Chuyên mục  


gs-klaus-schwab-17282014190881411376759.jpg

Chủ tịch WEF nhận định có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho người trẻ khi công nghệ phát triển nhanh chóng - Ảnh: HSU

Sáng 6-10 tại TP.HCM, GS Klaus Schwab - người sáng lập, chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - đã có buổi nói chuyện với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của thành phố với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ". 

Buổi nói chuyện này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024, do Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Kỷ nguyên trí tuệ

Mở đầu buổi trao đổi, GS Klaus Schwab đánh giá Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30, là quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD vào năm 2050.

Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất, nhưng đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại "Kỷ nguyên trí tuệ".

Ông đưa ra bốn lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình: AI và tự động hóa trong sản xuất, thương mại điện tử và dịch vụ số, hạ tầng số và đô thị thông minh, phát triển bền vững và công nghệ xanh.

Từ đó ông cho rằng kỷ nguyên trí tuệ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng cần phải thừa nhận những thách thức mà thời đại này đặt ra đối với xã hội. 

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thận.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, GS Klaus Schwab đánh giá hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

"Để tham gia toàn diện vào Kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục của mình, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số" - GS Klaus Schwab lưu ý.

Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và văn hóa.

5 yếu tố lãnh đạo của giới trẻ

ben-bach-dang-17282012602061533788134.jpeg

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giới thiệu tổng quan về TP.HCM với GS Klaus Schwab - Ảnh: HSU

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ là cơ hội nhưng cũng là thách thức với giới trẻ Việt Nam. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet vạn vật và công nghệ sinh học đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây.

Mặc dù vậy, người sáng lập WEF cho rằng thành công trong kỷ nguyên trí tuệ không chỉ đòi hỏi kỹ năng công nghệ mà còn sự sáng tạo, kiên trì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. 

Ông cho rằng thế giới sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, và một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà giới trẻ cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời.

"Những công việc của ngày hôm nay có thể sẽ không còn tồn tại vào ngày mai. Những kỹ năng mà các bạn học ở trường ngày nay có thể sẽ cần được cập nhật chỉ trong vài năm tới. Quá trình học tập liên tục này vừa là thử thách, vừa là cơ hội. 

Người nào có đam mê, sẵn sàng thích nghi, phát triển và học hỏi những kỹ năng mới có thể thành công. Không có đam mê là sự thất bại" - chủ tịch WEF chia sẻ.

Ngoài ra GS Klaus Schwab cũng cho rằng một trong những thách thức thú vị nhất và cũng khó khăn nhất mà giới trẻ sẽ đối mặt chính là đảm bảo sao cho công nghệ do chúng ta phát triển được sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm.

Để vượt qua những thử thách này, chủ tịch WEF tin rằng kỹ năng lãnh đạo rất cần thiết để định hướng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội.

"Lãnh đạo trong kỷ nguyên trí tuệ đòi hỏi tất cả 5 yếu tố: linh hồn đại diện cho mục đích, bộ não đại diện cho tri thức, trái tim đại diện cho đam mê và lòng trắc ẩn, cơ bắp đại diện cho hành động và hệ thần kinh đại diện cho sự kiên cường. 

Khi các yếu tố này cùng phối hợp hiệu quả, các bạn không chỉ trở thành nhà lãnh đạo trong cuộc sống của chính mình mà còn trở thành người dẫn dắt xã hội, người có thể đưa Việt Nam bước vào tương lai, hướng tới một thế giới sáng tạo, bình đẳng và bền vững" - GS Klaus Schwab nhấn mạnh.

Thế hệ trẻ quyết định thành công của quốc gia

chu-tich-phan-van-mai-17282011650362055755207.jpg

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc buổi trao đổi - Ảnh: HSU

Phát biểu khai mạc buổi nói chuyện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nền kinh tế tri thức chính là tương lai của thế giới.

Những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia, địa phương. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định vai trò tiên phong của giới trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân.

"Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung.

Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai" - ông Mãi khẳng định.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020