Đi chợ Tết miền quê ở Hà Trung, Thanh Hóa - Ảnh: GIA TIẾN
Báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn 'Tết xưa - Tết nay', một sân chơi mùa Tết. Bạn đọc có thể gửi đến diễn đàn những tâm tư về ngày Tết của mình, các bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, tổng kết diễn đàn sẽ có nhiều giải thưởng giá trị được trao.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về cái đẹp trong văn hóa Tết xưa và nay cũng như giá trị trong một cái Tết đặc biệt Tân Sửu - 2021 khi con người sống chung với dịch COVID-19.
* Là một nhà nghiên cứu thế hệ đầu 8X đã có những trải nghiệm Tết xưa, Tết nay, Tết quê, Tết phố, anh có thể phác họa về những đổi thay của văn hóa Tết trong vài thập kỷ qua?
- Tôi sinh đầu thập niên 1980, lớn lên ở làng quê. Những ngày Tết đối với chúng tôi hồi đó đều đáng mong chờ, háo hức và chộn rộn nhất trong năm. Một phần vì ngày Tết bọn trẻ con được vui chơi thỏa thích, có quần áo mới, được lon ton theo chân bố mẹ đi chúc tụng bên nội bên ngoại.
Chúng tôi hầu như ăn cơm độn khoai quanh năm nên ngày Tết, thú thực, sẽ được ăn vài món tuy cũng dân dã thôi nhưng vô cùng đã miệng. Tôi nhớ đêm giao thừa, thanh niên thường đi "hái hoa dân chủ", mấy chị em líu díu trên đường làng tối om, nhiều gia đình không có đồng hồ, cứ đoán bừa khoảnh khắc giao thừa. Ngày Tết qua nhanh, bọn trẻ con đều tiếc ngẩn ngơ.
Tôi nghĩ, Tết ở làng quê ngày trước có rất nhiều điều ấn tượng mà giờ nhớ lại, tôi thấy rõ nhất là sự tươm tất. Tươm tất từ nhà cửa, ăn mặc, đi lại, nói năng cho đến cỗ bàn, nghi lễ. Tươm tất trong cả những mong ước, hi vọng về no ấm, đủ đầy.
Cho dù ngày thường mọi thứ đều rối tung, lộn xộn, thậm chí bừa bãi, nhưng ở quê ngày Tết, mọi nhà mọi người đều cố gắng tươm tất. Mất sự tươm tất thì ngày Tết sẽ trở nên xoàng xĩnh như bao ngày thường.
Mấy năm gần đây, khi đã trải nghiệm một chút ngày Tết ở phố xá, tôi thấy người ta chờ đợi sự an lành, an toàn hơn mọi điều khác. Sự tươm tất vì thế mà nhạt dần đi, nhiều thứ vội vã, cuống cuồng và hời hợt thay thế. Càng như vậy, người ta càng mong Tết an toàn, ở nông thôn lẫn thành thị.
Gói bánh chưng - Ảnh: GIA TIẾN
* Anh thấy sao về xu hướng chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết gần đây? Anh thích Tết xưa hay Tết nay?
- Tết, cũng như vòng đời, có thay đổi, có cái mất đi và cái mới xuất hiện. Ngày Tết đẹp hay ý nghĩa đến đâu còn do cách chúng ta tự tạo dựng. Tết xưa hay Tết nay, về bản chất, đều là món quà nghỉ ngơi mà thời gian chia đều cho tất cả. Chúng ta sử dụng nó còn để vỡ lẽ hơn về sự hữu hạn của đời người.
Cho nên chuyển từ "ăn" sang "chơi" Tết, theo tôi, là chúng ta chuyển trạng thái sống, cốt để cuộc đời không bị hút vào một "đầu vào" duy nhất là ăn uống. Tuy vậy, rất khó để bớt bỏ ăn uống trong tâm thức người Việt. Nó luôn là nhu cầu lớn và là một ám ảnh thường trực.
* Anh có lo ngại xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ có thể khiến văn hóa Tết truyền thống sẽ biến mất một ngày nào đó, giống như có nhiều ý kiến từng cho rằng nên bỏ Tết Nguyên đán mà ăn Tết dương lịch cùng với thế giới?
- Tôi không nghĩ toàn cầu hóa là lý do lớn nhất khiến văn hóa Tết cổ truyền bị mai một, càng không thể lấy đó làm động lực để chạy theo thế giới. Người Việt thường chuộng cái mới, dễ đánh đồng cái hời hợt, bông phèng với tân tiến, hiện đại. Bạn vừa thấy ngày Tết dương lịch 2021 vừa qua chúng ta đã "hoành tráng" thế nào.
Nhưng bạn cũng thấy, hễ cứ lễ hội, cứ được nghỉ ngơi "xả láng" thì "người người lớp lớp" sẽ ùn ứ khắp nơi. Đó là vì, tôi nghĩ, chúng ta có lẽ thiếu một nội lực văn hóa đủ mạnh để không bị a dua và nhầm lẫn giá trị.
Trong quá khứ, chúng ta đã tiếp nhận, đã "nhập khẩu" khá nhiều yếu tố văn hóa từ bên ngoài. Thật may, một vài thứ đã trụ lại và có đóng góp xã hội nhất định. Ngày Tết cổ truyền của chúng ta đang là một kiểu đóng góp như vậy, đặc biệt ở phương diện cố kết tình cảm, tình thân, thứ mà đời sống hiện đại dễ sao nhãng.
Ngày Tết, dù thế nào, vẫn là ngày sum họp, đoàn viên, hội ngộ với hạt nhân trung tâm là gia đình. Không ngày nào trong năm có khả năng nhắc nhở chúng ta về tình cảm gia đình sâu sắc như ngày Tết.
Và cũng hiếm ngày nào đọng lại trong ký ức chúng ta về nỗi niềm gửi gắm, hi vọng lẫn bảo ban của người thân một cách chân thành đầy yêu thương như ngày Tết. Hơn nữa, Tết còn có sự háo hức của một khởi đầu mới. Chính niềm tin, sự mong đợi khởi đầu như ý này mà chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng vun vén cuộc sống trong suốt mấy trăm ngày tiếp theo.
Em bé đi chơi tết - Ảnh: GIA TIẾN
* Nếu được góp ý cho xây dựng văn hóa Tết của thời đại mới sao cho đẹp, anh sẽ góp ý điều gì? Ví dụ như bỏ uống rượu bia để tránh bao tai nạn giao thông thương tâm ngày Tết hay dành thời gian cho gia đình nhiều hơn…?
- Tôi e rằng rượu bia chỉ đầy lên chứ không vơi đi trong ngày Tết hôm nay. Bất chấp nhiều tai nạn giao thông, rồi cả những bạo lực, giết người trong ngày Tết do say rượu, nhiều nơi và nhiều người vẫn uống rượu bia lướt khướt. Thành thử, để thay đổi được thói quen này thì không phải đợi đến ngày Tết mà nên thực hành trong mọi ngày.
Tôi thiên về những câu chuyện và hành động của người trẻ trong ngày Tết hơn. Tôi bắt đầu thấy họ nhẹ nhõm, và có khi còn rảnh rang với ngày Tết vốn rất bận rộn. Đằng sau thái độ ấy, họ muốn có cách ứng xử theo đúng nếp nghĩ, nếp sống của mình.
Nhiều bạn trẻ tham gia các chương trình thiện nguyện để mang cái Tết ấm áp, vui hơn cho những nơi khó khăn. Ngay sau Tết, nhiều bạn trẻ sẽ tham gia ngày hội hiến máu gần đây được tổ chức khá quy mô tên là lễ hội Xuân hồng.
Những hành động ấy làm tôi tin rằng giá trị văn hóa Tết còn nằm ở điểm khẳng định vai trò của người trẻ trong đời sống xã hội và trong sự tiếp nối những nghĩa cử đẹp đẽ.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn
Dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt về sinh kế. Nên năm nay, mọi người đón Tết có thể sẽ tùng tiệm hơn. Nhưng mặt khác, nhiều người hẳn sẽ nhận ra, ngay trong sự eo hẹp, đôi chút túng thiếu tiền nong ấy, đã là những may mắn, niềm vui lớn.
Bởi tai ương dịch bệnh đang được kiểm soát và có thể sẽ vượt qua. Dĩ nhiên, dịch bệnh cũng làm con người nhận ra được những giới hạn của chính mình, trong đó có sự vui chơi, đi lại và ăn uống. Có lẽ ngày càng nhiều người sẽ cẩn trọng hơn với sức khỏe của mình và nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng.
Đón Tết năm nay ắt hẳn làm dịu xuống những lời sáo rỗng, người ta nói đến những gì trong khả năng và thực lực của mình hơn. Và chúng ta lại mong ngày Tết thật an toàn.
TS Mai Anh Tuấn
Diễn đànTết xưa - Tết naydo báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thiTết xưa - Tết nayvề những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa Tết nay.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 và 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20; mô hình máy bay Vietjet size lớn
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là pin sạc dự phòng Quick Charge Li-polymer 10000 mAh UMETRAVEL SKY10000; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: ba lô FPT Shop + Voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
TTO - Báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn 'Tết xưa - Tết nay', một sân chơi mùa Tết. Bạn đọc có thể gửi đến diễn đàn những tâm tư về ngày Tết của mình, các bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, tổng kết diễn đàn sẽ có nhiều giải thưởng giá trị được trao.