Lương hưu 2025 theo quy định mới được tính thế nào?
Theo quy định mới lương hưu 2025 được xác định theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025).
Điều 66 Luật Bảo hiểm mới sửa đổi quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của Luật này được tính như sau:
- Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
Tin vui cho những người nghỉ hưu sớm, từ 1/7/2025 không bị trừ lương hưu nếu đáp ứng điều kiện nàyĐỌC NGAY
- Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ngoài ra, Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng có quy định:
Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:
- Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
- Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Theo quy định nêu trên, lương hưu 2025 được tính như sau:
Lương hưu = Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội x Tỷ lệ hưởng lương hưu
Lưu ý: Tùy theo tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mà lương hưu của mỗi người sẽ khác nhau.
Từ 1/7/2025, lương hưu được chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Ảnh minh họa: TL
Người lao động được nhận lương hưu qua những hình thức nào từ 1/7/2025?
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định rõ các hình thức nhận lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có 3 hình thức nhận lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Thông qua tài khoản của người thụ hưởng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
- Thông qua người sử dụng lao động.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Điều 114 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có 2 hình thức nhận lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
- Thông qua tài khoản của người thụ hưởng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
Có được thay đổi hình thức nhận, nơi nhận lương hưu từ 1/7/2025?
Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thay đổi hình thức nhận, nơi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng như sau:
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có nguyện vọng thay đổi hình thức nhận hoặc thay đổi nơi nhận do chuyển nơi cư trú trong nước thì có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quy định nêu trên cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo quy định nêu trên, từ 1/7/2025, người đang nhận lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng có thể yêu cầu thay đổi hình thức hoặc nơi nhận khi thay đổi nơi cư trú trong nước bằng cách gửi văn bản đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả.
Để hưởng chế độ lương hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Theo Điều 77, Luật Bảo hiểm xã hội 2024, hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Bản chính hoặc bản sao văn bản xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc văn bản chấm dứt làm việc hoặc văn bản đề nghị của đối tượng quy định tại các Điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Văn bản đề nghị của người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp quy định tại Điều 65 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động.
Trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều 64 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.