Chuyên mục  


Chiều 27-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành); Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

img0353-16983986415661415534664.jpeg

ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu.

  • Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành

Phát biểu tại tổ, ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết rất lo lắng cho tiến độ của dự án sân bay Long Thành hiện nay đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ lại đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024, tức là chậm 3 năm so với tiến độ đề ra. Nữ ĐBQH bày tỏ chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng để chậm trễ đến 3 năm thì quả là một điều "rất đáng báo động" và là "vấn đề rất lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước".

Theo ĐB Tạ Thị Yên, cũng chính vì chậm tiến độ mà dẫn đến tình trạng Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân cho dự án do niên độ dự án (2017-2021) đã kết thúc. "Tôi và cử tri rất mong muốn được biết các cơ quan liên quan đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đến đâu?" - ĐB Tạ Thị Yên đặt vấn đề.

Nữ ĐBQH cũng cho rằng trong các nội dung mà Chính phủ đề nghị điều chỉnh thì việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cũng nên có kèm theo giải trình cụ thể "trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan" trong tổng thể đánh giá việc thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu quả của dự án, lợi ích của nhà nước (lãng phí nguồn lực, cơ hội đầu tư, phát triển của địa phương và ngành kinh tế,…) và quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án, nhất là khi Chính phủ đề nghị điều chỉnh về thời gian thực hiện dự án "đến hết năm 2024" thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào tiến độ chung của toàn dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành có diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha, đến nay đã thực hiện thu hồi 4.882,62 ha (đạt 98,7%), trong tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.447 hộ, đã xét duyệt tái định cư cho 4.161 hộ, ĐB Tạ Thị Yên đặt câu hỏi: Vậy còn 1.286 hộ đang ở tình trạng như thế nào? Trong báo cáo chưa đề cập đến nội dung này.

"Tôi đề nghị các cơ quan liên quan cần hết sức lưu ý tới vấn đề này, vì đây là dự án quan trọng quốc gia do nhà nước đầu tư, nên tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án phải được ưu tiên hàng đầu, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.

Tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần làm việc thật cụ thể với từng gia đình, để lắng nghe, thuyết phục, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho bà con, coi đó như là việc của gia đình, anh em họ hàng mình" - ĐB Tạ Thị Yên nêu.

ĐB Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu triển khai dự án mở rộng đường bộ cao tốc, đường sắt nhẹ tốc độ cao/metro hiện đại kết nối sân bay không quốc tế Long Thành với TP HCM, nhằm bảo đảm giao thông kết nối đến sân bay Long Thành khi dự án đi vào vận hành, khai thác.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Bùi Xuân Thống (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu một số lý do khiến việc thực hiện dự án bị chậm. Trước hết, sân bay Long Thành có thể là dự án quy mô lớn nhất nên việc GPMB, bồi thường, tái định cư cũng cần thời gian dài hơn. Thứ hai, thời điểm tổ chức thực hiện thì địa phương thuộc diện phải thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách do đại dịch nên công việc đóng băng, không thể đi kiểm đếm.

Thứ ba, dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thời gian chưa triển khai, người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người, dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn mà nếu không làm cẩn thận lại dẫn đến khiếu nại.

Thứ tư, đầu năm 2022, đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến các dự án có cấu phần xây dựng tái định cư. Có nhà thầu dù đã bỏ tiền xây dựng 30-40% công trình vẫn bỏ không làm tiếp. Muốn đấu thầu lại thì phải tiến hành bóc tách khối lượng, lên hồ sơ, chưa kể xin điều chỉnh giá nhân công, vật liệu...

“Chúng tôi đi giám sát, khảo sát cũng rất sốt ruột vì thấy rất chậm trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho đến cuối năm 2021 phải xong” - ông Bùi Xuân Thống nói. Vị ĐBQH cho hay việc xin kéo dài thời gian đến 2024 chủ yếu để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, còn giải phóng mặt bằng, bồi thường đã gần xong hết.

img0354-1698399948032636036139.png

ĐBQH Bùi Xuân Thống phát biểu.

Về đào tạo nghề, chuẩn bị lao động, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nói thấy “sốt ruột”. Tỉnh triển khai quyết liệt nhưng còn phụ thuộc ý chí chủ quan của người lao động trong lựa chọn. Do đó, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện vì nếu không chuẩn bị tốt thì năm 2025, khi sân bay đi vào hoạt động sẽ không đáp ứng được.

Theo ĐB Bùi Xuân Thống, Chính phủ trình Quốc hội theo thẩm quyền 2 nội dung nhưng thực tế còn nhiều vấn đề phát sinh khác cần giải quyết. Đơn cử như khu vực dự án là vùng đất đỏ bazan nắng bụi, mưa lầy, có thời điểm bụi phát tán hàng chục km nên không làm hết mặt bằng 5.000 ha thì dù xong giai đoạn 1 cũng khó khai thác vì bụi khi phải triển khai giai đoạn 2.

“Không chỉ đơn thuần là thời gian. Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tỉnh làm quyết liệt, nếu không đã không đạt tiến độ như hiện nay. Huy động cả tỉnh, các huyện khác xuống cùng kiểm đếm trong khi quy chuẩn phức tạp” - ĐB Bùi Xuân Thống nêu.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020