Đề nghị được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong buổi gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12 tại Hà Nội.
Đề cao vai trò của đội ngũ tri thức, nhà khoa học trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ông khẳng định trí thức và nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong trong việc khai sáng dân trí, xây dựng lý luận cách mạng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn.
Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12. Ảnh: Lưu Quý
Ông nhắc đến việc các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD. Một số lĩnh vực như ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vắc-xin và sinh phẩm, Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới
"Ứng dụng công nghệ mới đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su", ông nói.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đánh giá việc thực hiện sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học "còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và đầu tư".
Theo Tổng Bí thư, số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá. Chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát, chưa đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của thực tiễn của đời sống xã hội. Nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng; đội ngũ kế cận chưa thực sự được quan tâm vun đắp, bồi dưỡng; đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng.
Trước 200 đại biểu là các trí thức, nhà khoa học hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.
"Trong đó, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới", ông nói. Ngoài ra, ít nhất ba tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới.
Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc top đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực. Theo ông, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.
Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các "đế chế công nghệ số".
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị mới đây sẽ là động năng mới cho đội ngũ tri thức, nhà khoa học, đề nghị họ nghiên cứu, tập trung sớm triển khai. Tổng Bí thư cho biết trước tết sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 57 này.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đề nghị chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
"Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông nói.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng đề nghị cần quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại.
Nhắc đến việc có nhà khoa học phải cắm sổ đỏ gia đình để phục vụ đam mê, ông cho rằng "phải có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học, trí thức", ngoài ra cũng "không thể để đề tài nghiên cứu trong ngăn tủ được", mà cần chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó tăng nâng cao năng suất lao động.
Tại sự kiện, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, trí tuệ nhân tạo, đến từ các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu cũng trình bày nhiều vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, như các thủ tục, cơ chế khiến các nhà khoa học không có nhiều thời gian làm việc chuyên môn, họ cũng gặp khó về nguồn lực đầu tư, về việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ngoài ra, nhiều đề xuất mới cũng được đưa ra để phát triển ngành khoa học công nghệ Việt Nam.
TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu mô hình tổng công trình sư cho các dự án lớn, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều dự án như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân.
Theo ông Quân, tổng công trình sư sẽ là các nhà khoa học có uy tín, có trình độ và có khả năng tập hợp những người giỏi nhất. Khi đó, họ có thể nhận nhiệm vụ từ Nhà nước, tập hợp những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó để cùng làm, bao gồm cả những nhà khoa học trong nước và nước ngoài. "Từng bước, họ sẽ sáng tạo ra công nghệ của Việt Nam và sẽ làm được những dự án về công nghệ lớn. Như vậy nền khoa học công nghệ Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng của thế giới", ông Quân nói.
Lưu Quý