Chuyên mục  


Trưa ngày cuối tháng 5/2024, khi chiếc xe cảnh sát tiến vào một con phố ở huyện Vĩnh Gia, Ôn Châu, Chiết Giang pháo nổ, chiêng và trống đồng loạt vang lên. Thảm đỏ trải dài từ cổng làng đến cửa nhà. Người dân đứng kín đường reo hò, phấn khích.

Ông Lý Thế Kiệt dõi đôi mắt tìm kiếm trong đám đông hình bóng con trai từ xa lại gần, khuôn mặt dần trở nên rõ ràng, vừa xa lạ vừa thân quen. "Nó là con của tôi, đôi mắt nó giống tôi, cái miệng giống hệt mẹ nó", ông Lý run run, tay ôm ghì lấy cổ cậu con trai chưa bao giờ gặp mặt.

"Cha...", Trương Hoài Viễn cất tiếng gọi. Người doanh nhân hiếm khi rơi nước mắt bật khóc. "Con trai, con ơi, về nhà thôi".

Khoảnh khắc gặp nhau họ không nói quá nhiều mà ôm chặt, nước mắt của bà Lý Hiểu Cầm thấm ướt vai áo con.

Hoài Viễn ôm cha mẹ trong cuộc đoàn tụ cuối tháng 5/2024. Ảnh: Sina

Trương Hoài Viễn xúc động chia sẻ buổi đoàn tụ có tất cả người thân nội ngoại đến. "Chưa bao giờ tôi nghĩ đột nhiên lại có nhiều người thân như vậy", người đàn ông 33 tuổi nói.

Cuộc phiêu lưu của Hoài Viễn kéo dài tận 33 năm. Ngày đó vợ chồng ông Lý Thế Kiệt đi làm ở tỉnh Hà Bắc. Họ vừa mới sinh con đầu chưa đầy tuổi thì lại mang bầu Hoài Viễn. Đến lúc cái thai hơn 6 tháng, vết mổ bục ra.

Đêm đầu tháng 6/1991, ông Lý tràn đầy bất an khi chứng kiến vợ bị đẩy vào phòng phẫu thuật. Hơn một giờ sau, bác sĩ bước ra khỏi phòng thông báo đứa trẻ đã chết. Dù đã chuẩn bị tinh thần, ông vẫn vô cùng đau khổ.

"Tôi cảm thấy trời sập xuống, chân đứng không vũng. Chúng tôi thậm chí còn chưa bao giờ nhìn thấy mặt con", ông Lý nói.

Lúc đó vợ ông đang hôn mê nên không biết gì cả. Sự việc này khiến gia đình chìm trong cảm giác đau khổ hàng năm trời. Thường xuyên trong đầu họ nghĩ về đứa con xấu số.

Trương Hoài Viễn không biết mình đã chết sống lại như thế nào. Anh lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh An Huy với cha mẹ nuôi đều ngoài 50 tuổi, không con cái. Cha nuôi bị khuyết tật nên gia cảnh nghèo khó. Thuở nhỏ bạn xung quanh đều nói anh là đứa con nuôi, nhưng bố mẹ chưa bao giờ nói gì về gốc gác của anh.

Năm 17 tuổi, chàng trai nghỉ học và chuyển đến Thiên Tân làm việc. Đến năm ngoái, hai năm sau khi cha nuôi qua đời, mẹ nuôi đã kể cho Hoài Viễn nghe sự thật rằng anh bị sinh non, được giám đốc bệnh viện nuôi trong lồng kính, sau đó giao cho người thân của giám đốc nuôi dưỡng.

"Mẹ nuôi già lắm rồi, bà lo rằng ngày nào đó ra đi sẽ để lại tôi một mình trên thế giới này nên động viên tìm lại gia đình", Trương chia sẻ.

Trương Hoài Viễn (trái) được cảnh sát mắt tay cho bớt hồi hộp trong cuộc đoàn tụ cuối tháng 5/2024. Ảnh: Sina

Vào 10/2023, với sự hỗ trợ của mẹ nuôi và dì, Trương bắt tay vào hành trình đi tìm người thân. Một tháng sau, anh tìm thấy Văn phòng công an thành phố Thặng Châu (Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) trên Douyin (TikTok Trung Quốc). Với tâm lý muốn thử, anh đã gửi mẫu máu.

"Ngày nào tôi cũng mong ngóng kết quả. Nghĩ đến việc tìm kiếm gia đình, tôi không tài nào chợp mắt", anh nói.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hoài Viễn nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Thặng Châu: "Tiểu Trương, chúng tôi đã tìm được gia đình cho cậu rồi!".

Trương Hoài Viễn (giữa) với bố mẹ và các anh chị. Ảnh: Sina

Trong những ngày đoàn tụ, bữa nào trên bàn ăn cũng có món lưỡi vịt Ôn Châu, món ăn Trương Hoài Viễn và mẹ đẻ thích nhất.

Vợ chồng ông Lý Thế Kiệt là những doanh nhân giàu có ở vùng Ôn Châu. Trong dịp đoàn tụ, họ đã tặng con trai một chiếc thẻ ngân hàng trị giá 1,2 triệu tệ (4,2 tỷ đồng).

Mặc dù lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, Trương Hoài Viễn dường như thừa hưởng năng khiếu kinh doanh của cha mẹ ruột và đã gây dựng được một nhà máy nhỏ. Riêng câu chuyện ngày đó được giám đốc bệnh viện cho như thế nào, đến nay gia đình chưa làm rõ được.

Gần đây, ông bà Lý đã đến thăm nhà con trai, gặp con dâu và cháu trai 9 tuổi. "Đứa con tội nghiệp của tôi đã sống hơn 30 năm mà không biết sinh nhật của chính mình. Năm nay, gia đình chúng tôi sẽ cùng nhau ăn mừng", ông Lý nói.

Bảo Nhiên (Theo Sina)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020