Chuyên mục  


PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng, ngày 4/1 cho biết trong 4 năm trở lại đây, số công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hai cơ sở dữ liệu lớn WoS và Scopus của trường có xu hướng tăng đều. Trong đó, lĩnh vực Khoa học máy tính, Toán, Năng lượng, Hóa dược và Sinh học phân tử, Nông nghiệp và sinh học, Vật liệu và Khoa học xã hội tăng mạnh nhất.

Giai đoạn 2018-2024, trường đăng ký 73 quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện hơn 5.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài tốc độ tăng trưởng, chất lượng công bố khoa học ngày càng khởi sắc. Số bài trên các tạp chí Q2 (nhóm 50% tạp chí uy tín nhất ở một lĩnh vực) trở lên chiếm hơn một nửa. Khoảng 8-10% bài báo được đăng trên các tạp chí top 20 của ngành.

Xét trên quy mô cả nước, Đại học Quốc gia TP HCM dẫn đầu về công bố quốc tế với 3.168 bài báo. Trong số này, trường Đại học Bách khoa đóng góp 37,5%.

PGS.TS Mai Thanh Phong cho biết trường định hướng trở thành cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước và đầu tư lâu dài cho cơ sở vật chất, có chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động này. Hiện, trường có 67 nhóm nghiên cứu và 6 nhóm nghiên cứu mạnh được Đại học Quốc gia TP HCM cấp kinh phí.

Ông nhìn nhận sự tăng trưởng về số công bố quốc tế một phần bắt nguồn từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ và áp dụng đề án vị trí làm. Trong đó, trường mô tả rõ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên, đi cùng là đề án lương và thu nhập, thưởng rõ ràng.

Hiện, thu nhập trung bình của giáo sư là 60 triệu mỗi tháng, phó giáo sư khoảng 50 triệu đồng, tiến sĩ trẻ mới về trường khoảng 25 triệu đồng. Ngoài đề tài, trường hỗ trợ kinh phí cho các công bố khoa học có giá trị, chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Đại học Bách khoa TP HCM đặt mục tiêu hoàn thiện Chương trình hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu, nhằm tiếp tục hình thành các nhóm có năng lực tốt và khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Chương trình này tập trung lĩnh vực công nghệ, vi mạch, thiết bị tự hành và netzero (phát thải ròng bằng 0).

Cùng đó, trường đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và xây dựng doanh nghiệp từ kết quả các công trình này, từ đó phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sản phẩm vi mạch do đội ngũ trường Đại học Bách khoa TP HCM thiết kế được trưng bày tại triển lãm quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam, tháng 10/2023. Ảnh: HCMUT

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020