Chuyên mục  


Đầu tháng 1, Văn Bình (TP HCM) mua chiếc Mazda CX-3 2021 đã chạy 11.000 km. Anh cùng chủ cũ đến một đại lý Mazda ở TP HCM để kiểm tra tổng quát trước khi ký hợp đồng. Bình cùng chủ cũ yêu cầu nhân viên cố vấn dịch vụ "kiểm tra chất lượng xe để tiến hành mua bán". Sau kiểm tra, nhân viên kỹ thuật thông báo với chủ xe và anh Bình "xe không có vấn đề gì, mọi thứ hoạt động bình thường".

Mẫu CX-3 của anh Bình mua lại từ chủ cũ. Ảnh: Văn Bình

Trong hóa đơn ghi rõ kiểm tra tổng quát bảo dưỡng cấp độ 1, và đo kiểm tra áp suất nén của máy. Kết luận ghi trong hóa đơn là xe không có lỗi, mọi thứ hoạt động bình thường. Anh Bình lúc này đồng ý mua xe với giá 510 triệu đồng.

Sau khi sử dụng xe 3 tháng, Bình có ý định đổi xe. Anh liên hệ các salon để tiến hành định giá. Một nhân viên salon sau khi xem xe cho biết xe đã bị đâm đụng nặng, nhiều chi tiết không nguyên bản. Kiểm tra tại một đại lý Mazda khác, lịch sử bảo dưỡng của xe cho thấy một bảng chi tiết 68 phụ tùng/nội dung sửa chữa, thực hiện ngày 9/10/2023, tức trước khi mua khoảng 3 tháng, địa điểm thực hiện ở ngay đại lý Mazda nơi anh và chủ cũ tiến hành kiểm tra xe trước khi mua bán.

Các bộ phận phải sửa chữa cho thấy xe đã bị tai nạn nặng như đồng xương chassis sau, cản sau, ổ khóa ca-pô, thay khung xương két nước, tháo lắp kính lưng, thay đèn pha cos, nắp ca-pô..., chủ yếu liên quan khung gầm, vỏ, không ảnh hưởng tới động cơ.

Lịch sử sữa chữa của xe trước khi được tiến hành mua bán. Ảnh: Văn Bình

Văn Bình không liên lạc được với chủ cũ nên tìm đến đại lý Mazda tại TP HCM để khiếu nại, vì cho rằng nhân viên kỹ thuật đã cung cấp kết quả không chính xác. Tuy vậy, đại lý cho biết đã làm đúng yêu cầu "kiểm tra chất lượng của xe trước khi mua bán", tức là chất lượng xe tại thời điểm đó có tốt hay không, không liên quan tới lịch sử sửa chữa trong quá khứ. Do đó, đại lý không chấp nhận yêu cầu của Văn Bình đòi bồi thường thiệt hại khoảng 100 triệu so với giá trị thật của xe.

Trả lời VnExpress, phía Mazda cũng cho biết nội dung tương tự và khẳng định, khách hàng đưa ra yêu cầu không trùng khớp với mong muốn thực sự.

Các chuyên gia mua bán xe cũ cho biết, đây không phải là tình huống hiếm gặp khi giao dịch. Nếu xe từng bị tai nạn, giá bán lại sẽ rất thấp, vì vậy nhiều chủ cũ sẽ cố gắng tìm cách che giấu lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa. Một số cách mà chủ cũ thường dùng như chủ động kiểm tra xe ở một salon, xưởng có quen biết từ trước, hoặc nếu gặp khách hàng không có kinh nghiệm, hiểu biết, sẽ chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng xe ở thời điểm bán.

Theo đó, thay vì yêu cầu cung cấp lịch sử sửa chữa, chủ xe chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng. Tức là, dù chiếc xe từng bị đâm đụng nặng, nhưng nếu đã sửa xong, và hiện vận hành tốt, thì kết quả tại thời điểm kiểm tra vẫn là tốt.

Các chuyên gia pháp lý cho biết, sẽ không có cơ sở để khiếu nại trong trường hợp này, nếu các hóa đơn, phiếu yêu cầu không viết rõ "kiểm tra lịch sử" hoặc có các bằng chứng khác chứng minh điều này.

Khi mua xe cũ, người dùng nên tìm những chiếc xe có lịch sử bảo dưỡng chính hãng đầy đủ, không có những phát sinh liên quan đến va chạm, ngập nước như đồng sơn khung gầm, thay ghế, sửa hệ thống điện... Khi tiến hành kiểm tra, cần kiểm tra rõ lịch sử bảo dưỡng, không phải tình trạng xe lúc mua bán.

Nếu nghi ngờ, người mua có thể đề xuất kiểm tra thêm ở đại lý chính hãng khác, để có kết quả chính xác và đồng nhất. Cuối cùng, không nên mua những chiếc xe không có lịch sử bảo dưỡng rõ ràng, nếu không biết rõ lai lịch, nguồn gốc.

Phạm Hải

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020