Theo thông tin từ gia đình, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn (Quận 6, TPHCM). Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015. Ông thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của làng báo TPHCM sau năm 1975, góp phần xây dựng đời sống mới.
Nhà báo Lê Văn Nghĩa được xem là "linh hồn" của tờ Tuổi Trẻ Cười với các tác phẩm trào phúng, châm biếm để đấu tranh, lên án cái xấu nhưng vẫn mang lại tiếng cười hóm hỉnh cho độc giả.
Dấu ấn của ông để lại thông qua các nhân vật trào phúng gắn với ông, như các bút danh: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề...
Khi tạm ngừng công việc làm báo do tuổi tác, Lê Văn Nghĩa tập trung viết sách. Các tác phẩm của ông đa số là những tập hồi ức - tự truyện và khảo cứu về văn nghệ Sài Gòn một thời.
Tác phẩm sớm nhất của ông là Vượt sóng (1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo.
Ngoài ra, những sáng tác khác của ông cũng để lại dấu ấn riêng, như: Tào lao xịt bộp (tập truyện ngắn, 2010), Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2018)…
Những tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa ra đời trong khoảng thời gian ông tạm ngưng công việc làm báo và tập trung sáng tác.
Vào những năm cuối đời, dù sức khỏe không tốt nhưng nhà văn Lê Văn Nghĩa vẫn tiếp tục làm việc và nghiên cứu về đời sống văn nghệ Sài Gòn một thời đầy sôi động. Ông đã cho ra mắt những tập sách về Sài Gòn ấn tượng: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020).
Một trong số những tạp bút về Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa
Nói về những tác phẩm dành riêng cho Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Dương Thanh Truyền đã viết trong lời giới thiệu: "Như một kẻ không nhà, hay đúng hơn, như một người mà đâu cũng là nhà, anh đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa, anh nhìn ngắm mọi thứ từ mỗi vật dụng hằng ngày đến từng công trình xưa cũ, và đâu đâu anh cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm..."
Tang lễ nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa được tổ chức vào ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (quận Gò Vấp, TPHCM).
Băng Châu