…Buổi trưa trời Sài Gòn nắng, nhưng có chút hơi giá len vào, ngồi nghe lại ca sĩ Lệ Thu với bản nhạc bất hủ Nước mắt mùa thu của nhạc sĩ Phạm Duy. Ngày đông dần qua năm âm lịch, khi ở nơi xa xôi bên kia bán cầu, trái tim bà đã ngừng đập và bà đã tắt đi giọng hát, nghe như nhói từng tâm can. Thật khó tin điều đã xảy ra, nhưng rồi định mệnh là thế, như sự chấm hết một dấu son âm nhạc, trùng trùng…
Tôi chưa từng nghe bà hát trực tiếp ở một phòng trà hay một đại nhạc hội. Cũng chưa từng diện kiến để nghe chất giọng hơi khàn, mỗi khi ngân, lại vô cùng cuốn hút ấy. Nhưng tôi từng nghe bà qua làn sóng chiếc radio Sony 3 băng từ lúc còn nhỏ. Tuổi ấy, cảm nhận chẳng được bao nhiêu, nhưng dần lớn khi đã biết khá nhiều về nền tân nhạc Việt và sự định hình phong cách, thì bà và giọng hát của bà là một trong những nữ danh ca tôi yêu thích nhất.
Danh ca Lệ Thu trong lần gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - tác giả ca khúc Thu hát cho người Ảnh: Tư liệu gia đình NS |
Lệ Thu, như nhiều người từng biết về bà và yêu mến. Để rồi ngoài những nhạc phẩm của Phạm Duy hát xuất thần, bà còn ngân giọng truyền cảm với Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Chiếc lá thu phai (Trịnh Công Sơn), Mùa thu mây ngàn (Từ Công Phụng), Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh)… và nhiều, rất nhiều những bản nhạc buồn của Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương, và xa hơn nữa là Cung Tiến, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… Bà đã ghi dấu ấn đậm trong lòng công chúng yêu nhạc Việt một thời, và mãi mãi!
78 tuổi, trong đó 16 tuổi đi hát, 40 năm ra hải ngoại, với 62 năm hành trình sân khấu khắp những nơi nào cộng đồng người Việt tán thưởng, bà rất xứng đáng được vinh danh trong tứ nữ danh ca của nền tân nhạc Việt, cùng với Thái Thanh, Bạch Yến và Khánh Ly. Điều ấy, dường như là một sự mặc định trân quý trong tôi, mỗi khi nhìn nữ danh ca bước ra sân khấu, với tà áo dài tha thướt, bằng sự khiêm cung rất mực, bằng ánh buồn lên mắt cả khi cười nhẹ…Tất cả, niềm yêu dấu ấy hòa với giọng hát của bà, có lẽ là mẫu số chung của những người thưởng thức, bất cứ ở nơi đâu.
Những năm tháng ở các phòng trà hoặc vũ trường ở Sài Gòn thuở ấy, có lẽ bà cũng đã yêu mến thành phố phương Nam này một niềm yêu kỳ lạ. Bởi, nhiều người Sài Gòn mà tôi đã từng gặp, đều nói rằng mùa thu xao xác lá ở nơi đây, nghe một vài bản nhạc về thu do bà hát trở nên diễm lệ hơn, một điều gì đó thẳm sâu như thức dậy, và càng thấy yêu hơn Sài Gòn!
Lệ Thu cùng với Thái Thanh, Bạch Yến và Khánh Ly được xem là "tứ nữ danh ca" của nền tân nhạc Việt Ảnh: T.L |
Bây giờ nhìn lại, có lẽ rất nhiều người cũng như tôi hằng nghĩ, mấy hôm trước khi nghe tin bà nguy kịch vì vướng phải căn bệnh do Covid-19 quái ác, chợt nhận ra một điều trong chiều, khi tự hát lên bản nhạc Hoài cảm của nhạc sĩ Cung Tiến, lại quay quắt nhớ giọng hát của bà, tự dưng tôi bật nhạc giữa hoàng hôn, nghe vút lên thanh âm nao nao như rót ra từ trái tim thổn thức ấy: “Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa…Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ?…”. Một nỗi buồn sâu kín kỳ lạ xâm chiếm, từ chiều dần rơi xuống, cho đến khi nhạc đã ngừng và cảm thức cuối ngày như thấy một không gian khó diễn tả. Bởi giọng hát của bà chăng?
Rồi miên man nghĩ xa xôi một điều, khi nhớ đọc được ở nơi đâu đó đã lâu, có lẽ là một tạp chí kịch trường của người Việt, bà đã nói rằng: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó không có trong tiềm thức của tôi, nhưng tự nhiên nó bật ra . Tôi không hiểu từ đâu”. Thời điểm năm 1959, đó cũng là điều dễ hiểu, bởi cũng như nhiều ca sĩ thành danh khác đã từng tâm sự, ít ai lại được cha mẹ ủng hộ theo nghiệp ca hát, vì có thể bạc bẽo, vì có thể gặp quá nhiều bất trắc khi rời cánh màn nhung mỗi khi khuya về!
Lại nghĩ, có thể nghệ danh bật ra ấy từ một cô thiếu nữ 16 tuổi yêu ca hát, lại là một điều vận vào rất uyển chuyển của định mệnh, bởi chắc chẳng ai hát về mùa thu hay và đắm đuối như Lệ Thu. Mỗi khi đằm sâu vào tâm thức và bật ra từ lồng ngực nhiệt thành của bà với âm nhạc, lại nghe xáo động cả tâm hồn!
Xin thắp nén tâm nhang tiễn biệt nữ danh ca tài hoa, với “nước mắt mùa thu” luôn “khóc cho hạnh phúc mỏng manh” (lời trong bản nhạc Nước mắt mùa thu), như những buồn vui, lận đận trong đời mà bà đã trải!