Ngoài các cuộc gọi bằng điện thoại thì hiện nay, kẻ lừa đảo nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực hiện những cuộc gọi video với khuôn mặt và giọng nói giả mạo “chính chủ” khiến người nhận mắc bẫy. Sau đây là cách nhận biết để giúp bạn phòng tránh.
Dấu hiệu cuộc gọi lừa đảo
Cuộc gọi tự xưng Công an hoặc nhân viên cơ quan nhà nước
Một trong số những cách phổ biến nhất mà bọn tội phạm lừa đảo sử dụng để tiếp cận nạn nhân là tự xưng danh Công an, nhân viên các tổ chức, đoàn thể gọi đến.
Thông qua những cuộc gọi, chúng sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân để yêu cầu các nạn nhân cung cấp các dữ liệu như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP hoặc sẽ yêu cầu chuyển tiền hay cài đặt ứng dụng lên điện thoại.
Người dân cần hết sức lưu ý, công an cũng như tư pháp, khi mời người dân làm việc sẽ chỉ thông qua giấy mời, có trụ sở làm việc cụ thể và sẽ không bao giờ nhắn tin, điện thoại để mời. Khi nhận cuộc gọi của những đối tượng này, bạn nên hết sức bình tĩnh, không nghe theo và không chấp hành các yêu cầu, đồng thời sẽ báo cho cơ quan chức năng gần nhất để xử lý.
Các cuộc gọi thông báo vi phạm, yêu cầu chuyển tiền
Cuộc gọi thông báo vi phạm, yêu cầu chuyển tiền cũng là một trong những kịch bản những kẻ lừa đảo hay sử dụng. Đánh vào tâm lý của người nghe, đầu dây bên kia sẽ nói chính xác họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân cũng như địa chỉ nhà ở và các thông tin cá nhân. Tiếp theo chúng sẽ đưa ra "Yêu cầu anh/chị hợp tác" để điều tra hoặc đóng phạt.
Khi nhận được những cuộc gọi kiểu này, đầu tiên, bạn phải hết sức bình tĩnh và không được nhượng bộ, không được hoảng sợ và không cung cấp thêm bất cứ thông tin gì. Trong tình huống này, bạn hãy trực tiếp liên hệ người thân, bạn bè hoặc công an, các luật sư để được tư vấn, giúp đỡ.
Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ thông tin này với người thân trong gia đình, đặc biệt là những người lớn tuổi để cho họ có sự đề phòng, cảnh giác.
Các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, nhận quà
Một thủ đoạn khác mà bọn lừa đảo hay sử dụng đó là thông báo trúng thưởng, nhận quà với giá trị lớn. Và để nhận được món quà này, bạn cần phải chuyển một khoản tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, trong thực tế, không có giải thưởng nào miễn phí. Đây là cách mà kẻ gian sẽ lừa đảo bạn một khoản tiền. Ở trên đời này, miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột mà thôi vì thế chúng ta cần hết sức tỉnh táo.
Số lạ gọi đến có 4 dấu hiệu này phải cúp máy ngay, cẩn thận tài khoản "bay màu"
Số lạ gọi đến có 4 dấu hiệu này phải cúp máy ngay, cẩn thận tài khoản "bay màu"
Các cuộc gọi có âm thanh lạ, hình ảnh không rõ ràng
Nếu nhận được cuộc gọi mà bạn thấy khi bắt máy, bạn có nghe thấy âm thanh lạ như tiếng nhạc, tiếng ồn, hoặc các hình ảnh không rõ ràng và yêu cầu bạn làm theo chỉ dẫn. Tốt nhất, trong trường hợp này, bạn hãy cúp máy ngay. Thực t,ế đây chỉ là những đoạn video giả mạo, được tạo ra bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo của những kẻ lừa đảo.
Thông thường, chất lượng hình ảnh cũng như âm thanh của những cuộc gọi video này sẽ rất thấp, khiến cho nạn nhân khó có thể nhận ra phía đầu bên kia chỉ là đoạn video được dàn dựng, không đúng là người thực đang nói chuyện trực tiếp.
Nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế
Theo cảnh báo của nhà mạng VNPT, khách hàng sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam).
Ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226).
Các cuộc gọi này được nháy máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước nhằm mục đích lừa đảo gọi người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông.
Thời điểm phát sinh các cuộc gọi thường là buổi tối hoặc buổi đêm. Nếu người nghe gọi lại thì sẽ bị trừ phí rất cao. Do đó, nên cân nhắc khi gọi lại các cuộc điện thoại có đầu số quốc tế nếu không phải từ người quen biết.
Lừa đảo qua điện thoại bị xử lý thế nào?
Theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt hành chính:
Lừa đảo qua mạng là một trong những hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt của hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như:
Phạt tù từ 2-7 năm khi thuộc một trong các trườn hợp: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng.
Phạt tù từ 7-15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.