Các băng đảng dùng lời mời đóng phim, hứa hẹn thù lao hậu hĩnh để dụ các diễn viên, người mẫu Trung Quốc xuất ngoại, sau đó bắt cóc, đưa họ đến các khu phức hợp ở biên giới Myanmar, Thái Lan, ép họ tham gia hoạt động lừa đảo.
Kể từ khi vụ bắt cóc nam diễn viên Vương Tinh ở Thái Lan trở thành tâm điểm chú ý, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ những trải nghiệm kinh hoàng tương tự. Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc phải phát cảnh báo đến giới nghệ sĩ về nạn lừa đảo, dụ dỗ tham gia các vai diễn ở nước ngoài.
Diễn viên Trung Quốc Vương Tinh trong họp báo ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Vào cuối tháng 12/2024, Vương Tinh, diễn viên từng đóng vai phụ trong Diệp Vấn 3, nhận được tin nhắn từ một người tự nhận là nhân viên GMM Grammy, công ty giải trí lớn nhất Thái Lan, mời anh thủ vai trong bộ phim sẽ quay ở nước này.
Nam diễn viên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok lúc 3h sáng ngày 3/1, được một tài xế người Thái Lan không nói được tiếng Anh hay tiếng Trung đón.
Thay vì đến khách sạn, người này đã đưa Vương đến quận Mae Sot ở tỉnh Tak, sát biên giới Myanmar, cách Bangkok gần 500 km về phía bắc.
Vương đã trao đổi một loạt tin nhắn với bạn gái trong hành trình kéo dài hàng giờ. Đến 10h, anh đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái: "Tôi đang có khởi đầu điên rồ cho năm 2025 tại biên giới Thái Lan - Myanmar". Khoảng một giờ sau, Vương mất liên lạc.
Bạn gái anh nhanh chóng báo cảnh sát Thượng Hải và đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan. Ngày 7/1, cảnh sát Thái Lan tìm thấy Vương ở Myanmar, xác nhận nam diễn viên là nạn nhân buôn người.
Trước thông tin này, diễn viên Trung Quốc Phạm Hổ, 22 tuổi, cảm thấy "lạnh sống lưng". Phạm nhận được lời mời thủ vai tương tự Vương. Anh đăng ký và vượt qua buổi "thử vai" đến Thái Lan chỉ vài ngày trước đó. Nhưng khác Vương, Phạm kịp nhận ra và may mắn thoát nạn.
Vị trí Mae Sot, tỉnh Tak, giáp biên giới Myanmar. Theo Nikkei
Phạm thấy thông báo thử vai do một đơn vị tự xưng là đoàn làm phim Thái Lan đăng ngày 27/12/2024, trong nhóm chat trực tuyến có các diễn viên Trung Quốc.
Sau khi Phạm gửi video thử vai, Ma Xin, tự xưng là nhà môi giới, liên lạc thông báo với Phạm rằng nhà sản xuất rất ấn tượng, muốn anh thủ vai chính, hứa hẹn thù lao hậu hĩnh.
Ma Xin sau đó lập nhóm mới trên WeChat, thêm Phạm và ba diễn viên Trung Quốc khác làm thành viên, rồi giới thiệu họ với Belia, người tự nhận là giám đốc tuyển diễn viên của GMM Grammy. Belia đã đặt vé máy bay khứ hồi đến Bangkok, sắp xếp phòng khách sạn cho Phạm ngay hôm sau.
Dù mọi thứ diễn ra rất nhanh, Phạm không cảm thấy bất thường do việc thay thế diễn viên phút chót là không hiếm trong ngành. Nhưng anh bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi một nữ diễn viên trong nhóm đến Thái Lan từ trước nhắn cho anh rằng có người trong "đoàn làm phim" đã cố lấy hộ chiếu của cô.
Khi đến sân bay Suvarnabhumi, Phạm thấy lạ khi anh và một diễn viên đi cùng được hai xe khác nhau đợi đón. Anh mở điện thoại và thấy có tin nhắn trong nhóm chat, cho biết vé khứ hồi của một số người đã bị hủy. "Về nhà đi, đây có thể là một vụ lừa đảo", tin nhắn có đoạn.
Phạm và đồng nghiệp quyết định tự đi đến khách sạn mà Belia sắp xếp. Hôm sau, anh gửi tin nhắn qua mạng xã hội cho Weerachit Thongjila, người được nêu trong thông tin tuyển dụng là đạo diễn phim.
"Không phải tôi. Hãy tự bảo vệ mình, bảo vệ người xung quanh khỏi chiêu trò lừa đảo này", đạo diễn Thái Lan trả lời.
Thị trấn Myawaddy, Myanmar, nhìn từ Mae Sot, Thái Lan. Ảnh: AFP
Ngày 30/12, 4 diễn viên Trung Quốc rời khách sạn mà không thông báo cho Belia, rồi bay về nước. "Không dễ vạch trần vụ lừa đảo này nếu thông tin tuyển dụng không đề cập đến tên một đạo diễn nổi tiếng, hoặc nếu ông Weerachit không trả lời tin nhắn của tôi", Phạm nói.
Anh cho biết quá trình tuyển diễn viên giả được dàn dựng tinh vi, có áp phích thiết kế tốt, thông tin chi tiết, có tóm tắt phim và tiểu sử nhân vật.
Khi về nước, Phạm gửi số tài liệu này cho các nhà môi giới mà anh quen biết. Những người này đánh giá quá trình tuyển diễn viên giả được dàn dựng còn bài bản hơn so với hầu hết dự án phim truyền hình ngắn, trông giống "những dự án có vốn đầu tư hàng trăm nghìn USD".
Nhiều người cho rằng chỉ cần tìm hiểu đôi chút là có thể dễ dàng phát hiện đây là những vụ lừa đảo, nhưng các diễn viên giải thích rằng việc yêu cầu được nói chuyện với đạo diễn là điều cấm kỵ trong một số dự án, đặc biệt là đối với những diễn viên chưa nổi tiếng. Họ thường chỉ được thông báo về khoản thanh toán, lịch quay và các thông tin cơ bản khác.
Theo Phạm, do nhận được thông tin cập nhật từ những người khác trong nhóm, anh đã thoát khỏi bẫy lừa, trong khi Vương hoàn toàn đơn độc.
Vương Tinh sau khi được cảnh sát Thái Lan đưa về Bangkok. Video: Weibo/Ludi
Chia sẻ trên mạng xã hội, bạn gái Vương cho biết anh vui mừng khi vượt qua vòng thử vai ngày 27/12, nhưng bắt đầu do dự khi chỉ nhận được những thông tin mơ hồ về lịch trình, địa điểm quay xa xôi ở Thái Lan.
Khi Vương liên hệ với "giám đốc" Yan Shiliu tự xưng của GMM Grammy để từ chối công việc, Yan đã mắng Vương xối xả, yêu cầu anh sắp xếp đến Thái Lan càng sớm càng tốt vì "không dễ để tìm được diễn viên nói tiếng Anh trong thời gian ngắn như vậy".
Do muốn giữ uy tín trong ngành và kỳ vọng có nhiều cơ hội trong các dự án nước ngoài hơn, Vương đồng ý, sắp xếp hành lý đến Thái Lan.
Công ty luật Mandarin trụ sở Bangkok, bên hỗ trợ Vương và nhiều nạn nhân Trung Quốc khác, cho biết số yêu cầu giúp đỡ tìm diễn viên mất tích tăng cao trong những năm gần đây, đỉnh điểm là 11 yêu cầu mỗi tuần trong 6 tháng đầu năm 2023.
"Các băng đảng đang nhắm mục tiêu có hệ thống nhằm vào các nghệ sĩ. Chúng rất giỏi ngụy trang, khiến mọi người mất cảnh giác", một nhân viên Mandarin nhận xét.
Đức Trung (Theo Jiefang Daily, Xinhua, Global Times)