phương Tây đánh giá có nhiều điểm tương đồng với Hwasong-7 và Taepodong-1, hai mẫu tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phát triển từ dòng R-17 Elbrus của Liên Xô mà NATO đặt định danh là Scud-B.

Tên lửa Ghadr, còn gọi là Ghadr-101 và Ghadr-110, có khả năng cơ động cao hơn và thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn so với Shahab-3.

Thông tin về Ghadr lần đầu xuất hiện vào năm 2004, một số bên khi đó nhận định tầng đẩy thứ nhất của tên lửa dùng nhiên liệu lỏng và tầng hai sử dụng nhiên liệu rắn. Iran lần đầu ra mắt Ghadr năm 2007 và dường như đã thử nghiệm sau đó 8 năm.

IHS Jane's, công ty chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng có trụ sở tại Anh, ước tính tên lửa Ghadr dài khoảng 15,86 m, khối lượng phóng 19 tấn và đạt tầm bắn 1.950 km. Một số nguồn tin sau này cho biết Ghadr dài 16,6 m, dài hơn một mét so với Shahab-3, do khoang nhiên liệu được tăng kích thước để cải thiện tầm bắn.

Tên lửa Ghadr rời bệ phóng trong ảnh công bố ngày 1/10. Ảnh: IRGC

Tuy nhiên, kéo dài khoang nhiên liệu cũng làm tăng khối lượng của tên lửa, do đó Iran quyết định sử dụng hợp kim nhôm để chế tạo thân vỏ, thay vì vật liệu thép như nguyên bản. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định tầm bắn thực tế của Ghadr vào khoảng 1.600 km.

Tên lửa Ghadr có phần mũi vuốt thuôn, gần giống bình sữa trẻ em, trong khi Shahab-3 nguyên bản có hình dạng bút chì. Thu nhỏ mũi tên lửa khiến Ghadr chỉ mang được đầu đạn nặng 750 kg, so với mức 1.000 kg của Shahab-3, nhưng đổi lại tốc độ hồi quyển sẽ lớn hơn và khiến lưới phòng thủ đối phương khó đánh chặn hơn.

Ghadr có thể đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 300 m, nhờ được gắn thêm hệ thống dẫn đường phụ trợ vốn không có trong thiết kế nguyên bản. Đây được coi là cải tiến đáng kể so với tên lửa Shahab-3 có sai số lên đến 2.500 m.

Tầm bắn của các loại tên lửa Iran đang sở hữu. Đồ họa: WP

Iran hồi tháng 10/2015 thông báo thử nghiệm tên lửa tầm xa mới có tên Emad. Bộ trưởng Quốc phòng Iran khi đó là Hossein Dehghan tuyên bố đây là tên lửa đầu tiên của Iran có thể được điều khiển và dẫn đường cho tới khi đánh trúng mục tiêu.

Các chuyên gia phương Tây nhận định Emad không phải là tên lửa hoàn toàn mới, mà là tầng đẩy của Shahab-3 hoặc Ghadr được gắn phương tiện hồi quyển có cánh ổn định, giúp tăng khả năng cơ động và độ chính xác. CSIS ước tính Emad đạt tầm bắn 1.700 km, có thể mang theo đầu đạn nặng 750 kg với sai số mục tiêu là 500 m.

Trong cuộc diễn tập Nhà tiên tri Vĩ đại 15 diễn ra năm 2021, Tehran thông báo biến thể Emad diệt hạm đã đánh trúng mục tiêu trên Ấn Độ Dương, cách bệ phóng 1.800 km. Iran cũng phóng nhiều loại tên lửa đạn đạo trong sự kiện này, một số dường như rơi cách tàu sân bay Mỹ khoảng 160 km.

Tên lửa Emad rời bệ phóng trong cuộc thử nghiệm tháng 10/2015. Ảnh: Tasnim

Kheibar Shekan là tên lửa đạn đạo tầm trung với thiết kế hai tầng đẩy, sử dụng nhiên liệu rắn và phóng từ bệ đặt trên khung gầm xe tải. Iran lần đầu công bố Kheibar Shekan vào tháng 2/2022, cho biết tên lửa có tầm bắn 1.450 km.

Behnam Ben Taleblu, chuyên gia thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Kheibar Shekan là biến thể thế hệ ba thuộc dòng tên lửa đạn đạo Fateh.

Kheibar Shekan có nghĩa là "Người công phá Kheibar", đề cập tới trận đánh năm 628 của quân đội Hồi giáo vào pháo đài của lực lượng Do Thái ở Khaybar, nay thuộc Arab Saudi, với chiến thắng thuộc về bên tấn công.

"Kheibar Shekan là chương trình thứ hai trong nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung trên cơ sở dòng Fateh, sau mẫu Shahid Haj Qassem. Với tầm bắn tới 1.450 km và đầu đạn tách rời, Kheibar Shekan là một trong những tên lửa nhiên liệu rắn hiện đại nhất của Iran hiện nay", Taleblu nói.

Tên lửa Kheibar Shekan lần đầu thực chiến hồi tháng 1, khi 4 quả đạn được phóng từ trận địa ở miền nam Iran nhằm vào "cơ sở khủng bố" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Idlib, miền bắc Syria. Khoảng cách giữa hai địa điểm là khoảng 1.280 km, đánh dấu đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo xa nhất từng được Tehran tiến hành tính đến thời điểm đó.

Tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh Không quân Vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC-AF), tuyên bố tên lửa có khả năng cơ động cao trong pha cuối tiếp cận mục tiêu, với đầu đạn sử dụng thuốc nổ mạnh hơn nhiều so với TNT. Phương thức dẫn đường không được tiết lộ, nhưng dường như nó trang bị hệ thống định vị quán tính và hiệu chỉnh bằng tín hiệu vệ tinh.

Tên lửa Kheibar Shekan trong lễ công bố của IRGC tháng 9/2022. Ảnh: IRGC

IRGC cũng tuyên bố lần đầu phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah, phá hủy "radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa َArrow 2/3" của Israel trong đêm 1/10.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

IRGC ra mắt tên lửa siêu vượt âm Fattah hồi tháng 6/2023, mô tả đây là "bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa" của nước này. Giới chức Iran cho hay Fattah có tầm bắn 1.400 km, tốc độ tối đa khoảng 15.000 km/h, nhanh gấp 14 lần âm thanh, và có khả năng "xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ".

Bộ Quốc phòng Israel nhận định Fattah là tên lửa một tầng đẩy dùng nhiên liệu rắn, dựa trên thiết kế cơ sở của Kheibar Shekan. Nó mang được đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động (MaRV), nhờ được lắp động cơ đẩy cỡ nhỏ để tăng tốc và thay đổi đường bay sau khi tách khỏi tầng đẩy.

MaRV có tính năng tương tự phương tiện lướt siêu vượt âm, nhưng cơ động kém hơn và chủ yếu vẫn bay theo quỹ đạo cố định trong giai đoạn giữa hành trình. Điều này khiến một số chuyên gia cho rằng Fattah chỉ là tên lửa đạn đạo thông thường, không thuộc nhóm vũ khí siêu vượt âm, vì thiếu khả năng cơ động liên tục ở tốc độ cao trong bầu khí quyển để vượt qua lưới phòng không đối phương.

Dù vậy, MaRV vẫn sở hữu những khả năng vượt trội so với đầu đạn thông thường như đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và tạo ra đường bay trồi sụt, giúp tăng tầm bắn, điều chỉnh hướng bay và gây khó khăn cho lá chắn tên lửa đối phương.

Tên lửa Fattah của Iran trong lễ công bố tháng 6/2023. Ảnh: AP

Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định một mảnh vỡ thu được sau trận tập kích có kết cấu cánh đặc trưng của tầng đẩy tên lửa Fattah và Kheibar Shekan.

"Hai mẫu tên lửa này dùng chung hệ thống động lực và rất khó phân biệt, song có thể khẳng định Iran đã dùng những tên lửa tiên tiến nhất trong cuộc tấn công", ông nói.

Nguyễn Tiến (Theo AP, AFP, Tasnim, Fars News, CSIS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020