Chuyên mục  


Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện sáng 9/1. Ảnh: TTTT

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2024 sáng 9/1, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó chánh phụ trách Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin nhiều hoạt động nổi bật. Trong số đó Bộ đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 cũng được hoàn thiện và trình Chính phủ.

Bộ hoàn thiện và trình Chính phủ bốn dự án Luật: Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc đối với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là câu chuyện cơ chế tài chính. Các nhà khoa học vốn mong muốn chỉ tập trung vào nghiên cứu thay vì phải đối phó hóa đơn, chứng từ... Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết các nút thắt về cơ chế tài chính, đồng thời đồng bộ hóa với các luật khác. "Dự thảo lần này đề xuất bổ sung cơ chế khoán chi, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, giúp các tổ chức công lập tự chủ hơn trong quản lý kinh phí", bà Diệp nói.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cho biết, các chính sách đang xây dựng hướng tới mở rộng ưu đãi để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Các chính sách tập trung vào một số đối tượng nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các tổng công trình sư trong và ngoài nước, có khả năng tổ chức điều hành triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về khoa học công nghệ. "Chúng tôi rất kỳ vọng những đột phá trong Nghị quyết 57, là cơ hội lớn trong khoa học công nghệ để có thể đề xuất những chính sách bước ngoặt", bà Vân Anh nói.

Các chính sách cũng hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ứng dụng công nghệ nói chung, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, thông tin việc xây dựng Luật, tiêu chuẩn dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số được khẩn trương triển khai để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động.

Nhiều chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia cũng tuyển chọn các doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ để tiếp thu, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, năm 2025 số lượng các văn bản quy phạm pháp luật Bộ chủ trì xây dựng rất lớn và có nghĩa định hướng quan trọng cho ngành, với nhiều cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại. Ông kỳ vọng các chính sách "góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính, là yếu tố quan trọng phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường".

Nhật Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020