Các chuyên gia, nhà khoa học cho cá trà sóc cái đẻ trứng. Ảnh: TS Nhựt Long cung cấp
Ngày 22/1, PGS.TS Dương Nhựt Long, giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ nuôi thủy sản, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ), cho biết cá trà sóc sinh sản là kết quả của đề tài nghiên cứu do đơn vị phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum và doanh nghiệp, thực hiện từ năm 2023 đến nay.
Mục tiêu của đề tài là phát triển công nghệ giống và nuôi thương phẩm cá trà sóc bản địa ở vùng sinh thái lưu vực tỉnh Kon Tum nhằm bảo tồn nguồn gene cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình công nghệ tái tạo nguồn giống, phục vụ nuôi thương phẩm loài cá này nhằm phát triển kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.
Theo TS Long, năm 2023 nhóm bắt đầu tuyển chọn nguồn cá giống bố mẹ từ tự nhiên qua các ngư dân đánh bắt và thương lái thu mua tại Tây Nguyên. Khoảng 40 cá bố mẹ sau đó được nuôi dưỡng, đến nay đạt trọng lượng mỗi con từ 12-16 kg. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các loại thuốc kích thích để cá sinh sản.
Hiện có hai cá cái vừa được kích thích đẻ trứng với số lượng khá lớn, tương đương khoảng 5.000 trứng trên mỗi kg trọng lượng. Đây là loại trứng chìm, đường kính 1,4 - 1,5mm; tỷ lệ thụ tinh đạt khá cao, khoảng 90%. TS Nhựt Long cùng các cộng sự đang chăm sóc để sau hai tháng sẽ có lứa cá giống đầu tiên.
Các chuyên gia thu trứng từ cá trà sóc cái để phục vụ sinh sản nhân tạo con giống. Video: Nhựt Long
"Khâu quan trọng nhất là cho cá bố mẹ sinh sản và thụ tinh đạt tỷ lệ cao. Đây là thành công rất lớn", TS Long nói và cho biết vấn đề còn lại là chăm sóc, phát triển cá bột thành cá giống và nuôi thương phẩm.
Trên thực tế TS Long cùng các cộng sự đã nuôi thử nghiệm cá trà sóc từ nguồn giống tự nhiên (loại 40-50/kg). Sau 10 tháng nuôi tại tỉnh Kon Tum, trọng lượng cá thương phẩm đạt khoảng 1-1,4 kg mỗi con. Sau thời gian này thì trọng lượng cá tăng trưởng nhanh hơn.
Hiện nhóm thực hiện đề tài tiếp tục cho sinh sản đối với số lượng cá bố mẹ còn lại và nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm. Việc cho sinh sản nhân tạo thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo tồn nguồn gene, tái tạo nguồn giống cá trà sóc quý hiếm có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế.
Cá trà sóc (tên khoa học là Probarbus jullieni, hay còn gọi là cá sọc dưa) có thân thon dài, dẹp hai bên với 6-7 sọc đen chạy dọc từ sau nắp mang đến gốc vây đuôi; có thể đạt kích thước gần 1,7 m, nặng 70 kg, tuổi thọ 50 năm. Cá trà sóc phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan. Loại cá này chủ yếu sống trong các lưu vực sông, hồ lớn có đáy sâu, nước chảy xiết, nhiều thác ghềnh, nền đáy là đá và cát.
Tại Việt Nam, chúng cư trú chủ yếu ở lưu vực sông Sê San và Sêrêpôk ở Tây Nguyên. Tại miền Tây, có ghi nhận loài cá này, song trữ lượng không cao do ảnh hưởng bởi nền đáy sông bùn cát.
Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định công nhận các loài cá hô, cá tra dầu, cá vược, cá sủ, cá anh vũ, cá trà sóc (sọc dưa)... đều thuộc loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Việt Nam, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
An Bình