Chuyên mục  


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay (4/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tự chủ đại học là một chặng đường đổi mới rất dài, không chỉ có hoa hồng mà còn có nhiều chông gai, gian khổ và khó khăn phía trước.

Tự chủ đại học là quá trình vừa làm, vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm. Không thể vì một vài điểm còn tâm tư, chưa tốt, chưa phù hợp mà quay lại bàn về chủ trương, đặt lại sự cần thiết của tự chủ đại học. Đây là lúc cần thống nhất hành động để tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh rằng, thực tiễn cho thấy đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học phải theo đúng xu thế quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc thực hiện tự chủ đại học là con đường một chiều không thể quay lại.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong 4 mục tiêu quan trọng khi tự chủ đại học, trước hết cần phát triển tốt hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao – một trong 3 đột phá chiến lược. Hiện nay việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, không gian phát triển đại học cả về số lượng và đảm bảo chất lượng còn chặng đường dài phía trước.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tự chủ để sử dụng tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực tài chính như sử dụng hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư của doanh nghiệp bằng những hình thức khác nhau vào các trường đại học công lập…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cần đảm bảo công bằng hơn cho mọi người khi tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao.

Dẫn số liệu từ các bảng xếp hạng quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam từ vị trí 80-90 trên thế giới đến nay đã nâng lên vị trí 60-70; từ chỗ không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng đã xuất hiện nhiều hơn các trường đại học của Việt Nam.

Ngoài ra, khi tự chủ đại học, học sinh có cơ hội lựa chọn học theo sở thích, năng lực tốt hơn rõ rệt so với trước khi thực hiện tự chủ đại học. Tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp về kỹ năng làm việc nhóm, sự tự tin khi tuyển dụng sinh viên các trường có truyền thống tăng lên rõ rệt. Sự dân chủ trong trường học cũng tốt hơn và thu nhập của giảng viên tăng lên.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã và đang đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn cần cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực.

Đưa ra một số nguyên tắc, nghiệm vụ về tự chủ đại học trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tự chủ không phải là “tự do, tự lo, không có sự quản lý nhà nước”, các trường vẫn phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường như chưa kiểm định được, không để công tác kiểm định là nút thắt trong tự chủ đại học. Bộ GD- ĐT cũng cần làm việc với các Bộ chủ quản của các trường đại học để làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn cho các trường như chưa thể thành lập hội đồng trường, chưa có quỹ để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách… Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng cần nghiên cứu, kiến nghị đổi mới về nhân sự trong bộ máy tổ chức các trường đại học để phát huy tối đa kinh nghiệm của những cán bộ lãnh đạo đã quá tuổi tham gia vào các cơ chế hội đồng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện tự chủ phải theo xu thế hội nhập quốc tế, hướng đến chất lượng ngang tầm khu vực, một số chuyên ngành phải tiến thẳng đến chất lượng quốc tế. Nhất thiết các trường đại học phải tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các mô hình mới, thí điểm một số ngành đào tạo, bộ môn có điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, sáng tạo tri thức cũng là sứ mệnh của các trường đại học, các trường phải có đột phá trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Liên quan đến vấn đề tài chính, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT, các trường đại học phải chủ động nghiên cứu từ đó có kiến nghị cụ thể, không chỉ kêu vướng./.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020