Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc hợp tác với Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics để thử nghiệm vaccine Ad5- nCoV dưới dạng khí dung. Viện sĩ Trần Vi, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, hôm 4/6 cho biết, loại vaccine Covid-19 dạng khí dung đang được Cục Quản lý Sản phẩm y tế Quốc gia Trung Quốc xem xét để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vaccine Adenovirus dưới dạng hít khí dung đang được mở rộng thử nghiệm. Ảnh: China News.
Bà cho biết, so với các loại vaccine Covid-19 khác, ngoài việc có thể tạo ra miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào, vaccine dạng hít khí dung có thể tạo ra miễn dịch niêm mạc. "Chúng tôi mong muốn phát triển loại vaccine hai không, không cần tiêm, không cần bảo quản lạnh", bà nói.
Thay vì phải tiêm, người dân chỉ cần hít khí dung bằng miệng, qua đường ống y tế. Loại vaccine dạng hít này chỉ sử dụng liều lượng bằng 1/5 vaccine dạng tiêm. Ngoài ra do không cần bảo quản lạnh, các chuyên gia cho rằng loại vaccine này có thể giúp người dân được tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí tiêm chủng.
"Cục Quản lý Sản phẩm y tế Quốc gia Trung Quốc đã chấp thuận cho phép mở rộng thử nghiệm lâm sàng, đồng thời nhóm nghiên cứu đang trong quá trình đăng ký loại vaccine dạng hít khí dung để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp", Viện sĩ Trần Vi nói.
Trước đó, nhóm đã công bố kết quả nghiên cứu về vaccine không tiêm đầu tiên vào tháng 8/2020 và một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Vũ Hán vào tháng 9/2020.
Vaccine Adenovirus (Ad5-nCoV) là "ứng viên" vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc chuyển sang thử nghiệm trên người vào tháng 3/2020. Tuy xuất phát điểm sớm hơn, song Ad5-nCov đi sau các loại vaccine tiềm năng khác về tiến độ thử nghiệm.
Về vấn đề tác động của các đột biến virus SARS-CoV-2 đối với vaccine, bà Trần Vi cho biết nhóm nghiên cứu đang tiến hành phân tích tin sinh học 5 chủng đột biến để giải quyết vấn đề mà nhiều người đang quan tâm.
Nguyễn Xuân (Theo Xinhua)