Chuyên mục  


Dù đối mặt với nhiều mối đe dọa, bọ que đảo Lord Howe vẫn tồn tại. Ảnh: Granitethighs/Wikimedia

Những loài động vật quý hiếm và nguy cấp thường ẩn mình ở những nơi khó tiếp cận. Đôi khi chúng chỉ sống tập trung ở một khu vực nhỏ. Với loài côn trùng hiếm nhất thế giới, bọ que đảo Lord Howe (Dryococelus australis), còn gọi là tôm hùm cây, nhà là một cột đá biển không người ở tại Thái Bình Dương. Câu chuyện sinh tồn của chúng khá đặc biệt.

Với thân sẫm màu, 6 chân dài và chiều dài cơ thể 15 - 20 cm, bọ que đảo Lord Howe trông khá giống sinh vật tiền sử. Ban đầu, loài vật này chỉ được tìm thấy trên đảo Lord Howe ở biển Tasman, giữa Australia và New Zealand. Năm 1918, tàu hàng SS Makambo đắm tại đây và vô tình gây ra thảm họa sinh thái, khiến hòn đảo bị chuột đen xâm chiếm.

Chuột gây rắc rối lớn cho sinh vật bản địa, bao gồm cả bọ que. Người ta cho rằng chúng đã bị xóa sổ vào khoảng năm 1920. Ngoài bọ que, chuột còn xóa sổ 5 loài chim, ít nhất 13 loài động vật không xương sống và hai loài thực vật trên đảo.

Nhưng vào những năm 1960, các nhà leo núi đến Ball's Pyramid tìm thấy xác bọ que lột. Ball's Pyramid là cột đá nhỏ không người ở, hình thành từ một khối núi lửa dựng đứng cách đảo Lord Howe 23 km, và là cột đá biển cao nhất thế giới.

"Đó là một cảnh quan khá trống trải. Không có nhiều đất trên đó", Kate Pearce, quản lý khoa học sự sống với động vật không xương sống tại Vườn thú Melbourne, cho biết.

Ball's Pyramid là nơi sinh sống của quần thể bọ que đảo Lord Howe hoang dã duy nhất trên thế giới. Ảnh: Ashley Whitworth

Bọ que tại Ball's Pyramid không thực sự giống những con tại Lord Howe. Chúng có chân nhỏ hơn và màu tối hơn. Với một số nhầm lẫn, Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức tuyên bố loài vật này tuyệt chủng vào năm 1986.

Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Năm 2001, một nhóm thám hiểm đến Ball's Pyramid để làm rõ báo cáo của các nhà leo núi. Họ tìm thấy phân, sau đó là 3 cá thể sống trên một cây trà cách mực nước biển 64 m.

Phát hiện này dẫn đến một chương trình nuôi nhốt và nhân giống 4 cá thể được thu thập vào năm 2003. Kết quả phân tích ADN xác nhận chúng chính là bọ que đảo Lord Howe. Một cặp bọ mang tên Adam và Eve được đưa đến vườn thú Melbourne để khởi động chương trình nhân giống.

Đến năm 2022, nhờ chương trình của vườn thú Melbourne, gần 19.000 cá thể đã chào đời. Loài này cũng sống tại vườn thú San Diego và khách tham quan được mời đến quan sát chúng trong một môi trường chuyên biệt vào cuối năm 2023.

Theo Sách Đỏ IUCN, bọ que đảo Lord Howe vẫn đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, với số lượng cá thể sống hoang dã chỉ khoảng 9 - 35. Những mối đe dọa chính là bão và hạn hán do kích thước quần thể quá nhỏ. Chúng sống phụ thuộc vào cây bụi tràm (Melaleuca) ở Ball's Pyramid và bản thân loại cây này cũng bị những loài dây leo xâm lấn đe dọa. Nạn săn bắt trộm cũng có thể dẫn đến sự tuyệt chủng.

Một cuộc kiểm tra toàn diện hồi tháng 7/2023 cho thấy, không còn con chuột nào sống trên đảo Lord Howe trong hơn hai năm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến dịch tiêu diệt chuột. Giới chuyên gia hy vọng rằng trong tương lai, bọ que quý hiếm có thể được thả lại về ngôi nhà ban đầu của chúng.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020