GiadinhNet - Với cường độ bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 khi vào ven bờ Trung Trung Bộ, tàu thuyền có thể bị phá hủy, nhà ngói bị thổi bay.
Tin mới nhất về bão số 4
Dự báo hướng đi của bão số 4. Ảnh: NCHMF
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4h sáng nay (27/9), vị trí tâm bão số 4 trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16 (tăng 1 cấp so với hôm qua).
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16h chiều nay (27/9), vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.
Từ sáng nay, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ chiều trở đi, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1-1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
Từ tối và đêm nay, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Từ sáng sớm mai, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Hôm nay và ngày mai, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Thành lập ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Noru
Hình ảnh vệ tin của bão Noru lúc 6h sáng nay. Ảnh: NCHMF
Tối 26/9, Thủ tướng ký ban hành quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo tiền phương tại TP Đà Nẵng, để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (Noru). Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh và dự kiến đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Thành phần ban chỉ đạo có Trưởng ban là Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các thành viên còn lại gồm đại diện lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nhiệm vụ của ban chỉ đạo tiền phương là trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống. Ban chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tạm dừng hoạt động các sân bay ở miền Trung
Cảng vụ Hàng không miền Trung quyết định tạm dừng hoạt động các sân bay trong khu vực.
Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, đêm 26/9, Cảng vụ Hàng không miền Trung quyết định tạm dừng hoạt động các sân bay trong khu vực.
Theo đó, 4 sân bay tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9 gồm: Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku, Phù Cát. Riêng sân bay Chu Lai tạm dừng khai thác từ 7h ngày 27/9 đến 7h ngày 28/9.
Cùng ngày, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có công văn hỏa tốc gửi Cảng vụ hàng không miền Trung, đề nghị cho phép sân bay đóng cửa tạm thời dự kiến từ 14h ngày 27/9 đến 17h ngày 28/9 để phục vụ công tác phòng chống bão.
Tối 26/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết những giờ qua, bão số 4 (Noru) duy trì sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Lúc 16h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía đông.
Một ngày tới, hình thái này di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc 20-25 km/h. Từ đêm 27 đến trưa 28/9, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp với cường độ gió mạnh nhất cấp 12-13 kèm theo mưa lớn.
5 địa phương nằm trong vùng rủi ro thiên tai cấp 4 do bão gây ra gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 3 địa phương khác nằm trong vùng rủi ro thiên tai cấp 3 là: Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Yên.
Tối 26/9, Vietnam Airlines ra thông báo do ảnh hưởng của bão số 4, hãng dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ một số sân bay chịu ảnh hưởng của bão từ ngày 27/9.
Cụ thể, từ sáng 27 đến chiều 28/9, các chuyến bay của Vietnam Airlines đến, đi từ Chu Lai, Pleiku, Huế, Đà Nẵng tạm dừng khai thác do sân bay tạm đóng cửa.
Ngoài ra, các chuyến bay của Vietnam Airlines đến, đi từ các sân bay Tuy Hòa, Vinh, Đồng Hới, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt có thể phải điều chỉnh kế hoạch bay. Một số chuyến bay khác sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi.
Đại diện hãng cho biết hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình khi có yêu cầu (nếu còn chỗ).
Trước ảnh hưởng của bão Noru, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết ngày 27/9, đơn vị tạm dừng chạy chuyến tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội và tạm dừng chạy chuyến tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn.
Bão số 4 giật cấp 14 đang tiến vào Biển Đông