3 trường hợp nợ thuế bị đề xuất tạm hoãn xuất cảnh từ 1/1/2025
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với 3 trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thuế từ ngày 1/1/2025. Cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày, với mức từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Tiền Phong online đưa tin.
Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 điều 6 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật kế toán; Luật kiểm toán độc lập; Luật ngân sách nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật quản lý thuế; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia; Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa do AI vẽ.
Điều 1 dự thảo này quy định áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với 3 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh , cụ thể: Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên;
Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên.
Cá nhân, chủ hộ kinh doanh và cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử khi người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử, cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
"Quy định góp phần làm tăng thu cho ngân sách nhà nước này có thể tác động đến khoảng 301.713 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và khoảng 78.595 cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp...; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế", Bộ Tài chính nhận định.
Về căn cứ lựa chọn ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 10 triệu đồng trở lên, cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 100 triệu đồng trở lên, Bộ Tài chính khẳng định dựa trên số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, căn cứ vào nguồn lực của cơ quan quản lý thuế.
Mức này vừa tránh được tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu vừa đảm bảo thu được thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày, Bộ Tài chính cho biết, người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày đã nhận được 3 thông báo nợ thuế từ cơ quan thuế...
Cán bộ, công chức, người lao động Hà Nội có 18 ngày nghỉ lễ trong năm 2025
Năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội có 18 ngày nghỉ lễ vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ 30/4 - 1/5 và Quốc khánh 2/9. Thông tin trên VTC New.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo về việc nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ Tết Nguyên đán 2025 9 ngày liên tục, từ thứ Bảy ngày 25/1 đến hết Chủ nhật ngày 2/2 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ lễ Quốc khánh liền 4 ngày, từ 30/8 (thứ Bảy) đến hết ngày 2/9 (thứ Ba).
Nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 liền 5 ngày liên tục, từ thứ Tư ngày 30/4 đến hết Chủ nhật ngày 4/5, trong đó, công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc từ thứ Sáu ngày 2/5 sang thứ Bảy ngày 26/4.
Cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội có 18 ngày nghỉ lễ trong năm 2025. (Ảnh minh họa)
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần sẽ căn cứ thực tế của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Người lao động không thuộc đối tượng nêu trên, căn cứ điều kiện thực tế, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 cho người lao động theo quy định tại thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đảm bảo thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày liên tục và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 - 2 ngày liên tục.
UBND TP Hà Nội yêu cầu thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Các dịp nghỉ lễ, tết khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đáo hạn thẻ tín dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư, đáo hạn thẻ tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho chủ thẻ tín dụng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, nhu cầu tiêu dùng mua sắm tăng cao nên dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng diễn ra sôi nổi, thông tin dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Theo luật sư Nam, đáo hạn thẻ tín dụng là một dịch vụ chủ thẻ vay tiền để trả nợ thẻ tín dụng từ bên thứ ba khi đến hạn thanh toán thẻ tín dụng mà chủ thẻ chưa đủ khả năng tài chính. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo phương thức cho chủ thẻ vay tiền bằng việc nạp tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ tín dụng cho khách hàng.
Ảnh minh hoạ.
Sau đó, đơn vị đó sẽ tiếp tục quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại khoản tiền mới nộp vào ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo/dịch vụ thanh toán mới. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng). Như vậy, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho chủ thẻ tín dụng và có thể là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, bản chất của dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng là dùng chính tiền của Ngân hàng để trả khoản vay/dư nợ đang phát sinh tại Ngân hàng. Chủ thẻ dùng khoản tiền vay sau để trả nợ cho khoản vay trước đó, vô hình chung việc này làm cho khoản nợ của khách hàng/chủ thẻ tín dụng ngày càng lớn (số tiền nợ Ngân hàng nhiều) và có nguy cơ mất khả năng chi trả/tất toán khoản vay cho Ngân hàng khi đến hạn.
Các hành vi này có dấu hiệu của tội "Vi phạm hoạt động ngân hàng hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội danh có khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.
Ngoài ra, trong quá trình thanh toán này không có việc mua/bán hàng hóa thực nên để hợp thức nguồn tiền hợp thức giao dịch thanh toán có thể các đối tượng tạo lập hồ sơ thanh toán khống, hành vi này có dấu hiệu của tội danh "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù. Hoặc có thể phạm các tội khác có liên quan đến linh vực hóa đơn, chứng từ kế toán, thuế...
Thứ hai, trong quá trình phối hợp với các đơn vị thực hiện dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, chủ thẻ tín dụng phải cung cấp một số thông tin để các đối tượng này thực hiện việc đáo hạn thẻ. Như vậy, có nguy cơ các chủ thẻ bị lộ thông tin cá nhân của mình và việc này có nguy cơ bị các đối tượng khác trục lợi đối với chủ thẻ tín dụng.
Trong đó, hiện nay xảy ra tình trạng nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện, yêu cầu thực hiện các giao dịch để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các chủ thẻ tín dụng và nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã bị lừa, bị chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm soát các giao dịch thanh toán, có thể xảy ra trường hợp ngân hàng phát hiện ra giao dịch thanh toán trên thẻ tín dụng bất thường. Để bảo vệ cho ngân hàng, các giao dịch thanh toán có thể bị kiểm soát, ngăn chặn cấm thực hiện và có thể khi phát hiện ra sự việc khách hàng, chủ thẻ tín dụng sẽ bị đẩy nhóm nợ xấu, không thể thực hiện hoạt động vay vốn tín dụng của ngân hàng cho các giao dịch khác sau này.
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở Úc và Hàn Quốc
Trung tâm Lao động ngoài nước vừa có văn bản gửi các cơ quan để phối hợp ngăn chặn thông tin giả mạo về xuất khẩu lao động. An Ninh Thủ Đô đưa tin.
Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời gian gần đây, một số đối tượng mạo danh Bộ LĐ-TB&XH, mạo danh Trung tâm Lao động ngoài nước lừa đảo thu tiền bất hợp pháp của những người lao động mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc và Australia.
Các đối tượng lập Fanpage có tên “Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”, “Tư vấn XKLĐ – Asian”… đăng tải thông tin tuyển chọn lao động đi làm việc tại Úc trên TikTok, trong đó mạo danh văn bản có chữ ký của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, mạo danh chữ ký của Lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với các đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin lừa đảo người lao động (hình ảnh kèm theo).
Hình thức lừa đảo phổ biến là đối tượng mạo danh cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước, yêu cầu người lao động nộp số tiền (có một số người đã nộp từ 40 – 50 triệu đồng) qua tài khoản hoặc thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán quốc tế (thẻ Visa, Mastercard), sau đó nộp số tiền vào tài khoản.
Khi người lao động đóng tiền vào tài khoản, đối tượng lừa đảo cung cấp đường link để người lao động khai báo thông tin, từ đó lấy cắp các thông tin về tài khoản của người lao động để mua hàng hóa hoặc chuyển tiền sang một tài khoản khác.
Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định chỉ thực hiện phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Thông qua việc đăng ký dự thi tiếng Hàn trực tiếp tại Sở LĐ-TB&XH và làm thủ tục trực tiếp với Trung tâm lao động ngoài nước không thông qua trung gian.
Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đang trong giai đoạn trao đổi, đàm phán với phía Australia, chưa triển khai tuyển chọn lao động.
Khi được Bộ LĐ-TB&XH cho phép triển khai chính thức Trung tâm sẽ đăng tải công khai, đầy đủ trên website của: Bộ LĐ-TB&XH: molisa.gov.vn
Cục Quản lý lao động ngoài nước - BLĐTBXH: dolab.gov.vn
Trung tâm lao động ngoài nước – BLĐTBXH: colab.gov.vn
Trung tâm Lao động ngoài nước thông tin để người lao động biết, phòng tránh các hành vi trên của các đối tượng lừa đảo.
Trong trường hợp người lao động đã bị các đối tượng lừa đảo thu tiền bất hợp pháp, đề nghị người lao động trình báo với cơ quan Công an, đồng thời thông báo cho Trung tâm Lao động ngoài nước theo số điện thoại 024 7303 0199 số máy lẻ 113 hoặc theo địa chỉ số 01 Trịnh Hoài Đức, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội để phối hợp xác minh, làm rõ.
Xử lý 3 người bán hàng rong ở Nha Trang xô xát với du khách
Cơ quan chức năng TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang thu thập bằng chứng, xử lý nghiêm vụ 3 người bán hàng rong xô xát với du khách nước ngoài tại chùa Long Sơn. VTC News đưa tin.
Ngày 8/12, UBND phường Phương Sài (TP Nha Trang, Khánh Hòa) có báo cáo vụ việc ba người bán hàng rong xô xát với du khách Trung Quốc tại chùa Long Sơn. Đồng thời Công an phường Phương Sài cũng đã mời ba người trên về trụ sở làm việc vì có hành vi gây rối trật tự công cộng.
" UBND phường Phương Sài chỉ đạo Công an phường khẩn trương thu thập đầy đủ bằng chứng đồng thời xử lý nghiêm hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh ", bà Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Sài thông tin.
Người bán hàng rong xô xát, cự cãi với du khách Trung Quốc tại chùa Long Sơn, Nha Trang (Ảnh cắt từ clip)
Trước đó mạng xã hội TikTok lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh những người bán hàng rong xô xát với một số du khách Trung Quốc tại chùa Long Sơn. Ngay khi đoạn clip lan truyền, Công an phường Phương Sài đã mời 3 người bán hàng rong tại sân chùa Long Sơn gồm T.T.N.T. (30 tuổi), T.T.N.Y. (28 tuổi) và N.T.N. (30 tuổi, cùng trú TP Nha Trang) lên làm việc.
Theo lời khai, vào khoảng 13h20 ngày 01/12/2024, T.T.N.T bán cho 2 du khách nước ngoài 1 bó nhang với giá 10.000 đồng. Du khách nước ngoài đã đưa 50.000 đồng, T. trả lại tiền thừa 40.000 đồng. Hai du khách trên đi viếng chùa 15 phút sau quay lại đòi trả tiền thừa thêm vì cho rằng trước đó đã đưa cho T. tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng chứ không phải 50.000 đồng. Sau đó 2 bên có cải nhau và xô xát qua lại và được mọi người xung quanh can ngăn.
Hiện tại, do không tìm được người bị hại nên chưa xác định được hành vi vi phạm. Công an phường tiếp tục củng cố hồ sơ, trích xuất camera tại chùa để tiếp tục xử lý và sau đó có báo cáo đầy đủ hơn.
Nhóm người có thu nhập cao nhất tại Hà Nội, TP.HCM cũng khó mua nhà
Các cặp vợ chồng có thu nhập 30 triệu đồng/tháng thuộc nhóm thu nhập cao nhất cũng khó mua được nhà ở Hà Nội hay TPHCM nếu khả năng chi trả tối đa theo quy tắc chi phí nhà ở không vượt quá 1/3 thu nhập. VietnamNet nhận định.
Trong báo cáo vừa phát hành, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dẫn số liệu từ kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (GSO), cho hay, nhóm có thu nhập cao nhất (chiếm 20% dân số - nhóm 5) có thu nhập bình quân mỗi người đạt 14,47 triệu đồng/tháng tại Hà Nội; 13,8 triệu đồng/tháng tại Đà Nẵng; 13,26 triệu đồng/tháng tại TPHCM; 13,9 triệu đồng/tháng tại Đồng Nai và 18,38 triệu đồng/tháng tại Bình Dương.
Theo VARS, đây là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế, khi đối diện với bài toán sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn này, ngay cả nhóm có thu nhập cao nói trên cũng gặp không ít trở ngại.
VARS giả định, mỗi hộ gia đình có 2 người trong tuổi lao động đều thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, thu nhập bình quân của nhóm này ước tính khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ, tương đương với khoảng 360 triệu đồng mỗi năm.
Khả năng chi trả tối đa nếu áp dụng quy tắc tài chính phổ biến là chi phí nhà ở không vượt quá 1/3 thu nhập, tức khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.
Giá nhà tăng nhanh, thu nhập cao cũng khó mua nhà Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà
Trong khi đó, mỗi căn hộ thương mại tại Hà Nội, TPHCM có giá dao động từ 40-70 triệu đồng/m2, tùy khu vực và phân khúc. Như vậy, một căn hộ có diện tích khoảng 60m2 sẽ có mức giá 2,5-3,5 tỷ đồng.
Nếu nhóm có thu nhập cao muốn mua nhà 3,5 tỷ đồng và vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà, tức 2,45 tỷ đồng, với lãi suất 8%/năm trong vòng 20 năm. Hàng tháng, khoản trả góp sẽ vào khoảng 25-27 triệu đồng, tương ứng trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Như vậy, theo VARS, với mức thu nhập tối đa 80 triệu đồng/năm, nhóm đối tượng này gần như không thể mua nhà.