Chuyên mục  


Vụ án đòi lại tài sản và bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn Lâm Hồng Sơn, 68 tuổi, và bị đơn là Công an tỉnh An Giang đã được TAND tỉnh này thụ lý và trải qua quá trình tố tụng kéo dài hơn 33 năm. Đã có nhiều bản án, quyết định được ban hành nhưng đến nay lại quay về điểm xuất phát.

Trong đơn kiện, ông Sơn cho biết tháng 4/1988 hợp tác với Công an tỉnh An Giang lập Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc Châu Đốc trực thuộc Ban chỉ huy Cảnh sát Công an tỉnh An Giang. Hơn một năm sau, lãnh đạo công an tỉnh tiếp tục liên doanh với đối tác Thái Lan, lập Công ty Ancresdo kinh doanh dịch vụ. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc do có kinh nghiệm trong việc làm ăn.

Ông Lâm Hồng Sơn tại buổi xin lỗi công khai ngày 28/5. Ảnh: Ngọc Tài

Bỗng dưng bị bắt

Trong quá trình ông đang ở Thái Lan lo thực hiện hợp đồng bán sắt xây dựng cho đối tác với khối lượng 12.000 tấn (tổng giá trị 3,3 triệu USD) và mua hàng kim khí điện máy, gia dụng, ôtô, xe gắn máy về làm đại lý độc quyền xe Kawasaki, thì ở nhà Công an tỉnh An Giang thay đổi nhân sự điều hành Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo.

Theo ông Sơn, lúc này toàn bộ số hàng trên tàu từ Thái Lan về, gồm: 122 xe máy Kawasaki, 101 xe Honda, 8 ôtô du lịch và nhiều thứ khác bị lãnh đạo Công an An Giang định đoạt, mang bán tháo, thậm chí đem cho tặng... Khi ông về nước đã không có hàng để giao cho đối tác và bị Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang lúc đó tố cáo "giả mạo danh nghĩa Ancresdo để lừa đảo". Từ đó, ông bị Công an tỉnh Long An bắt giam oan ngày 10/1/1990.

Sau khi được Công an tỉnh Long An trả tự do, ông trở về thì những tài sản đã bỏ vốn đầu tư vào việc sản xuất thức ăn gia súc và góp vốn kinh doanh ở Ancresdo đã bị Công an tỉnh An Giang chiếm giữ, định đoạt toàn bộ.

Ông sau đó làm đơn kiện Công an tỉnh An Giang ra TAND tỉnh để đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, đến ngày 14/12/1990, Công an An Giang đã khởi tố, bắt giam ông với cáo buộc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN,sau đó chuyển qua Trốn thuế.

Sau gần một năm bị giam, ngày 13/11/1991, VKSND tỉnh An Giang cho rằng căn cứ buộc tội ông Sơn không vững chắc nên ra quyết định trả tự do, 6 ngày sau ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Cùng với việc yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường do bị bắt giam oan, ông Sơn tiếp tục theo đuổi vụ kiện Công an An Giang, yêu cầu tòa tuyên buộc phía bị đơn giao trả: Xí nghiệp thức ăn gia súc do ông bỏ vốn đầu từ với tổng giá trị 30 lượng vàng và hơn 217 triệu đồng; giá trị đầu tư vào Công ty liên doanh Ancressdo, hàng hóa nhập khẩu bị chiếm giữ và thiệt hại do hợp đồng xuất khẩu bị phá vỡ gồm hơn 1,2 tỷ đồng, 276.000 USD hàng hóa nhập khẩu và 3,3 triệu USD giá trị xuất khẩu theo hợp đồng bị thiệt hại. Tổng cộng, ông yêu cầu được bồi thường gần 4 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại).

Ông Sơn bên tập hồ sơ liên quan quan đến vụ kiện và vụ án oan kéo dài gần 34 năm. Ảnh: Vĩnh Phúc

Vì sao 33 năm chưa xong vụ kiện?

Quá trình tòa thụ lý và giải quyết, Công an tỉnh An Giang không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Sơn, không đồng ý hoàn trả phần vốn ông đầu tư vào xí nghiệp.

Phía bị đơn cho rằng, Ban chỉ huy Cảnh sát Công an tỉnh chỉ bỏ mặt bằng, còn vốn do ông Sơn chi ra thì tự chịu trách nhiệm với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ khi xí nghiệp ngưng hoạt động, ông Sơn bỏ mặc cho nhà xưởng máy móc hư hỏng, mất mát chứ công an tỉnh không quản lý.

Đối với công ty liên doanh, mặc dù công an tỉnh có quyết định thành lập công ty nhưng phần vốn đều do ông Sơn cùng một số cá nhân tự bỏ ra để hoạt động kinh doanh và phải tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động.

Việc thực hiện các hợp đồng với đối tác và xử lý hàng hóa đều do nội bộ công ty tự xử lý chứ Công an An Giang không tham gia. Do vậy, công an tỉnh không đồng ý với yêu cầu của ông Sơn.

Cuối năm 2001, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Sơn. Tháng 12/2002, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm xét kháng cáo của ông Sơn, xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là "có căn cứ".

Theo bản án, sau khi ông Sơn bị bắt oan, những người còn lại của Xí nghiệp và công ty quản lý điều hành việc sản xuất, xử lý tài sản nên cần đưa những người này vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Việc tòa cấp sơ thẩm không đưa những người này vào giải quyết là chưa toàn diện nên tòa phúc thẩm tuyên huỷ án, trả hồ sơ cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại.

Năm 2005, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm lần hai, tiếp tục bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Một năm sau, bản án này lại bị tòa phúc thẩm huỷ do chưa đưa hết những người thừa kế của người có quyền, nghĩa vụ liên quan (đã chết) vào tham gia vụ án.

Quá trình TAND tỉnh An Giang thụ lý lại vụ án đã nhiều lần liên hệ với người đại diện theo uỷ quyền của ông Sơn nhưng không nhận được phản hồi nên ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Đến năm 2019, sau thời gian sống tại Mỹ, ông Sơn về nước tiếp tục nộp lại đơn khởi kiện. Quá trình thụ lý lại vụ án, cuối năm 2022, TAND tỉnh An Giang từng mở phiên tòa nhưng sau đó tạm hoãn do thay đổi thẩm phán.

HĐXX mở nhiều phiên hòa giải, song các bên không tìm được tiếng nói chung và vẫn giữ nguyên quan điểm. TAND tỉnh An Giang nhiều lần thay đổi thẩm phán, đến nay phiên tòa vẫn chưa có quyết định mở lại phiên xử.

Liên quan đến việc bị bắt giam oan hai lần, hồi cuối tháng 5, đại diện VKSND An Giang, Long An cùng cơ quan cảnh sát điều tra hai tỉnh này đã tổ chức xin lỗi công khai ông Sơn tại UBND phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc - quê hương của doanh nhân.

Gần một tháng sau, VKSND tỉnh Long An và An Giang đã bồi thường cho ông Sơn gần 3 tỷ đồng sau 34 năm bị bắt oan.

Hải Duyên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020