Chuyên mục  


Mùa hè năm 2015, tàu 8002 khởi hành từ nhà máy đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng) vào một ngày đẹp trời, đánh dấu chuyến "thử lửa" đường dài đầu tiên với hải trình hơn 2.000 hải lý cùng Đoàn công tác Bộ Quốc phòng.

Theo phóng viên Vũ Lâm của báo Nhân dân – người trực tiếp có mặt trên tàu 8002 trong chuyến hải trình, con tàu chạy trên biển sóng cấp 5 cấp 6 mà "êm như đi phà trên sông". Thượng úy Phạm Văn Chuyền – lái chính của tàu cho biết, ở thời điểm đó, tàu 8002 là "tàu đa năng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á".

1-1737603149155-17376031507201219139250.jpg

Tàu CSB-8002 chuẩn bị cập cảng Phú Quốc trong chuyến hải trình dài ngày đầu tiên. Ảnh: Báo Nhân dân

Đây là con tàu thứ hai thuộc lớp tàu DN 2000 do Việt Nam đóng mới cho Cảnh sát biển dựa trên thiết kế nguyên mẫu tàu tuần tra OPV-0914 của Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan.

Cho tới nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã đưa vào trang bị 4 tàu tuần tra DN 2000 (gồm tàu CSB-8001, CSB-8002, CSB-8004 và CSB-8005). Đáng lưu ý, theo báo Tuổi Trẻ, 2 chiếc trong số này đã được đóng mới với thời gian "thần tốc" trong những ngày Biển Đông "dậy sóng" – khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.

Mệnh lệnh hoàn thành khẩn cấp và kỷ lục đóng tàu

Tàu CSB-8004 và CSB-8005 được khởi đóng ngay trong những ngày đất nước nóng bỏng vì biển đảo, và được mệnh lệnh hoàn thành khẩn cấp để xuất bến. Nhiệm vụ quan trọng lần lượt được giao cho Công ty TNHH MTV 189/ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng).

Chỉ 1 năm kể từ ngày đặt ky (22/11/2014), chính xác là 370 ngày, tàu CSB-8004 đã chính thức được hạ thủy (ngày 27/11/2015), phá vỡ kỷ lục về tiến độ thi công. Tàu CSB-8005 cũng chỉ mất 12 tháng để hoàn thành.

6-1737603151212-173760315129755887814.jpg

Tàu CSB-8004 và CSB-8005 đã phá vỡ kỷ lục về tiến độ thi công. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Trước đó, tàu CSB-8001 được hạ thủy sau 20 tháng thi công, còn tàu CSB-8002 phải mất tới hơn 2 năm.

Như thế, thời gian thi công tàu CSB-8004 và CSB-8005 đã rút ngắn chỉ bằng một nửa thời gian so với tàu 8002 và nhanh hơn đáng kể so với tàu 8001.

Đáng lưu ý, cố Đại tá Hà Sơn Hải, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu, từng cho biết để đóng mới lớp tàu như DN-2000 ở nhà các nhà máy đóng tàu hiện đại của Tập đoàn Damen, thời gian cũng phải mất ít nhất 18 tháng.

Tuy nhiên, nhờ các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mà Sông Thu chỉ mất hơn 12 tháng để hoàn thành tàu CSB-8005, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc của Tổng công ty Sông Thu nói riêng, và ngành đóng tàu Việt Nam nói chung.

"Từ lúc đặt ky cho đến khi hạ thủy tàu CSB-8005 chỉ vỏn vẹn 12 tháng, rút ngắn còn 2/3 thời gian theo quy trình. Đây là một quãng thời gian không tưởng cho một con tàu như vậy" – Đại tá Hải cho biết trong lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ năm 2016. Con tàu này đã được hạ thủy vào ngày 30/11/2015.

3-1737603151788-173760315185920909513.jpg

Tàu Cảnh sát biển 8005 và trực thăng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ tham gia luyện tập trên biển. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Ông cho biết thêm rằng, tàu CSB-8005 ra đời sau nên được thiết kế hiện đại và mạnh mẽ hơn rất nhiều lần so với tàu CSB-8001.

Ví dụ, nếu tàu CSB-8001 có lượng giãn nước tối đa 2.100 tấn, hoạt động ổn định ở điều kiện sóng gió cấp 9 thì tàu CSB-8005 có độ giãn nước đến 2.400 tấn, tốc độ đạt 21 hải lý/giờ trong điều kiện gió cấp 12. Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm, tầm hoạt động 5.000 hải lý.

Ngoài ra, theo Báo điện tử chính phủ, tàu CSB-8005 còn được trang bị nhiều vũ khí hiện đại như 2 súng 14.5mm, 2 pháo 23mm… Đặc biệt, tàu có sàn đỗ máy bay trực thăng kích thước 17m×13m và các trang thiết bị đồng bộ, có thể chịu trọng tải đến 14 tấn.

"Dùng chữ thần tốc cho con tàu này cũng không ngoa" – Đại tá Hải nhấn mạnh.

Bas Loubert - chuyên gia tàu biển của Tập đoàn Damen với 29 năm kinh nghiệm trong ngành vận hành và đóng tàu nhận định, tất cả tiêu chuẩn trên tàu CSB-8005 đều đạt chuẩn quốc tế. Con tàu này "rất uy lực, chỉ thua các tàu chiến về vũ khí mà thôi".

Đáng lưu ý, 15.000km dây điện đã được lắp đặt để cho phép vận hành và điều khiển các thiết bị hoàn toàn tự động trên tàu.

Bí kíp làm nên kỷ lục

Một trong những "bí kíp" giúp Việt Nam đạt được kỷ lục về tiến độ đóng tàu DN-2000 là phương pháp đóng tàu module hiện đại bậc nhất của tập đoàn Damen.

Theo Hiệp hội Quốc tế các Nhà Khoa học và Kỹ sư Đại dương, Cơ khí và Hàng không Vũ trụ tại Indonesia, phương pháp đóng tàu theo module xuất phát từ ý tưởng về một quy trình sản xuất tinh gọn.

Với những ưu điểm vượt trội, phương pháp đóng tàu module rút ngắn đến 40% thời gian tàu nằm trên đà so với phương pháp đấu đà hình tháp, bởi thời gian tàu nằm trên đà lúc này chỉ là công việc đấu ghép các module với nhau.

Ông Nilo Maniquis, Kỹ sư Hệ thống và Tích hợp Tàu cao cấp của Mỹ cho biết, việc chuyển sang phương pháp đóng tàu module cũng giúp giảm đáng kể chi phí thi công.

Ví dụ, 3 nhà thầu tham gia đóng tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ, gồm General Dynamics [GD] Electric Boat [GD] và Newport News Shipbuilding đã có thể giảm 400 triệu USD chi phí đóng mỗi tàu nhờ phương pháp này.

5-1737603152374-1737603152435487216683.jpg

Phương pháp đóng tàu theo module giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện. Ảnh: Damen

Bên cạnh đó, thời gian bàn giao tàu đã rút ngắn từ 84 tháng xuống còn 60 tháng. Điều này là nhờ các module giúp rút ngắn khung thời gian và các kỹ năng cần thiết để lắp đặt hệ thống chiến đấu, đồng thời cho phép di chuyển các công đoạn sản xuất phức tạp ra khỏi tàu.

Về cơ bản, phương pháp đóng tàu theo module là việc lắp ráp con tàu từ các tổng đoạn khối (Block), trên đó đã lắp đặt sẵn các trang thiết bị cố định.

Để làm rõ, ông Maniquis lấy ví dụ về việc lắp đặt tiện nghi cho phòng ngủ.

Hãy tưởng tượng quá trình xây dựng phòng ngủ theo cách truyền thống: Bạn phải xây dựng các bức tường, lắp đặt hệ thống điện, nước, sau đó mới đến việc trang trí và đặt các tiện nghi như giường, tủ, và đèn. Quá trình này đòi hỏi mọi thứ phải được làm từ đầu, tại chỗ và có thể mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, phương pháp module giống như việc bạn có sẵn một bộ các tiện nghi đã được lắp ráp sẵn ngoài phòng ngủ, sau đó chỉ cần mang vào và lắp đặt trong phòng một cách nhanh chóng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức, vì các bộ phận phức tạp đã được sản xuất và lắp ráp ở nơi khác.

Áp dụng vào quá trình đóng tàu thì công đoạn lắp ráp tàu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ việc ghép nối các tổng đoạn khối (Block) mà trên đó đã lắp đặt sẵn các trang thiết bị cố định gần như hoàn chỉnh.

Nó cũng tạo điều kiện cho quá trình nâng cấp dễ dàng hơn và giảm "thời gian chết" của quá trình hiện đại hóa.

Tại Việt Nam, nhờ áp dụng thành công công nghệ đóng tàu nhanh nhất thế giới trên cơ sở chuyển giao công nghệ của tập đoàn Damen, cùng với nhiều sáng kiến kỹ thuật và quy trình nâng cao năng suất lao động, bố trí nguồn lực chất lượng cao, nỗ lực rút ngắn thời gian đóng mới tàu DN-2000 đã thành công.

Theo Đại tá Hà Sơn Hải, các kỹ sư, chuyên gia và hàng trăm công nhân của Tổng công ty Sông Thu đã làm việc ngày đêm không ngưng nghỉ để hoàn thiện tàu một cách nhanh nhất.

4-1737603154036-17376031541231635088107.jpg

Kiểm tra công tác kỹ thuật trên Tàu CSB 8005. Ảnh: Quân đội Nhân dân

"Những anh hùng thầm lặng"

Dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ đánh giá cao việc Việt Nam tự đóng tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển.

Theo AMTI, DN-2000 là "xương sống" của đội tàu cảnh sát biển Việt Nam.

"Ngoài lớp tàu này, hầu hết các tàu khác của cảnh sát biển Việt Nam đều do các nhà thầu trong nước đóng, và xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục khi năng lực đóng tàu của Việt Nam ngày càng nâng cao" – AMTI nhận định.

Trong khi đó, tạp chí Asian Military Review số tháng 10/2024 đánh giá lực lượng của Việt Nam sở hữu một đội tàu với quy mô tương đối lớn, gồm 110 tàu tuần tra thuộc 13 lớp khác nhau.

Trong số đó, các tàu cỡ lớn nhất là 2 tàu tuần tra lớp Hamilton do Mỹ chuyển giao và 4 tàu tuần tra DN-2000 với lượng giãn nước 2.500 tấn do Việt Nam đóng mới dựa theo thiết kế nguyên mẫu tàu tuần tra OPV-0914 của Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan.

Tạp chí này gọi lực lượng tuần tra hàng hải là những "anh hùng thầm lặng" của an ninh quốc gia, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam trang bị cho Cảnh sát biến tàu tuần tra hiện đại, bởi những con tàu này sẽ giúp đảm bảo mức độ an ninh hàng hải thiết yếu tại các vùng ven biển và ven bờ của Việt Nam, từ đó bảo vệ một phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020