Những năm gần đây, Cyberpunk - thể loại phim lấy bối cảnh tương lai nơi công nghệ phát triển trái ngược hẳn với cuộc sống tăm tối của nhân loại - bỗng trở nên được ưa chuộng với sự bùng nổ của Ghost in the Shell (2017), Blade Runner 2049 (2017) hay mới đây là Alita: Battle Angel (2019). Tuy nhiên, ngôn ngữ điện ảnh và người đóng khó mà thể hiện được sự tàn bạo và trần trụi vốn dĩ của thế giới Cyberpunk. Và Love, Death and Robots (Tạm dịch: Tình Yêu, Cái Chết Và Người Máy) chính là lời giải của Netflix nhưng chắc chắn không dành cho ai yếu tim rồi.
Trailer "Love, Death and Robots"
Được tạo ra bởi Joshua Donen của Drag Me to Hell (2009), David Fincher của The Girl with the Dragon Tattoo (2011) và Gone Girl (2014) cùng đạo diễn Deadpool (2016) Tim Miller, Love, Death and Robots hội đủ mọi yếu tố gây sốc ngay từ tập đầu tiên. Series có tới 18 tập phim với thời lượng 15 phút mỗi tập nhưng lại kể những câu chuyện hoàn toàn tách biệt nhưng chung quy vẫn xoay chủ đề chính: Tình yêu, cái chết và người máy.
Ở đó, mỗi tập phim lại ẩn chứa một ý nghĩa, thông điệp riêng biệt. Một số đen tối, trần trụi, tàn nhẫn và mờ ảo. Một số khác thơ mộng, tương sáng và và đầy hy vọng. Một số là siêu thực, một số lại là hài kịch, châm biếm. Trong Love, Death and Robots, chúng ta thấy hai kẻ giết nhau trong một vòng lặp kì lạ.
Loạt phim sở hữu đến 18 tập với cốt truyện khác biệt hoàn toàn.
Chúng ta thấy câu chuyện về một con tàu không gian ở rìa thiên hà, những con cá quỷ trong sa mạc, một câu chuyện kì lạ về thuyết đa vũ trụ nơi Hitler chết theo những cách vô lý, và một nơi mà sữa chua chiếm lấy thế giới. Khỏi phải nói, Love, Death and Robots là một trải nghiệm phim ảnh cực độc đáo mà không hề có sự lặp lại.
Phong cách phim cũng chẳng hề lặp lại.
Đã lâu rồi, Netflix mới đó một bộ phim đủ "chất" như Love, Death and Robots với nội dung 18+ (không dành cho trẻ em dưới 18) trần trụi, nặng đô, cùng với đó là đồ họa xuất sắc. Tác phẩm gợi nhớ người xem đến một loạt phim khác cũng đình đám không kém là Black Mirror khi cũng là ở một thế giới giả tưởng tương lai nơi công nghệ lên ngôi, cũng là lối kể nặng nề xen một chút châm biếm, cùng với những cái kết người xem khó lòng có thể ngờ được.
"Love, Death and Robots" chắc chắn không dành cho những ai yếu tim.
Về phần đồ họa, Love, Death and Robots là một sự sáng tạo đầy mới lạ khi đạo diễn Tim Miller đã làm việc với các hãng sản xuất phim hoạt hình từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Hungary's Digic Pictures, France's Unit Image (hãng đã thiết kết đồ họa God of War - trò chơi thắng giải Game Of The Year), Poland's Platige Image (Metro Exodus, Dishonored: Death Of The Outsider), Korea's Reddog Culture House (Overwatch, Voltron: Legendary Defender) và LA-based Blur Studio (Far Cry 5, Shadow of the Tomb Raider).
Và đó mới chỉ là vài cái tên tiêu biểu. Sự hợp tác đa dạng này đã khiến Love, Death and Robots có phong cách trải dài từ 2D, 3D, đến công nghệ CG mô phỏng chuyển động thực tế. Chính sự đa dạng này cùng với thời lượng vừa phải đã khiến cho khán giả được tận hưởng bộ phim một cách thú vị và đầy bất ngờ.
Dù thời lượng không dài, Love, Death and Robots vẫn đủ sức để chạm đến những vấn đề nóng trong của thời đại hiện nay như: phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, sự chống đối chính phủ, tội ác, bản chất sâu thẳm của con người, tình yêu, tình dục đan xen với bạo lực đẫm máu, điên cuồng.
Nếu có một thiếu sót cho loạt phim này, đó là một số tập phim dường như tập trung quá nhiều vào tình dục và bạo lực, chứ không để ý nhiều đến nội dung hay thông điệp muốn truyền tải. Tuy nhiên, khá may mắn, điều này chỉ là thiểu số. Và mặc dù Miller và Fincher không tham gia vào vai trò đạo diễn, nhưng phong cách của họ lại khá rõ ràng. Chúng ta vẫn thấy phảng phất đâu đó là kiểu châm biếm rất "Deadpool " của Miller, và thế giới cùng những vô cảm, không bị cản trở bởi đạo đức trong Fight Club.
Love, Death and Robots hiện đang chiếu trên Netflix.