Bảo tàng gồm hai công trình là Getty Center và Getty Villa nằm cách nhau khoảng 16 km, là nơi lưu giữ những hiện vật có giá trị của Los Angeles. Cả hai tọa lạc tại California - nơi xảy ra trận cháy rừng nghiêm trọng từ ngày 7/1 đến nay. Getty Villa thuộc vùng Pacific Palisades - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cơ sở còn lại thuộc Brentwood - khu vực đang bị hỏa hoạn đe dọa, nhận lệnh sơ tán từ thứ sáu tuần trước.
Bảo tàng Getty Villa bị cháy bên ngoài khuôn viên hôm 7/1. Video: NBC News
Hôm 11/1, bà Katherine E. Fleming - chủ tịch, tổng giám đốc điều hành quỹ J. Paul Getty - đăng thông báo trên trang web bảo tàng, cho biết hiện không có công trình, tác phẩm nào bị thiệt hại. Đám cháy từng lan đến Getty Villa vào ngày đầuthảm họa, gây hại cho một số cây cảnh nhưng nhân viên và các phòng trưng bày, kho lưu trữ vẫn an toàn. Còn tại Getty Center, các nhà quản lý cho biết hiện tình hình không đáng lo ngại, tiếp tục theo dõi diễn biến hỏa hoạn.
Một ngày sau, bà Fleming cập nhật tình hình hai địa điểm "vẫn an toàn và ổn định" khi các lệnh sơ tán tại khu Center được hạ xuống thành cấp cảnh báo. Theo đó, mọi người cần trong tâm thế chuẩn bị ứng phó, thay vì phải sơ tán ngay. Bà cho biết chính quyền thông báo gió đã chuyển hướng khỏi vùng này nhưng tình hình còn bất ổn.
Lửa cháy âm ỉ bên ngoài Getty Villa nhưng không tổn hại công trình. Ảnh: NBC Los Angeles
Truyền thông quốc tế nhận định cả hai cơ sở đều có biện pháp phòng và chữa cháy hiệu quả. Khu Villa do ông trùm dầu mỏ J. Paul Getty xây dựng vào năm 1954, đón khách tham quan từ năm 1974. Theo My Modern Met, bảo tàng mở cửa miễn phí, trưng bày hơn 44.000 hiện vật. Vài món có nguồn gốc từ Hy Lạp, La Mã cổ đại với niên đại hàng nghìn năm. Hiện villa đóng cửa ít nhất đến ngày 16/1. Một số nhân viên tiếp tục làm việc để chuẩn bị ứng phó các trường hợp khẩn cấp, theo Independent.
Trong thông báongày 7/1, bà Fleming cho biết việctriển khai hệ thống cứu hỏa ngay lập tức, dự trữ nước để ngăn hỏa hoạn giúp Getty Villa thoát nạn. Theo LA Times, các nhân viên khởi động cơ chế phòng cháy vào lúc 10h40 - 10 phút sau khi cháy rừng lan tới Pacific Palisades. Khoảng 12h27, ngọn lửa lan tới bảo tàng.
"Chúng tôi cách ly phòng trưng bày và kho lưu trữ khỏi khói bằng cơ chế xử lý không khí hiện đại. Các phòng còn được xây dựng theo kết cấu hai lớp tường giúp bảo vệ những bộ sưu tập bên trong", bà nói thêm. Ngoài ra, trước đó, đội ngũ nhân viên thường dọn sạch bụi rậm xung quanh khuôn viên như một phần nỗ lực giảm thiểu hỏa hoạn trong năm.
Một góc bên trong Getty Villa. Ảnh: Time Out
Getty Center mở cửa vào năm 1997 sau khoảng 14 năm xây dựng với kinh phí 1,3 tỷ USD. Công trình có khả năng chống động đất và hỏa hoạn, được đánh giá là "kỳ quan của kỹ thuật chống cháy". Nếu villa là nơi lưu trữ cổ vật, thì nơi này được dùng trưng bày hơn 125.000 tác phẩm nghệ thuật và 1,4 triệu tư liệu từ thời trung cổ đến hiện đại. Một số hiện vật nổi bật là bức Hoa diên vĩ (Irises) của Van Gogh, Jeanne (Spring) của Édouard Manet và chân dung Ông già trong bộ quân phục (An Old Man in Military Costume) của danh họa Rembrandt.
Năm 2019, hơn 200 ha bụi rậm ở phía bắc và tây của công trình bị cháy. Trên trang web bảo tàng khi đó, ông Mike Rogers - giám đốc cơ sở vật chất - cho biết không cần di dời bất kỳ hiện vật vì tất cả được lưu trữ tại "nơi an toàn nhất có thể".
Khu phức hợp Getty Center nhìn từ trên cao. Ảnh: The J Paul Getty Trust
Theo Rogers, khu phức hợp nằm trên quảng trường đá travertine, bao quanh bởi không gian rộng lớn có vai trò làm chậm tốc độ lan rộng của đám cháy. Công trình bên trong được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thép chịu nhiệt với mái nhà được lợp bằng đá. Phòng trưng bày được thiết kế các vách ngăn cháy, những cánh cửa có chức năng cách ly từng khu vực. "Nếu hỏa hoạn xảy ra, nó khó có thể lan rộng", ông Rogers nói.
Ngoài ra, cây cối bên ngoài bảo tàng phần lớn là thực vật có khả năng chịu hạn, thường xuyên được cắt tỉa quanh năm để hạn chế trở thành chất bắt lửa. Hệ thống phun nước cũng được bố trí khắp nơi với bể chứa khoảng 3,7 triệu lít nước. Tuy nhiên, nhân viên chỉ khởi động cơ chế này như một giải pháp cuối cùng vì nhiều tác phẩm rất dễ vỡ.
Phòng trưng bày tranh bên trong Getty Center. Ảnh: Time Out
Hôm 7/1 (giờ địa phương), các đám cháy rừng bùng lên ở ba khu vực thuộc miền nam California gồm Pacific Palisades, Eaton và Hurst, buộc hơn 100.000 người phải sơ tán. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi hàng loạt biệt thự của dàn sao Hollywood, trong đó có những ngôi nhà gắn bó với họ hơn mấy chục năm.
Truyền thông Mỹ nhận định đây là vụ cháy nghiêm trọng nhất lịch sử Los Angeles. Tính đến ngày 12/1, có ít nhất 24 người tử vong, hơn 10.000 công trình bị phá hủy.
Phương Thảo (theo Guardian, Independent, LA Times)