Chuyên mục  


Mỗi bữa ăn của bé An là một lần chị Ngọc (quận 7, TP HCM) cảm thấy phiền lòng. Bé ăn không ít nhưng ăn chậm, vừa ăn vừa chơi nên bữa ăn có thể kéo dài một tiếng đồng hồ. Hơn 3 tuổi, An nặng chưa tới 15 kg, thuộc dạng thấp bé nhẹ cân trong lớp. Bé cũng thường xuyên mắc bệnh hô hấp, "mỗi khi trong lớp có bạn bệnh là y như rằng con bị lây", chị Ngọc chia sẻ. Chị Ngọc gọi con là "cái kẹo mút dở".

Cũng ăn nhiều, chiều cao cân nặng nhỉnh hơn các bạn trong lớp, bé Quang Minh (4 tuổi) thường xuyên ốm vặt khi thời tiết thay đổi, dễ mệt nếu vận động nhiều. Cậu bé còn gặp vấn đề về thị lực và phải mang kính. Đưa con đi khám, chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ khi bác sĩ cho biết Quang Minh bị thiếu hụt dinh dưỡng. Bác sĩ phân tích trẻ mũm mĩm vẫn có thể thiếu hụt chất dinh dưỡng do thường ăn món giàu năng lượng như chất béo, đường, tinh bột... nhưng ăn ít thực phẩm chứa sắt, kẽm, canxi, phốt pho.

Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2019-2020, gần 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, 1/3 trẻ thiếu sắt. Hội thảo của Viện Y học Ứng dụng Việt Nam hồi tháng 11 cũng chỉ ra 31,1% trẻ từ 6 tháng đến dưới 12 tuổi thiếu vitamin D, trong đó tỷ lệ trung bình ở đô thị còn cao hơn, lên tới 41,3%. Việc thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng có thể gây ra nhiều hệ quả tới sức khỏe của trẻ. Đơn cử thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, thiếu vitamin D và canxi gây còi xương, thiếu iod gây bướu cổ, thiếu kẽm có thể suy dinh dưỡng và suy giảm đề kháng, thiếu vitamin A có thể gây ra các bệnh về mắt...

Nhằm giải tỏa những băn khoăn của cha mẹ về cách cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho con, VnExpress tổ chức tọa đàm "Dinh dưỡng toàn diện - Lá chắn đề kháng tự nhiên cho trẻ" vào 20h ngày 28/12 trên Báo điện tử và Fanpage. Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - Nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và bà Nguyễn Khánh Ngân, Chuyên gia đào tạo về sản phẩm từ Siberian Wellness.

Ảnh KV tọa đàm "Dinh dưỡng toàn diện - Lá chắn đề kháng tự nhiên cho trẻ". Đồ họa: Thúy Vân

Tham gia chương trình, hai khách mời cùng phân tích lý do khẩu phần ăn đã cải thiện nhưng trẻ vẫn thiếu vi chất. Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân, thường ốm vặt? Chuyên gia nêu lời khuyên để mọi trẻ có cơ hội tiếp cận chế độ dinh dưỡng toàn diện, từ đó tăng sức đề kháng và phát triển bền vững.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai có kinh nghiệm 38 năm làm việc tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia (1982-2019), từng tham gia triển khai nhiều chương trình can thiệp dinh dưỡng tại cộng đồng, khám, điều trị và tư vấn dinh dưỡng cho hàng chục nghìn người từ trẻ em đến người cao tuổi. PGS.TS.BS Bạch Mai tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó, có nhiều đề tài liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, thiếu vì chất dinh dưỡng và giải pháp can thiệp. Bà là tác giả của hơn hàng chục công trình đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, tham gia biên soạn 22 cuốn sách y học về chuyên ngành.

Bà Nguyễn Khánh Ngân, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực đào tạo sản phẩm tại Siberian Wellness - một trong những thương hiệu toàn cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp có nguyên liệu tinh sạch từ thiên nhiên Siberia (Nga).

Kim Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020