Trần Nhật Linh, 22 tuổi, quê Quảng Trị, vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học dạy bằng tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm trung bình (GPA) 3.95/4. Nam sinh ở vị trí thứ tư trong hơn 2.700 sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 6 và đứng đầu khoa Hóa học.
"Khi bố đưa mình ra Hà Nội nhập học cách đây 4 năm, bố dặn đừng chểnh mảng, phải cố lấy tấm bằng giỏi. Mình cũng xác định như vậy vì muốn chứng minh chọn Sư phạm là đúng khi cả nhà khuyên không nên theo". Linh nói. "Dù vậy, mình chưa bao giờ mơ đến việc trở thành thủ khoa tốt nghiệp".
Trần Nhật Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Linh là cựu học sinh lớp chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị. Được chọn thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12 nhưng không đạt kết quả như mong muốn, Linh ngờ vực bản thân, tự hỏi: "Liệu Hóa học có phù hợp với mình"?
Mất phương hướng vài ngày, Linh suy nghĩ lại và coi "thất bại" đó là điểm dừng để tạo đà bước tiếp. Thay vì dồn tâm sức học Hóa như trước, Linh quay lại ôn luyện 3 môn Toán, Hóa, Anh để xét tuyển đại học. Chàng trai lựa chọn ngành Sư phạm Hóa học dạy bằng tiếng Anh, dù cả nhà khuyên theo học Kinh tế. Bố mẹ và chị gái Linh đều làm trong lĩnh vực này.
"Người ta vẫn hay nói 'Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm'. Bố mẹ mình cũng nói không dám chắc con đường tương lai sẽ ổn nếu vào Sư phạm, trong khi học Kinh tế, gia đình hỗ trợ được nhiều hơn", Linh kể.
Song, thời gian ôn luyện học sinh giỏi quốc gia, được học với các giáo sư đầu ngành của Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa học Tự nhiên, Linh được truyền cảm hứng và quả quyết theo nghề giáo.
Ban đầu, Linh gặp khó khi 100% môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh. Lớp có nhiều bạn giỏi, đến từ các trường chuyên nổi tiếng với nhiều giải thưởng, được tuyển thẳng.
Nam sinh thừa nhận có một khoảng thời gian phải "đuổi" theo các bạn, nhưng áp lực đó đã giúp cậu được nhiều thứ, nhất là sự kỷ luật trong học tập. Linh không quan trọng học bao nhiêu tiếng mỗi ngày, nhưng dứt khoát phải học, đọc tài liệu trước khi đến lớp. Với những môn hay phần kiến thức khó, mục tiêu là phải hiểu kỹ càng.
Nam sinh lấy ví dụ với 3 môn là Hóa vô cơ 2, Hóa Hữu cơ 3 và Hóa học lượng tử. Nhờ giữ được kỷ luật, dù không thích các môn này nhất, Linh lại đạt điểm 10, cùng điểm tuyệt đối ở khóa luận tốt nghiệp.
"Kỷ luật giúp mình vượt qua khó khăn", Linh nhìn nhận. Ngoài ra, nam sinh học được nhiều điều từ chính những anh chị, bạn bè ưu tú xung quanh.
Nhật Linh (ngoài cùng bên phải) bên cạnh các thành viên đội thi Olympic Hoá học của Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đến hết năm thứ hai, Linh tham gia nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm về Hóa vô cơ với PGS.TS Lê Thị Hồng Hải. Nam sinh học hỏi được nhiều thứ, từ cách rửa dụng cụ cho sạch, sử dụng các máy đo huỳnh quang hay máy móc khác trong phòng thí nghiệm, đặt phản ứng sao cho đúng, càng ngày càng yêu thích công việc này.
GS.TS Đặng Ngọc Quang, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết Linh đạt nhiều thành tích như giải nhì Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc, về nhất Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên của trường và giải ba cấp toàn quốc.
"Linh là sinh viên khá đa năng, tốt cả về lý thuyết và thực hành. Em nói ít nhưng hiểu rất kỹ các vấn đề chuyên môn, được giảng viên đánh giá cao", thầy Quang nói.
Song song việc học tập và nghiên cứu, Linh làm gia sư, dạy học sinh đội tuyển ở trường cũ để rèn kỹ năng sư phạm.
Đầu năm nay, Linh có 3 tháng thực tập tại một trường quốc tế ở Hà Nội. Dù còn nhiều sai sót khi giảng bằng tiếng Anh, Linh được giáo viên người nước ngoài ủng hộ. Bằng cách quan sát thầy và thực hành, Linh học cách truyền đạt và truyền cảm hứng cho học sinh.
Cho rằng học tiếng Anh là phải theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", Linh luyện tập hàng ngày. Chàng trai Quảng Trị cũng đang cùng nhóm nghiên cứu ở trường hoàn thiện hai bài báo để gửi đăng tạp chí quốc tế.
"Mình sẽ săn học bổng trong năm nay để học tiếp bậc sau đại học ở nước ngoài, trước khi về nước làm việc", Linh nói.
Dương Tâm