Chuyên mục  


Một mẫu turbine gió của Windey Energy. Ảnh: Windey Energy

Một công ty Trung Quốc thông báo kế hoạch phát triển turbine gió trên cạn mạnh nhất thế giới. Windey Energy sẽ tạo ra turbine siêu lớn 16MW đầu tiên trên thế giới. Kế hoạch này nằm trong Dự án giới thiệu sáng kiến khoa học và công nghệ của Nội Mông, Interesting Engineering hôm 3/1 đưa tin.

Windey chia sẻ dự án hướng tới tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển turbine gió lớn, thúc đẩy thành tựu công nghệ ở điện gió trên đất liền và hỗ trợ tích hợp với lưới điện. Tập trung vào đột phá trong thiết kế turbine, công nghệ cánh quạt và kiểm soát độ ổn định, dự án sẽ phát triển nguyên mẫu 16 MW với quyền sở hữu trí tuệ độc lập, khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên gió trên cạn.

Có trụ sở ở Hàng Châu, Windey đạt cột mốc quan trọng trong chế tạo một trong những turbine gió đầu tiên kết nối với lưới điện của Trung Quốc cách đây 5 thập kỷ. Với 4.000 nhân viên và đội ngũ 700 kỹ sư nghiên cứu và phát triển, công ty sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao để tiến hành dự án.

Gần đây, Windey lắp đặt turbine gió đầu tiên tại dự án Osakarovka 150MW, dự án điện gió công suất lớn nhất tại Trung Á. Các kỹ sư sử dụng cần trục hạng nặng để nâng rotor 160 tấn lên độ cao 120 m và lắp đặt với thanh trục. Bao gồm 21 turbine WD200-7700IW, dự án này sẽ sản xuất 223 triệu kWh năng lượng sạch hàng năm vào tháng 12/2025, giúp giảm đốt hơn 70.000 tấn than đá.

Công ty cũng đang phát triển turbine gió siêu lớn thế hệ mới cho sa mạc Gobi, với mức công suất từ 10 đến 15 MW. Những turbine như vậy sẽ trang bị cánh quạt siêu lớn bằng vật liệu carbon - thủy tinh do Windey tự phát triển, giúp trọng lượng giảm 15%, hiệu suất tăng 10% và lượng điện sản xuất tăng 15%.

Turbine của Windey sẽ sử dụng sơn phủ hiệu suất cao, thiết kế có độ kín cao, hệ thống làm mát và chống ngưng tụ và nhiều công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng độ bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt như điều kiện lạnh cực hạn, nhiệt độ cao và bão bụi. Turbine cũng có thiết kế module thuận tiện để phù hợp với quá trình vận chuyển trên đất liền và phương pháp nâng từng cánh, qua đó giảm đáng kể chi phí xây dựng, theo Windey.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020