"Một cuộc đối thoại nhỏ giữa Chúa và chàng Adam do ngài tạo ra.
- Chúa: Con trai, con có cảm thấy mệt không?
- Người đàn ông: Con không mệt.
- Chúa: Con có đau không?
- Người đàn ông: Con không đau.
- Chúa: Con có khổ không?
- Người đàn ông: Không, con không khổ.
- Chúa: Tại sao?
- Người đàn ông: Bởi vì con là một người đàn ông, con không có quyền kêu mệt, kêu đau, và kêu khổ.
- Chúa: Vậy tại sao khóe mắt con ướt lệ?
- Người đàn ông: Bởi vì con cũng là con người, con cũng cần sự an ủi. Nhưng con chỉ có thể biến những đau khổ, mệt mỏi thành nước mắt.
(Ảnh minh họa)
Khi Chúa trời tạo ra loài người, người đầu tiên Ngài tạo ra là đàn ông - Adam, và sau đó Ngài đã lấy một chiếc xương sườn của Adam để tạo ra một người phụ nữ - là Eva.
Từ đó, thế giới có đàn ông và phụ nữ, và người phụ nữ là một phần cơ thể của người đàn ông. Chính vì vậy, Chúa trời ban cho người đàn ông một cơ thể mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh - bảo vệ "chiếc xương sườn" của chính mình.
Ngay từ khi thế giới có nam có nữ, người đàn ông đã bắt đầu cảm thấy mệt, bởi anh ta phải chịu trách nhiệm về tương lai của cả hai người, hoặc thậm chí là nhiều người hơn thế nữa.
Ngày trước, khi tổ tiên của chúng ta cần một người bạn đời thì chỉ cần một vài con bò, một vài con dê là có thể kết hôn với người con gái mình yêu. Hay thời còn xa xưa hơn nữa, người đàn ông còn có lý do để tin vào "một túp lều tranh hai trái tim vàng", chỉ cần hết lòng yêu một người con gái thì người ta cũng hết lòng hết dạ với mình, sẵn sàng cùng mình đi đến cùng trời cuối đất.
Tuy nhiên, với ngày nay thì chỉ tình yêu là không đủ, mà còn phải kèm theo đó là sắc đẹp, tài năng, học thức – được xem như là một phụ kiện của tình yêu. Có tiền, có nhà, có xe hơi đã thành nền tảng cho câu chuyện tình yêu. Lúc này người đàn ông bị buộc phải trở thành nô lệ của những vật chất này.
(Ảnh minh họa)
Nếu người đàn ông không quan tâm đến những thứ vật chất "phù phiếm" kể trên, thì anh ta có thể sống tự do tự tại hơn, thế nhưng rất nhiều lần đàn ông đã vì phụ nữ, vì thể diện mà không thể giả vờ không quan tâm đến chúng.
Có thể anh ta chịu đựng được ánh mắt lạnh lùng của người khác, nhưng anh ta không thể chịu đựng được ánh mắt khinh bỉ của một người phụ nữ. Không còn cách nào khác, bởi vì xương sườn là một phần của cơ thể, chính vì vậy khi xương sườn khó chịu thì người đàn ông cũng chẳng thể thấy thoải mái.
Khi còn là một đứa trẻ, người đàn ông thường được dạy rằng đàn ông không được phép dễ dàng rơi lệ, thà chảy máu còn hơn đổ lệ. Chính vì thế ngay từ khi còn nhỏ, người đàn ông đã biết được tầm quan trọng của hai chữ "thể diện". Cùng bị đối xử bất công nhưng người đàn ông chỉ có thể nhìn người phụ nữ khóc lóc kể lể với người khác còn bản thân mình thì nhẫn nhịn, nuốt nước mắt vào trong, anh ta không thể bộc lộ cảm xúc của mình ra ngoài.
Và khi lớn lên, trở thành một người đàn ông, có thể tự chịu trách nhiệm trước xã hội, việc đầu tiên người đàn ông cần đối mặt là lập nghiệp, rồi tiếp đến là hôn nhân. Lúc đó mới phát hiện ra rằng, công việc thì không dễ tìm, hay tìm được việc rồi thì nó cũng chẳng đơn giản chút nào.
Phụ nữ như một quyển sách khó hiểu, lấy về rồi mới phát hiện yêu cầu của họ rất nhiều, có cái này lại muốn có cả cái kia, có vẻ như không bao giờ hết, lúc này mọi nỗ lực của người đàn ông đều là để đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho người phụ nữ của họ.
Thế nhưng chuyện cân bằng sự nghiệp với hạnh phúc gia đình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bởi vì đàn ông đang cố gắng xây dựng sự nghiệp cũng giống như những công nhân vác gạch, tay họ cầm gạch nên không thể ôm bạn, nhưng nếu đặt xuống thì họ lại không thể nuôi bạn và cho bạn cuộc sống đủ đầy.
Chính vì vậy, là một người phụ nữ, hãy biết thông cảm và sẻ chia dù muộn phiền hay hạnh phúc với người đàn ông của mình".
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện mang đầy tính triết lý này có thể đã nhiều người phụ nữ từng đọc qua. Thế nhưng, không phải ai cũng rút ra được bài học sâu sắc cho bản thân, hoặc thay đổi điều gì đó để người đàn ông của họ cảm thấy dễ chịu hơn sau những lúc "vác gạch" đến trầy da rướm máu.
Người xưa có câu: "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Đọc lên nghe có vẻ rất hay, rất xuôi, nhưng nếu nghĩ kỹ hơn sẽ thấy có sự mâu thuẫn kỳ lạ. Tại sao đã là giếng khơi mà lại "nông nổi", còn cơi đựng trầu lại gắn với "sâu sắc"? Đó chính là phép nói ngược vô cùng thâm thúy, bao hàm rất nhiều ý nghĩa dành cho cả 2 phái. Phụ nữ vẫn thường nghĩ sai, hiểu nhầm về phái mạnh, và cái hiểu nhầm nhiều nhất chính là việc suy diễn cảm xúc của đàn ông cùng những việc mà họ làm.
Nhiều chị em phụ nữ vẫn hay chê trách người đàn ông bên cạnh mình là hời hợt, bồng bột, suy nghĩ thiếu chín chắn, thậm chí quy chụp sự "vô tâm" là đặc tính nổi bật của đàn ông. Khi thấy người đàn ông của mình quá bận rộn mà thiếu đi sự chăm chút dành cho vợ, không còn chú ý đến mình nhiều như trước, thậm chí chẳng nhận ra vợ đổi kiểu tóc, diện váy mới, hay tô màu son xinh hơn hôm qua... thì tất cả những thiếu sót đó sẽ trở thành biểu hiện của sự vô tâm, thay lòng đổi dạ, hoặc bất kỳ nhận định nào mà người phụ nữ nghĩ ra trong đầu mình. Kể cả có đối thoại thẳng thắn với người đàn ông của mình, biết rõ chồng buộc phải làm việc chăm chỉ nên không thể cân bằng sự nghiệp với gia đình, thì phụ nữ vẫn cứ thất vọng và bộc lộ ra khiến đàn ông cảm thấy nặng nề hơn.
(Ảnh minh họa)
Nếu để phân tích, bàn luận ra thì câu chuyện của Chúa và Adam có quá nhiều điều đáng suy ngẫm, gần gũi với chính cuộc sống hiện đại của chúng ta. Rõ ràng là cuộc sống vốn rất phức tạp, đàn ông sinh ra đã mặc định nhận thiên chức "xây nhà", còn đàn bà thì "xây tổ ấm", vậy tại sao cả 2 bên không bổ trợ giúp đỡ lẫn nhau, mà cứ phải xoáy vào vai trò của nhau để làm mọi thứ thêm nặng nề?
Các chị em ạ, trời sinh thiên tính nữ không phải để cho mình quyền đè thêm gánh nặng lên vai đàn ông, lại càng không phải lý do chính đáng để bắt người đàn ông của mình vừa "vác gạch", vừa phải ôm mình thật chặt trong tay. Hãy giúp chồng mình nhẹ bớt đôi vai, nhẹ bớt tâm tư, cảm thông chia sẻ đúng lúc đúng chỗ, và đó cũng là bí quyết rất giản đơn để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Làm được hay không, điều đó tùy thuộc vào chính người phụ nữ mà thôi!