Chuyên mục  


Công an Hà Tĩnh làm việc với các em học sinh chế tạo pháo nổ trái phép - Ảnh: LÊ MINH

Lên mạng mua vật liệu, tự chế pháo nổ

Cứ vào cuối năm, tình trạng buôn bán, tự chế pháo nổ diễn biến rất phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng như cháy nổ, hỏa hoạn, đặc biệt gây thương tích cho người tự chế, sử dụng pháo nhưng vẫn chưa đủ cảnh tỉnh một bộ phận người dân.

Hẳn nhiều người chưa quên vụ tại nạn thương tâm do pháo nổ tự chế gây ra vào đầu năm 2019 tại nhà ông N.X.Đ. (ngụ tại Xã Bùi Nhân La, huyện Đức Thọ).

Chiều ngày 29-1, tại nhà ông Đ. bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn làm mái nhà lợp ngói của ông Đ. bị sụp đổ hoàn toàn. Vụ nổ khiến một em học sinh lớp 9 tử vong tại chỗ, 4 người khác gồm 3 học sinh và 1 người phụ nữ bị thương nặng phải đi cấp cứu. 

Nguyên nhân được xác định là 4 em học sinh trên đã lên mạng Internet tìm mua thuốc pháo về làm pháo nổ chơi dịp Tết thì xảy ra nổ.

Ngoài ra, còn nhiều vụ tai nạn khác do sử dụng pháo tự chế. Thế nhưng bỏ qua những cảnh báo, một số người dân, trong đó có các em học sinh, vẫn lên mạng mua hóa chất, vật liệu chế tạo pháo để nổ hoặc bán lấy tiền tiêu xài.

Đơn cử như chiều 6-1, Công an xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà phát hiện em N.T.A. (14 tuổi) đang chế tạo 8 quả pháo nổ. Qua làm việc, A. khai mình tự học cách chế tạo pháo nổ trên mạng và đã làm được gần 20 quả, trong đó đã bán 8 quả cho 2 học sinh khác trên địa bàn xã Thạch Kim với giá 5.000 đồng/quả.

Trước đó, ngày 16-12-2021, Công an xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh phát hiện N.Đ.K. (17 tuổi) và T.V.H. (16 tuổi) đi xe máy mang theo 1 bao tải bên trong chứa 14 quả pháo nổ tự chế nặng 3,06kg.

Tại cơ quan công an, hai học sinh khai nhận khoảng từ giữa tháng 10 ddaxvào các trang mạng tìm kiếm video tự chế thuốc nổ, sau đó đặt mua thuốc pháo ở trên mạng để chế tạo pháo bán kiếm tiền tiêu xài cá nhân…

Những quả pháo tự chế do học sinh học theo trên mạng làm ra - Ảnh: LÊ MINH

Xử lý nghiêm học sinh tự chế pháo

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vào tháng 12-2021 đến giữa tháng 1-2022, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 132 vụ, 189 người liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ. Trong đó có 131 người vi phạm là học sinh và người chưa thành niên.

Làm việc với các trường hợp tự chế pháo nổ, lực lượng chức năng được biết các em học sinh đều tự lên mạng tìm video hướng dẫn chế thuốc nổ rồi tự nghiên cứu làm theo. 

Các em đã mua các hóa chất chế tạo pháo như lưu huỳnh, Kali Clorat… trên một số trang thương mại điện tử, Facebook, Zalo rồi về nhà riêng tự chế pháo nổ, thế rồi những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm thì lực lượng công an tăng cường vận động sự vào cuộc của các đoàn thể, tổ chức và toàn xã hội, nhất là các trường học và các bậc phụ huynh làm tốt công tác giáo dục, quản lý con em, học sinh trong việc sử dụng các trang mạng xã hội và các hành vi liên quan đến pháo.

Ông Nguyễn Quốc Anh - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh - cho hay để đón Tết vui tươi, lành mạnh, Sở đã ban hành hướng dẫn yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh ký cam kết không mua bán, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ, pháo nổ.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số trường hợp tự mua vật liệu về chế tạo pháo. Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các học sinh vi phạm liên quan đến pháo nổ, đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá thi đua tập thể, đánh giá hạnh kiểm cá nhân.

Hiểm họa khi 'học' chế tạo pháo nổ từ mạng

TTO - Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán lại phát hiện các vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và tự chế các loại pháo nổ. Đáng lo nhất khi nhiều người bán pháo và nạn nhân của những tai nạn do pháo nổ đang tuổi học sinh...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020