Nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng đến gãy đốt sống cổ, tổn thương sức khỏe 23%
Nữ sinh N vẫn đang phải cố định phần cổ, chưa thể đi lại được. Ảnh: CTV
Chia sẻ trên VietnamNet, ông Lê Văn Thanh, bố của nữ sinh L.V.G.N (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) cho biết, gia đình vừa nhận được thông báo của Công an huyện Nông Cống về kết quả giám định tổn thương trên cơ thể của N, sau khi bị nhóm bạn đánh hội đồng.
Theo kết luận giám định số 7977 (ngày 22/11) của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đối với tổn thương cơ thể trong vụ việc "Cố ý gây thương tích" ngày 5/10 này, tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của N là 23%.
Theo bố của nữ sinh N, từ ngày bị nhóm bạn đánh hội đồng, sức khỏe của con gái vẫn còn yếu, phải cố định phần cổ và chưa thể đi lại bình thường được. Mọi sinh hoạt của em đều cần bố mẹ hỗ trợ.
"Do sức khỏe còn rất yếu, gia đình phải cho con nghỉ học một năm và bảo lưu kết quả học tập", bố nữ sinh cho biết.
Trước đó, ngày 4/10, học sinh L.T.P.A (lớp 10A6) trong lúc đi học về thấy N.T.H (lớp 10A5) nói chuyện và cười đùa với một bạn khác đi sau mình. A tưởng là bạn đang nói xấu mình nên đến cãi cọ.
Chiều ngày hôm sau, lúc tan học, A và H tiếp tục xích mích, khi đến địa bàn xã Tân Phúc thì xảy ra xô xát, đánh nhau. Lúc này, em L.V.G.N (lớp 11A6) vào can ngăn, bị nhóm 6 học sinh xông vào dùng chân, tay và mũ bảo hiểm đánh. Hậu quả, nữ sinh N bị thương nặng, được gia đình đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị do chấn thương đốt sống cổ.
Hy hữu: Bé trai chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ
Em bé chào đời cùng vòng tránh thai của mẹ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thông tin từ bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị L.H.M (30 tuổi) đã sinh 2 con và đặt vòng tránh thai cách đây 5 năm. Khoảng 6 tháng trước, chị M thấy mệt mỏi, đến viện khám mới biết mình mang thai lần 3. Lúc này chị vẫn đang đặt vòng trong tử cung.
Sản phụ được bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ, sinh mổ khi thai nhi 40 tuần. Chiều 5/12, sau khi bé trai chào đời khỏe mạnh, bác sĩ cũng lấy chiếc vòng tránh thai ra khỏi tử cung cho mẹ.
Là người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ M, BSCKII Hà Cẩm Thương (Phó khoa Sản khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, việc một em bé chào đời khi trong tử cung người mẹ vẫn còn vòng tránh thai là điều hiếm gặp. Trường hợp này, em bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông là niềm hạnh phúc rất lớn của gia đình sản phụ và cả các bác sĩ.
Vòng tránh thai là phương pháp ngừa thai phổ biến và hiệu quả cao; tỷ lệ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai rất hiếm, chỉ chiếm 2%. Bác sĩ cho hay có thể do trong quá trình đặt, vòng bị tụt xuống nên không có khả năng tránh thai nữa. Do đó, sau khi đặt vòng tránh thai, phụ nữ cần phải tái khám sau một tháng để xác định lại vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng.
Trong trường hợp này, vòng tránh thai không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi do nằm bên ngoài túi ối, không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho bé. Sau sinh, mẹ và bé được chăm sóc tận tình tại khoa Dịch vụ D4.
Khối không khí lạnh tăng cường, Hà Nội và miền Bắc mưa rét bao lâu?
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc mưa rét kéo dài. Ảnh minh họa: TL
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, không khí lạnh tràn về nước ta ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ. Sau đó khoảng ngày 7/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5.
Ngày 6/12, ở phía Đông Bắc Bộ trời chuyển lạnh. Từ ngày 7/12, ở khu vực Bắc Bộ trời chuyển rét, từ đêm 7/12 khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, vùng núi 12-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.
Thời tiết Hà Nội hôm nay có mưa rải rác, trời chuyển lạnh; từ ngày 7/12 trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 15-18 độ.
Ở Vịnh Bắc Bộ, ngày 6/12 gió chuyển hướng Đông đến Đông Bắc mạnh cấp 4-5; từ ngày 7/12 gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 1,5-3,m. Từ chiều 7/12, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao 2-4m.
Ngày và đêm 6/12, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m. Từ ngày 7/12, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía Đông Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày 6/12 đến đêm 7/12 ở Bắc Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Từ ngày 7/12, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Dự báo, miền Bắc mưa rét kéo dài liên tục 1 tuần từ ngày 7 đến 14/12.
TP.HCM đề xuất cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2025 thêm 2 ngày
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2025 thêm 2 ngày. Ảnh: P.Khánh
Trên VTC News, ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM) thông tin, Sở đã đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh từ ngày 23/1 đến hết 2/2/2025 (tức 24 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng).
Nếu đề xuất được UBND TP.HCM phê duyệt, học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 11 ngày, tăng thêm 2 ngày theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 mà UBND thành phố đã ban hành trước đó.
"Sở GD&ĐT tăng thời gian nghỉ Tết thêm 2 ngày để tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh đi lại đón Tết và không ảnh hưởng tới khung thời gian năm học", ông Hiếu nói.
Trước đó, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ của học sinh TP.HCM được nêu trong khung kế hoạch năm học 2024-2025, từ đầu tháng 9. Học sinh nghỉ Tết 9 ngày, từ 25/1 đến hết 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng).
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng thời gian nghỉ như vậy là ngắn, bất tiện với các gia đình muốn về thăm người thân ở xa hoặc đi du lịch. Các năm trước, kỳ nghỉ Tết của học sinh TP.HCM thường kéo dài từ 12-16 ngày.
Khi nào quy chế tuyển sinh lớp 10 được ban hành?
Ảnh minh họa: TL
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được ban hành trước ngày 31/12/2024, sau khi đã tổng hợp, phân tích kỹ các ý kiến góp ý về phương án thi nhằm bảo đảm phù hợp nhất cho học sinh.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2025-2026, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh/thành phố trực thuộc TW phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để bảo đảm thống nhất và tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ GD&ĐT quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.