Trang phục sinh viên là một phần của văn hóa học đường, nơi mỗi cá nhân không chỉ thể hiện bản thân mà còn tôn trọng tập thể, lan tỏa thông điệp về sự lịch sự, chuẩn mực và trách nhiệm trong môi trường giáo dục.
Các trường đại học đưa ra quy định về trang phục góp phần xây dựng một không gian giảng đường văn minh, chuyên nghiệp và có tính gắn kết; đồng thời giúp sinh viên rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp. Đây là những phẩm chất cần thiết để phát triển toàn diện, không chỉ trong học tập mà cả trong công việc và cuộc sống sau này.
Tại Học viện Ngoại giao, phần Quy tắc ứng xử trong cuốn Sổ tay sinh viên 2024 nêu rõ, trong quá trình học tập, sinh hoạt tại Học viện cũng như tại các cơ quan, tổ chức, địa điểm tới làm việc, tham dự hoạt động dưới danh nghĩa sinh viên Học viện, người học cần lựa chọn quần áo, phong cách ăn mặc lịch sự, phù hợp. Tránh những trang phục như đồ ngủ, đồ quá ngắn, quá mỏng hoặc lộ thân thể.
Cũng nhằm đảm bảo môi trường học đường văn minh, thanh lịch, từ tháng 3/2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo về việc thực hiện quy định về trang phục đến trường đối với sinh viên. Cụ thể, trang phục phải lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và văn hóa học đường: Áo sơ mi hoặc áo phông có tay; Với nữ mặc quần âu, jean dáng dài hoặc váy từ ngang đầu gối trở xuống; Đi giày hoặc dép có quai hậu; Đầu tóc gọn gàng, lịch sự.
Theo thông báo này của Phó hiệu trưởng Nguyễn Hải Đăng, các trang phục sinh viên không được phép mặc đến trường là: Quần đùi, quần soóc, quần jean mài rách bẩn, váy ngắn trên đầu gối, quần hoặc váy cạp trễ; trang phục ở nhà, đồ ngủ hoặc pijama, áo quá ngắn để hở người, áo cổ quá trễ, áo hai dây, áo quây, áo ống, áo ba lỗ, áo sát nách. Trang phục chất liệu voan mỏng, xuyên thấu, ren lỗ để lộ cơ thể, phản cảm; dép lê, dép xỏ ngón, dép bông, dép ở nhà cũng không được chấp nhận.
Trường Cao đẳng Công thương TPHCM yêu cầu sinh viên mặc đồng phục vào thứ hai và thứ năm hàng tuần. Các ngày khác, sinh viên cần đảm bảo trang phục gọn gàng, lịch sự.
Trường cũng quy định rõ những trang phục không được mặc đến trường gồm: Trang phục bẩn, luộm thuộc, có hình lòe loẹt không phù hợp với môi trường giáo dục; Quần short, lửng trên đầu gối; Trang phục quá mỏng, quá ngắn, hở hang gây phản cảm… Nhân viên bảo vệ có quyền không cho vào cổng những sinh viên diện trang phục này.
Theo phòng Công tác sinh viên của Trường, quy định về trang phục bên cạnh mục đích nâng cao an ninh và xây dựng văn hóa giảng đường còn nhằm thực hiện nghiêm túc lối sống văn minh trong trường học; xây dựng phong cách chuẩn mực, ý thức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp của sinh viên.
Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có thông báo trên trang web các quy định về chấp hành đồng phục, đeo thẻ sinh viên. Theo đó, sinh viên phải mặc đồng phục của trường vào ngày thứ hai, các ngày khác trong tuần cần mặc lịch sự, kín đáo (không mặc quần soóc, quần lửng, áo dây, áo sát tay).
Để tạo nên môi trường học đường văn minh, thanh lịch, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng quy định nam sinh không mặc quần đùi, nữ sinh không mặc áo hai dây, áo voan mỏng hoặc váy ngắn trên đầu gối. Dép lê cũng bị cấm.
Từ đầu năm 2024, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có thông báo nhắc nhở sinh viên nghiêm túc thực hiện quy định nếp sống văn minh trong trường, yêu cầu người học mặc áo có cổ, đi giày hoặc dép có quai hậu, nam sinh bỏ áo vào quần, và nữ sinh mặc trang phục kín đáo. Khuyến khích sinh viên khóa mới mặc đồng phục.
Tại Trường Đại học Đồng Tháp, từ đầu năm học mới 2024-2025, trong thông báo về việc thực hiện trang phục khi đến trường, nam sinh được yêu cầu mặc áo sơ mi bỏ trong quần, đeo thắt lưng, trong khi nữ sinh được khuyến khích mặc áo dài truyền thống. Quy định này vừa đảm bảo sự lịch sự vừa tôn vinh văn hóa Việt.