Thiết kế tổng thể, kích thước, thông số và trang bị của Wigo được Toyota hướng mục đích chủ yếu cho đi phố, dành cho nhóm khách trẻ thường xuyên di chuyển trong đô thị. Nhưng nếu một ngày, chủ nhân chiếc xe nổi hứng trải nghiệm cung đường hàng trăm km nhiều đèo dốc đến Tây Bắc, Wigo đáp ứng ra sao?
Thiết kế Toyota Wigo mang điển hình của dòng xe đô thị, giàu cá tính, gọn gàng và dễ lái trong thành phố. Ảnh: TMV
Tiến ra ngoại thành Hà Nội, chiếc Wigo lợi thế với kích thước nhỏ, dễ dàng luồn lách trong các con phố. Tuy nhiên, mẫu hatchback hạng A nhỏ nhất của Toyota có chiều dài trục cơ sở lớn nhất so với các đối thủ cùng phân khúc, đạt mức 2.525 mm. Chiều cao 1.505 mm giúp trần xe khá thoáng, dù với người lái cao 1,72 m. Lợi thế này cũng giúp tối ưu không gian bên trong với khoảng để chân giữa hai hàng ghế đạt mức 910 mm, thể tích khoang hành lý tối đa 276 lít (khi bỏ tấm ngăn).
Với không gian này, khoang hành lý của chiếc hatchback cỡ A có thể chứa 1 va li cỡ lớn, 2 túi du lịch cùng các phụ kiện cho chuyến đi ngắn ngày của 4 người. Trên những cung đường dài, Wigo đáp ứng giới trẻ ưa giải trí bằng màn hình cảm ứng trung tâm kích thước 7 inch, kiểu sắp xếp đồ hoạ mới trực quan và dễ làm quen. Các công nghệ kết nối ngoại vi có Apple CarPlay, Android Auto, Bluetooth, HDMI, USB, AUX... tiện sử dụng. Ở phía người lái, đồng hồ tốc độ hiển thị dạng cơ và TFT, thông báo các chức năng cơ bản khi vận hành.
Khoang cabin thiết kế nhiều đường cắt xe, chủ yếu dùng vật liệu nhựa cứng như các đối thủ cùng phân khúc. Ảnh: TMV
Tổng thể thiết kế khoang nội thất Wigo mới cũng tạo ấn tượng tốt hơn so với phiên bản trước, nhờ những đường cắt xẻ mạnh tay nhằm tạo cá tính. Bảng điều khiển trung tâm hướng nhẹ về phía người lái, vị trí cần số đặt cao hơn giúp tăng tính thuận tiện khi lái xe đường dài. Nếu muốn vượt tầm đối thủ cùng phân khúc, Wigo sẽ cần thêm nội thất có ghế bọc da, ghế lái chỉnh điện, bệ tì tay trung tâm hay màn hình trung tâm dạng LCD toàn phần.
Từ trung tâm Hà Nội tiến ra đại lộ Thăng Long, vô-lăng Wigo cho trải nghiệm ổn định ở dải tốc độ 80 km/h, độ ồn ở mức vừa phải, chủ yếu đến từ nền đường cao tốc khá xấu và không bằng phẳng. Duy trì ở 100 km/h với điều kiện mặt đường này, âm lượng của dàn loa phải bật lớn hơn để át đi âm thanh từ nền đường, khoang động cơ và hộp số vô cấp CVT. Lúc này, tua máy ở ngưỡng khoảng 2.200 vòng/ phút.
Mẫu hatchback cỡ A được Toyota trang bị động cơ ba 3 xi-lanh thẳng hàng, dung tích 1.2 cho công suất 87 mã lực và sức kéo 113 Nm. Hộp số loại vô cấp kép D-CVT, dẫn động cầu trước hoặc tuỳ chọn số sàn MT 5 cấp. Công suất này của Wigo lớn hơn 4 mã lực so với Kia Morning nhưng mô men xoắn thấp hơn đối thủ i10 (114 Nm) và Morning (120 Nm). Hộp số D-CVT của Wigo cho bước bứt tốc rõ ràng hơn so với loại CVT truyền thống, nhờ truyền mô-men xoắn qua hộp số phụ khi vừa khởi hành.
Mẫu xe cỡ nhỏ hàng ngày di chuyển trong đô thị, nhưng đáp ứng được nhu cầu người dùng trong những chuyến đi xa. Ảnh: TMV
Tốc độ 60-80 km/h đều đặn trên cao tốc Hà Nội – Hòa Bình là dải tối ưu cho Wigo trong suốt chuyến hành trình. Nền đường tốt, tốc độ vừa phải giúp mẫu hatchback cỡ nhỏ êm ái hơn, có độ lướt và tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu, đồng hồ báo chỉ nhỉnh 4 lít/ 100 km. Tiến vào cung đường dọc quốc lộ 6 từ Mai Châu (Hòa Bình) lên huyện Mộc Châu (Sơn La) với địa hình đèo dốc cao đặc trưng, tài xế sẽ cần kỹ năng tốt để cầm lái Wigo an toàn với 4 người lớn ngồi trên xe.
Động cơ 3 xi-lanh, công suất 87 mã lực, kèm hệ dẫn động cầu trước và hộp số D-CVT của Wigo không thiết kế cho việc tối ưu tốc độ hoặc mô-men xoắn lớn tức thì. Người lái cần nuôi đà tốt để vượt qua những con dốc, hoặc sẽ là những khoảnh khắc "bất an" mỗi khi phải phanh, khởi hành ở lưng chừng. Bởi dù đạp kịch ga, tua máy dựng đứng nhưng chiếc xe chỉ phản ứng chậm chạm do dốc cao, đủ tải trọng và động cơ vốn dành cho môi trường đô thị.
Điểm thú vị của Wigo là trang bị hai cấp số S và B ngay dưới cấp số D. Trên điều kiện đường đèo hoặc lên dốc cao, cấp số S giúp duy trì vòng tua máy cao, chiếc xe có khả năng tăng tốc tốt hơn, đặc biệt sau mỗi khúc cua. Ngược lại, cấp số B hỗ trợ người lái mỗi khi đổ đèo hoặc xuống dốc, tua máy đẩy lên cao, tăng thêm lực phanh động cơ, người lái không phải rà phanh liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, di chuyển trên địa hình đèo dốc, sử dụng 2 cấp số này ảnh hưởng khá lớn đến mức tiêu hao nhiên liệu.
Wigo tạo yên tâm cho người lái nhờ hàng loạt trang bị an toàn. Dù thuộc phân khúc cỡ A, Wigo được Toyota trang bị hệ thống ổn định thân xe điện tử VSC, tự động giảm công suất động cơ và phanh bánh xe khi phát hiện có nguy cơ bị trượt, đặc biệt trong những khúc cua gặp chướng ngại vật bất ngờ. Kết hợp cùng hệ thống kiểm soát lực kéo TRC, phanh ABS, hỗ trợ lực phanh điện tử EBD... mẫu xe cỡ nhỏ như được "tiếp sức" khi di chuyển trên những địa hình khó như đèo, dốc có độ cao khoảng 10%. Xe trang bị 2 túi khí.
Từ khi trở lại Việt Nam với phiên bản nâng cấp, Wigo mang đến lựa chọn mới trong phân khúc hatchback cỡ A chỉ toàn xe Hàn Quốc. Tại một vài thời điểm, Wigo bán chạy nhất và duy trì vị thế trong phân khúc vốn không có mức tăng trưởng quá lớn. Mẫu xe Nhật nhập khẩu nguyên chiếc có hai phiên bản MT và AT, giá lần lượt 360 triệu và 405 triệu đồng, kèm 4 lựa chọn màu sắc đỏ, cam, trắng và bạc.
Tuấn Vũ