Hôm nay, 10-10, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức với chủ đề "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp
Sớm nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, năm 2020, TP HCM đã ban hành chương trình chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đến nay thành phố đạt nhiều kết quả về phát triển hạ tầng số, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở..., qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN). Thành phố đã phê duyệt hơn 290 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, trong đó cắt giảm về thời gian giải quyết thủ tục hành chính (cắt giảm được hơn 3.390 giờ làm việc), đơn giản hóa các bước giải quyết thủ tục hành chính (hơn 290 quy trình nội bộ đều thực hiện cắt giảm từ 1 đến 2 bước trong quy trình).
-
Lãng phí khi chậm khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia
-
Sớm kết nối dữ liệu về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia
Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện và ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đạt được nhiều kết quả nổi bật, điển hình như ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. TP HCM triển khai phần mềm lưu trú khi hiện có hơn 3.490 cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở y tế, trong đó có 1.990 cơ sở đã triển khai phần mềm ASM. Phần mềm được đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu thông tin khách lưu trú được đồng bộ và cập nhật liên tục, giúp lực lượng cảnh sát khu vực kịp thời nắm bắt về sự có mặt của các đối tượng thuộc diện truy nã, truy tìm trên địa bàn, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP của địa phương. Thành phố đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số. Hiện tại, Đà Nẵng đạt 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ. Tính đến tháng 6-2023, đã tích hợp được 1.627 dịch vụ công trực tuyến lên hệ thống dịch vụ công quốc gia. Đà Nẵng cũng bắt đầu đưa dịch vụ ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố; sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Đến tháng 6-2023, Đà Nẵng đã cấp hơn 394.000 tài khoản định danh điện tử, chiếm 32% dân số; 81/96 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được chính quyền thành phố xác định là động lực thúc đẩy phát triển mọi mặt. Một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, DN tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, cải cách hành chính.
Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Phùng Duy Khương thông tin để làm được smart banking, việc sử dụng nguồn dữ liệu (data) hợp pháp, hiệu quả là quan trọng nhất. Tầm quan trọng của dữ liệu dẫn đến vai trò ngày càng lớn của dữ liệu trong hỗ trợ khối kinh doanh làm ra tiền và đạt được các mục tiêu kinh doanh. Ông Khương chia sẻ việc hoạch định chiến lược cho khối data là bài toán lớn hơn mà VPBank đặt ra. Từ đó, xác định được sản phẩm, khẩu vị rủi ro, hành trình của khách hàng để ngân hàng phục vụ tốt hơn.
Hải quan TP HCM thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽẢnh: SƠN NHUNG
Dữ liệu là tài sản còn mãi
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết từ năm 2022, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia xác định chủ đề năm 2023 là "Năm dữ liệu số quốc gia". Dữ liệu số và nền tảng số là hai thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác từ các nền tảng, có dữ liệu thì các nền tảng hoạt động mới hiệu quả. Ông Dũng phân tích dữ liệu số không phải phần cứng cũng không phải phần mềm, không phải nền tảng số. "Một ngày nào đó chúng ta có thể thay phần cứng, thay phần mềm, thay nền tảng nhưng dữ liệu sẽ là tài sản còn mãi. Vì vậy, mong các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số, tập trung phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu địa phương; kết nối chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này" - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, dữ liệu là tài sản nên mỗi cơ quan, tổ chức phải tự chủ, quản lý, lưu trữ vận hành và xử lý bởi các nền tảng số Việt Nam. Vì vậy, Bộ TT-TT đã, đang và sẽ đồng hành với các nền tảng công nghệ số Việt Nam. "Dữ liệu là một tài sản đặc biệt, càng dùng nhiều, càng chia sẻ nhiều thì càng mang lại giá trị. Do đó, phải đẩy mạnh những công nghệ mới như AI để học sâu, phân tích dữ liệu" - ông Dũng nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý an toàn dữ liệu là một yếu tố quyết định; trách nhiệm bảo vệ dữ liệu không chỉ của người đứng đầu mỗi cơ quan tổ chức mà còn của tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị cần xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu; xác định lại mô hình, vai trò xây dựng khai thác dữ liệu của bộ, ngành với địa phương; hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu; cơ chế khai thác dữ liệu; có danh mục dữ liệu ưu tiên.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia đã và đang được triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện, thực chất và hiệu quả với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng DN và cơ quan hành chính nhà nước. Ông Hiển cho rằng chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ đó rất cần xác định các điển hình trong tổ chức thực hiện để nhân rộng và phát huy.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT) Nguyễn Phú Tiến cho hay các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, trong đó tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ TT-TT đang đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trong tháng 11-2023; cũng như dự kiến trình Thủ tướng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Doanh nghiệp cần sẵn sàng hành động
Thời gian qua, Cục Phát triển DN đã huy động nhiều nguồn lực tài trợ để triển khai chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để phát triển hệ sinh thái hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Cục Phát triển DN đề nghị DN cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý DN và người lao động.
Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG, thạc sĩ ngành tự động hóa và thông tin hệ thống (Đại học Bách khoa Grenoble - Pháp):
Cần đồng bộ trong chuyển đổi số
Hạ tầng số của Việt Nam chưa đồng bộ cũng như chưa theo kịp được với các nước trong khu vực. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số hiện chưa đồng bộ. Tôi đề nghị có chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt nông dân trẻ áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng nhật ký điện tử giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các dịch vụ đi kèm như tài chính, ngân hàng cũng cần bắt kịp với số hóa sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận vốn dễ hơn.
B.Trân - N.Ánh
35 nền tảng số cần ưu tiên đầu tư
Ông Nguyễn Phú Tiến thông tin Bộ TT-TT đã ban hành danh mục 35 nền tảng số cần ưu tiên đầu tư. Trong năm 2023 dự kiến sẽ có các nền tảng số quốc gia là: Định danh điện tử quốc gia VNeID, bảo hiểm xã hội VssID, Truyền hình Việt Nam VTVgo, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng cửa khẩu số, nền tảng họp trực tuyến, nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà MOOCs. Đối với kinh tế số ngành, lĩnh vực, sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics; nông nghiệp và du lịch.