Nội dung này được nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Chính phủ phê duyệt hôm 31/12.
Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5 trường đại học vào top 500 tốt nhất thế giới, top 200 châu Á; nằm trong top 4 quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất Đông Nam Á, top 10 châu Á.
Hiện, hai bảng xếp hạng đại học quy mô nhất thế giới là QS và THE.
Năm nay, 6 trường của Việt Nam được QS xếp hạng, nhưng chỉ Đại học Duy Tân trong top 500, còn lại thuộc nhóm 711-1400. Bảng xếp hạng của THE có 9 đại diện Việt Nam, nhưng ở vị trí từ 501 đến 1501+.
Với bảng xếp hạng châu Á, Việt Nam đã có 4 trường vào top 200 của bảng QS, gồm Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Tôn Đức Thắng. Trong bảng THE, chỉ Đại học Tôn Đức Thắng đạt mục tiêu.
Sinh viên Đại học Duy Tân. Ảnh: Duy Tan University
Ngoài xếp hạng đại học, Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu khác như tới năm 2030, số sinh viên đại học trên một vạn dân đạt ít nhất 260 (hiện tại là 215), tỷ lệ sinh viên đại học trong độ tuổi 18-22 đạt từ 33% trở lên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%, tức tăng khoảng 7% so với hiện nay; tỷ lệ sinh viên quốc tế học đại học ở Việt Nam đạt 1,5% (hiện khoảng 1%).
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Để đạt mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt ở nước ngoài về giảng dạy, làm việc. Cùng đó, các trường tiếp tục đào tạo giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, áp dụng phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ theo cơ chế khoán đầu ra với các trường có uy tín.
Cấp trung ương, địa phương và ngành giáo dục cần ưu tiên phân bổ nguồn lực nhằm phát triển đại học quốc gia, đại học vùng, đại học trọng điểm, theo hiệp định quốc tế hoặc những trường có đủ năng lực để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, tăng hội nhập quốc tế và giao lưu, trao đổi sinh viên...
Thanh Hằng