Chiều 30/12, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index). Chỉ số này cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Kết quả, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 60,76 điểm, xếp hạng 1. Tiếp sau đó là TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 4), Đà Nẵng (hạng 5), Quảng Ninh (hạng 6), Cần Thơ (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Thái Nguyên (hạng 9), Bắc Giang (hạng 10). Cao Bằng vẫn là địa phương có điểm số thấp nhất, đạt 23,95 điểm, xếp hạng 63.
So với bảng xếp hạng top 10 năm 2023, Bắc Ninh bị tụt hạng xuống vị trí 11, thay vào đó là Bắc Giang.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, kết quả đánh giá, xếp hạng các địa phương năm 2024 có thể có biến động so với năm 2023. Đây là điều bình thường của một chỉ số tổng hợp vì có như vậy mới là công cụ tốt, phản ánh sát hiện trạng, qua đó, cung cấp bằng chứng cho lãnh đạo địa phương có các chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Các chỉ số quốc tế và các chỉ số khác ở Việt Nam cũng theo thông lệ này.
Ông cho biết, kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2024 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng). Các vùng này cũng có ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Các địa phương thuộc nhóm cuối còn hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội. Họ cũng có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế, xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc).
Thứ trưởng Hoàng Minh báo cáo kết quả xây dựng Chỉ số PII. Ảnh: Nhật Minh
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá rất cao. WIPO coi Việt Nam là hình mẫu cho các quốc gia khác trên thế giới học tập trong việc xây dựng chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương dựa trên chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). WIPO cũng ghi nhận "có rất nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam".
PII (Provincial Innovation Index) là chỉ số duy nhất đánh giá tổng thể, đầy đủ về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì xây dựng hàng năm từ năm 2023. Chỉ số PII sẽ cung cấp căn cứ để lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đưa ra các chủ trương, quyết sách nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Tra cứu bảng xếp hạng PII năm 2024 tại đây.
Khung chỉ số PII năm 2024 có 52 thành phần, chia làm 7 trụ cột:
- 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp.
- 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển KT-XH, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.
Bảo Chi