GĐXH - Đoạn đập bị vỡ dài khoảng 10m, khiến nhiều hoa màu, cây trồng của người dân vùng hạ du bị cuốn trôi; Em N.T.M.K - học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, TPHCM) - nghi bị giáo viên đánh gãy ngón tay.
Miền Trung bước vào cao điểm mưa lũ, diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 12-13/10 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa bắt đầu có mưa vừa, mưa to và giông.
Nhưng khoảng 14-15/10 cường độ giảm dần, chỉ còn mưa rào rải rác và có nơi có giông. Cho đến 18-20/10, ở phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trong khi đó, miền Trung còn mưa lớn liên tiếp. Cụ thể, từ chiều 12 đến 14/10, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 700mm; ở phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi lượng mưa giảm hơn, với 50-100mm, có nơi trên 180mm.
Miền Trung bước vào cao điểm mưa và gió lớn.
Ngoài ra, ở từ Bình Định đến Bình Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xảy ra mưa rào và giông, cục bộ có mưa to, với 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Cơ quan khí tượng cảnh báo, giai đoạn từ 15-16/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 500mm.
Sau 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, từ hôm nay đến 15/10 là cao điểm của đợt mưa này. Sau đó, mưa vẫn duy trì và kéo dài tới 20/10, thậm chí lâu hơn.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng thông tin, từ hôm nay đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1.
Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh trên.
Tài xế đột tử tại sân bay Nội Bài vẫn phải nộp phí sân đỗ gây tranh cãi
Ngày 11/10, mạng xã hội lan truyền câu chuyện một tài xế đột tử tại sân bay kèm theo phản ánh của người nhà nạn nhân về việc phải trả khoản phí sân đỗ lớn.
Cụ thể, tài xế này có dấu hiệu đột tử trên xe từ ngày 4/10. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong ngoại viện. Đến ngày 11/10, người nhà nạn nhân đến sân bay để lấy chiếc ô tô ra khỏi bãi đỗ thì phải thanh toán khoản tiền sân đỗ là 1,4 triệu đồng.
Bảng giá đỗ xe ở sân bay Nội Bài.
Vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội kéo theo sự tranh luận. Đa số phản đối cách xử lý thiếu nhân văn của đơn vị quản lý sân bay khi không miễn chi phí sân đỗ cho người xấu số.
Có ý kiến cho rằng việc tính phí đỗ xe tới ngày 11/10 là không đúng luật, bởi giao kèo hợp đồng sử dụng sân đỗ lẽ ra phải chấm dứt từ ngày 4/10, thời điểm tài xế (chủ thể tham gia hợp đồng) tử vong.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó giám đốc sân bay Nội Bài, cho biết bà mới nắm được thông tin qua mạng xã hội. Trước đó, ban lãnh đạo không được báo cáo về việc thu phí trường hợp này.
Bà Ngân xác nhận có chuyện người nhà tài xế phải trả số tiền lớn để lấy xe ra khỏi sân đỗ, đồng thời khẳng định việc thu tiền đỗ xe trong trường hợp này là cách xử lý không khéo léo từ cấp dưới.
"Có sự cứng nhắc trong cách xử lý của các nhân viên sân bay, dẫn tới việc người nhà tài xế phải trả đủ chi phí sân đỗ", bà Ngân chia sẻ.
Sau khi nắm bắt sự việc, lãnh đạo sân bay đã yêu cầu trung tâm khai thác ga hành khách cử đoàn về gia đình tài xế tại Nam Định để thắp hương chia buồn và gửi một khoản tiền phúng viếng cho gia quyến.
Về ý kiến cho rằng không được tính phí lũy kế sau thời điểm tài xế qua đời, lãnh đạo sân bay cho rằng hệ thống thu phí sân bay Nội Bài nhận diện biển số xe để tính phí, không nhận diện tài xế nên khó xác định từng hoàn cảnh cụ thể của chủ xe.
Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất chỉ được bán nhà khi có giấy chứng nhận và nộp tiền đất
Qua rà soát các vướng mắc, bất cập của các quy định về phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, điều kiện để bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có "giấy tờ về quyền sử dụng đất". Chủ đầu tư dự án bất động sản bị cấm kinh doanh khi "không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước".
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định về thời điểm người sử dụng đất được thực hiện các quyền là khi "phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính".
Theo Nghị định số 99/2015, trước khi đưa vào kinh doanh, chủ đầu tư dự án phải có văn bản gửi sở xây dựng để được xác nhận nhà ở đủ điều kiện bán, cho thuê mua. Trường hợp có thế chấp dự án hoặc nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải giải chấp hoặc được bên nhận thế chấp đồng ý cho bán.
Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, quy định về pháp luật đất đai, "giấy tờ về quyền sử dụng đất" có nhiều loại giấy tờ khác nhau, như quyết định giao đất hay quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Nhiều trường hợp có các giấy tờ này nhưng chưa nộp tiền SDĐ. Khi nộp xong tiền SDĐ thì chủ đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, điều kiện của bất động sản hình thành tương lai được đưa vào kinh doanh lại không đề cập đến trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính.
Trong khi đó, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đều yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền, trong đó có quyền chuyển nhượng, mua bán tài sản…
Ngoài ra, pháp luật nhà ở có quy định Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra tình trạng thế chấp dự án hoặc nhà ở của chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nếu chỉ kiểm tra "giấy tờ về quyền sử dụng đất" nói chung theo Luật Kinh doanh bất động sản thì sẽ sai sót với yêu cầu của Luật Đất đai về nghĩa vụ tài chính.
Thêm nữa, Sở Xây dựng không phải cơ quan chuyên môn về tài chính, tín dụng nhưng phải kiểm tra hồ sơ về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, tình trạng thế chấp dự án, nhà ở để xác định dự án có đủ điều kiện huy động vốn.
Từ những bất cập nói trên, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất bất động sản hình thành trong tương lai chỉ được xác nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh khi chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ tài chính và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hơn 200.000 vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 phục vụ người dân
Hơn 200.000 vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 sẽ được ngành đường sắt phục vụ người dân. Đây là thông tin vừa được ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, cho biết sáng 12/10.
Vé tàu Tết đã được bán ra.
Theo đó, lịch chạy tàu phục vụ Tết nguyên đán 2024 của Công ty CP Đường sắt Sài Gòn từ ngày 26-1 đến hết 26-2-2024 (tức từ 16 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng) với 10 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại); 10 đôi tàu khu đoạn gồm TP HCM đi Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết và ngược lại.
Số chỗ cung ứng là hơn 200.000 cho 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết.
Trong thời gian nghỉ Tết (từ 30 tháng Chạp đến mùng 3 tháng Giêng), công ty sẽ tổ chức chạy thêm một số đôi tàu từ TP HCM đi Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Nha Trang… và ngược lại để phục vụ hành khách du xuân.
Từ 15/10, các ga sẽ tổ chức bán vé tàu Tết cho tập thể đã đăng ký trước đó. Riêng vé tàu cá nhân được mở bán từ 8 giờ ngày 20/10, mỗi hành khách được đặt chỗ và mua không quá 10 vé cho chiều đi và 10 vé cho chiều về.
Hành khách mua vé qua các kênh: Website: www.dsvn.vn; vetau.com.vn, giare.vetau.vn; mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc Đường sắt VN; qua ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ViettelPay, app bán vé tàu trên thiết bị di động; qua Tổng đài bán vé Sài Gòn: 19001520, Hà Nội: 19000109….
GĐXH - Hai người nước ngoài thừa nhận đã trình báo thông tin giả, mục đích là để được hưởng bảo hiểm sau khi về nước; người hướng dẫn Ngọc Trinh lái mô tô thả 2 tay bị xử phạt 2 lỗi, tổng mức phạt là 11,5 triệu đồng.