Chuyên mục  


tinnhan3-17275232366071063436584-17276584203271726296541.jpg

Tin nhắn trao đổi giữa cô H. và phụ huynh lớp 4/3 - Ảnh: PHCC

Sau vụ cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop, rất nhiều bạn đọc cho rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng để mất danh dự, lòng tự trọng của nghề giáo.

Cũng là giáo viên, bạn đọc Trúc Quỳnh đã có bài viết chia sẻ xung quanh vụ việc. Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này.

Không tự dưng nghề giáo biến thành cao quý

Những ngày gần đây, vụ cô giáo vòi vĩnh phụ huynh mua laptop nhưng không thành nên quay ra dỗi, không chịu soạn đề cương cho học sinh gây xôn xao mạng xã hội.

Là một giáo viên nhưng khi theo dõi vụ việc trên, tôi vẫn không thể đồng cảm hay chia sẻ bất kỳ điều gì với người đồng nghiệp này.

Bởi sự cao quý hay không phụ thuộc vào cách chúng ta làm nghề, chứ không phải có một nghề cao quý rồi bạn bước vào và tự dưng biến thành cao quý.

Hơn cả kỹ năng giao tiếp, điều mỗi nhà giáo nên làm là giữ cho mình được sự tôn nghiêm nghề nghiệp, luôn nhắc nhở chính mình về quá trình thiết lập và giữ gìn phẩm chất cá nhân.

Cái sai đầu tiên rất nghiêm trọng của cô giáo này là vấn đề giữ gìn lòng tự trọng.

Tôi chẳng rõ cô giáo năm nay đã bao nhiêu tuổi, thâm niên công tác trong ngành được bao lâu mà lại có cách hành xử kỳ lạ đến thế.

Cô mặc định xem quỹ lớp là của riêng, sẵn sàng trích quỹ để phục vụ cho việc mua sắm cá nhân.

Điều này không chỉ vô lý mà còn thể hiện tư duy lệch lạc, lợi dụng phụ huynh và học sinh của cô. Cô giáo đứng ra "xin" phụ huynh hỗ trợ trong khi bản thân là giáo viên, tham gia công tác trong ngành được lĩnh lương tháng, cũng chẳng thuộc diện đối tượng "hộ nghèo", là một hành động vô cùng phản cảm.

Nhiều năm công tác trong nghề, tôi đã từng chứng kiến những trường hợp các thầy cô có gia cảnh khó khăn, thậm chí mắc bệnh nặng nhưng kiên quyết từ chối tất cả quà tặng, tiền hỗ trợ của phụ huynh học sinh, bạn bè đồng nghiệp.

Lòng tự trọng, danh dự và sự tôn nghiêm của người thầy là thứ tài sản quý giá nhất mà bất kỳ ai đứng trên bục giảng cũng cần gìn giữ.

Thế mà cô giáo ở Trường tiểu học Chương Dương sẵn sàng cò kè, xin xỏ từng chút một, từ việc thỏa thuận hỗ trợ 6 triệu sau đó đi mua laptop 11 triệu, tự bỏ thêm 5 triệu, cho đến hỏi ý kiến rất áp đặt kiểu: "Cái máy này của cô, phụ huynh có đồng ý không ạ?", khiến tôi phải lắc đầu ngán ngẩm.

Tôi chẳng hiểu cô giáo đang nghĩ như thế nào trong trường hợp này, nếu cô chỉ chọn mua máy 6 triệu thì laptop ấy là của phụ huynh ư?

Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng laptop hết năm, cô sẽ hoàn trả lại cho phụ huynh. Các phụ huynh sẽ đi thanh lý rồi chia tiền lại cho nhau?

Đến lúc có 3 phụ huynh không đồng tình với ý kiến "laptop là của cô" thì cô tỏ vẻ giận dỗi không muốn nhận nữa.

Không thể xuề xòa trong giao tiếp

Xem nội dung tin nhắn trao đổi giữa cô H. và phụ huynh lớp 4/3 do phụ huynh cung cấp, tôi thật sự thất vọng về khả năng giao tiếp quá xuề xòa của cô giáo này.

Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng các ứng dụng mạng để giáo viên kết nối với phụ huynh là điều vô cùng phổ biến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và gia đình.

Tuy nhiên, việc này sẽ trở nên lợi bất cập hại, khi giáo viên thiếu kỹ năng soạn thảo tin nhắn hoặc do quá bận rộn nên xuề xòa trong giao tiếp.

Cô giáo trong đoạn tin nhắn với phụ huynh thường xuyên dùng từ "xin" gây cảm giác hạ thấp vai trò của chính cô, thường xuyên sử dụng các từ viết tắt như "kg", "nhg", "PH", "nha PH"... gây cảm giác thiếu chuyên nghiệp, xem phụ huynh như bạn bè.

Thậm chí, tông giọng qua giao tiếp qua lại gây cảm giác khá lộn xộn khi thì "trên cơ" của phụ huynh, lúc lại kiểu dỗi hờn như với bạn bè.

Khi theo dõi một số hình ảnh được chụp lại từ nội dung đoạn tin nhắn của cô với phụ huynh, tôi khá ngạc nhiên về cách sử dụng dấu chấm câu lộn xộn, ngắt câu tùy tiện.

Điều này đặt ra dấu chấm hỏi về khả năng sử dụng từ ngữ của cô, dù đã qua đào tạo sư phạm.

Bản thân tôi nhận thấy việc sử dụng Zalo cho các thông báo ngắn, trao đổi qua lại đang bị lạm dụng trong nhiều trường học, kể cả các tổ chức khác.

Một số tình huống, thay vì dùng tin nhắn, chúng ta nên cần soạn thảo email để gửi đến quý phụ huynh và học sinh.

Email thường được soạn thảo đầy đủ ý, với cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ được sử dụng cũng chỉn chu và trang trọng hơn.

Tôi đã có thời gian đảm nhận vị trí đào tạo kỹ năng mềm cho giáo viên. Tại các trường tôi công tác, vào đầu năm, ban giám hiệu cùng đội ngũ đào tạo đều phải rèn luyện lại cho giáo viên mới trong trường về cách thức giao tiếp với phụ huynh, đồng nghiệp, quản lý, thậm chí cả các quy tắc cần lưu ý về nội dung lẫn hình thức (ví dụ: viết hoa, in đậm, tô màu chữ…).

Trong thời đại phẳng, với sự phát triển của công nghệ như ngày nay, việc chịu khó học, khéo léo trong quá trình tiếp xúc với phụ huynh sẽ giúp các thầy cô bớt đau đầu vì những lỗi giao tiếp sơ đẳng của chính mình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020