Chuyên mục  


Đọc bài viết của tác giả Trần Hoàng Vũ Về cái chết của Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đăng trên Thanh Niên ngày 21.7.2021 (được trích đăng từ sách Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, NXB Tổng hợp TP.HCM), tôi nhận thấy người viết bài này quá tin vào những điều sử gia đời Tống ghi chép. Có một điều tối thiểu mà người viết sử hay nghiên cứu lịch sử cần ghi nhớ là luôn phải dựa vào nguồn sử liệu gốc. Đối với một sự kiện lịch sử nào đó của lịch sử Việt Nam thời quân chủ cần phải dựa chủ yếu vào các bộ Quốc sử (chính sử) của Việt Nam, nếu đọc sử của Trung Quốc thì chỉ có ý nghĩa là nguồn tài liệu tham khảo mà thôi.

Về lịch sử sáng lập triều Đinh dưới góc nhìn của sử gia thời Tống

Nếu tìm hiểu thì trước hết cần dựa vào các bộ chính sử Việt Nam như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục… Còn các bộ sử của Trung Quốc như: Tân Ngũ đại sử (Âu Dương Tu), Tục tư trị thông giám trường biên (Lý Đào), Cựu Ngũ đại sử (Tiết cư Chinh), hay các bộ Tống sử, Tục tư trị thông giám... chỉ mang tính chất tham khảo.
Rất đáng tiếc, bài viết trên đã quá tin vào những ghi chép về triều Đinh của sử đời Tống, thời kỳ sáng lập vương triều để rút ra những nhận xét sai lầm như sau:
1. Đinh Bộ Lĩnh xưng vương 3 năm (đúng ra là Ngài xưng đế năm 969 -Đại Thắng Minh Hoàng đế, thì nhường ngôi cho con là Đinh Liễn).
Thực ra, không có chuyện vua Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 3 năm thì nhường ngôi cho Đinh Liễn. Chỉ có vào năm 969, Đinh Tiên Hoàng phong cho con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt vương (vương 王 ở đây là tước phong, đứng trên tước công. Triều đình quân chủ Việt Nam thường phong 6 tước: vương-công-hầu-bá-tử-nam).
2. Đinh Liễn lên ngôi vua được 7 năm, thì nghe tin nhà Tống đã tiêu diệt Nam Hán, nên sai sứ sang thần phục nhà Tống.
Ghi chép trên đây là sai không đúng với thực tế lịch sử. Năm 971, nhà Nam Hán của họ Lưu (Lưu Xưởng), ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc, bị Bắc Tống tiêu diệt. Trước kế hoạch “tiên Nam, hậu Bắc” của triều Tống có ý định thôn tính các nước phương nam trước, sau mới đến các nước phía bắc Trung Quốc. Năm 972, Đinh Tiên Hoàng bèn “sai Nam Việt vương Đinh Liễn sang sứ thăm nhà Tống” (Xem Đại Việt sử ký toàn thư (1998). Nxb.KHXH, Hà Nội, tập 1, trang 212). Chuyến đi của Đinh Liễn không phải sang để “thần phục nhà Tống” mà mục đích chính là muốn “thăm dò động tĩnh” tiếp theo của nhà Tống sau khi diệt xong Nam Hán (970).
Tác giả còn viết “Theo quan điểm của nhà Tống, triều đại nhà Đinh, từ năm 965 đến năm 980 gồm có 3 “vua” là: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn và Đinh Toàn. Nhưng Việt sử chỉ ghi nhận nhà Đinh có 2 vua, không bao gồm Đinh Liễn”.
Trước hết, không có sử gia nào của nhà Tống từ Âu Dương Tu đến Lý Đào cho rằng nhà Đinh có 3 vua: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn và Đinh Toàn. Thực ra, Tân Ngũ đại sử của Âu Dương Tu chỉ ghi chép lịch sử thời “Ngũ đại, Thập quốc” 907-959, do vậy chép về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn rất sơ lược.
Tân Ngũ đại sử chép: “Năm Đại bảo thứ 8 (965), Ngô Xương Văn ở Giao Châu mất, người giúp việc là Lã Xử Bình, cùng với Thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh nhau lên làm vua, Giao Chỉ đại loạn, Đinh Liễn đem quân từ Hoan Châu ra đánh phá” (Xem Âu Dương Tu-Tân Ngũ đại sử, quyển 5: Nam Hán thế gia). Vì thế, nếu nói nhà Đinh từ năm 965 đến năm 980 là thiếu chính xác. Thực tế nhà Đinh thành lập vào những năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh thu phục xong 12 sứ quân (lưu ý tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam” chính thức kết luận là “thu phục”, chứ không phải như quan niệm cũ là “dẹp loạn 12 sứ quân” - Kết luận Hội thảo khoa học do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Tỉnh ủy - UBND tỉnh Ninh Bình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại thành phố Ninh Bình năm 2018).
Còn việc nhà Tống từng sắc phong tước cho Đinh Liễn là Tĩnh hải Tiết độ sứ (973) rồi “Giao Chỉ quận vương” (975) là có thật, nhưng không phải vì thế mà cho rằng “nhà Tống” quan niệm nhà Đinh có 3 vua.
Cần lưu ý: đối với các vương triều Trung Hoa thì các tước phong Giao Chỉ quận vương, An Nam quốc vương... chỉ là tước vương 王, không bao giờ nên dịch là vua.
Người Việt, thời Trần cũng phong cho nhiều công thần tước vương 王, thậm chí đại vương 大王 như: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật…, nhưng bản thân họ và mọi người dân Việt Nam không ai nghĩ họ từng làm vua nhà Trần.
Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào chép: Năm Khai Bảo thứ 6 (973) đời Tống thái tử, tháng 5 Nam Hán Tĩnh Hải Tiết độ sứ Đinh Liễn nghe tin Lĩnh Nam (chỉ nhà Nam Hán) đã bình định xong, sai sứ sang triều cống, lời biểu xưng là theo mệnh lệnh của cha là Đinh Bộ Lĩnh, bèn ban cho Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ (Xem Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 14).
Qua đoạn sử trên đây, có thể thấy Lý Đào, tác giả Tục tư trị thông giám trường biên, đứng trên lập trường Đại Hán, cố tình phủ nhận nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt đã thành lập trước đó 5 năm (968), phủ nhận sự tồn tại của vương triều Đinh, vẫn gọi Đinh Liễn bằng chức Nam Hán Tĩnh Hải Tiết độ sứ.
Chính Lý Đào, tác giả Tục tư trị thông giám trường biên có nói “sai sứ sang triều cống” chứ không nói “sang thần phục nhà Tống”. Triều cống và thần phục là hai việc hoàn toàn khác nhau. “triều cống” là nghi thức bang giao bình thường giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới thời quân chủ (939-1945). Còn “thần phục” là vua “nước thần phục” phải tự thân sang “chiêu” hoàng đế Trung Hoa tại kinh đô, và nền độc lập của nước đó hầu như bị hoàng đế Trung Hoa chi phối. Dưới thời quân chủ, các vị hoàng đế Việt Nam, tuy có phải triều cống, và nhận tước phong (quận vương, quốc vương…) từ hoàng đế Trung Hoa, nhưng Việt Nam luôn luôn giữ vững được quyền độc lập, tự chủ của mình, chưa khi nào có vị vua nào của Việt Nam phải đích thân sang triều cống, mà chỉ cử sứ giả sang triều cống.
Việc năm 975 nhà Tống phong cho Đinh Liễn làm Giao Chỉ quận vương cũng được chính sử của Việt Nam ghi chép. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu, năm Ất Hợi (975) nhà Tống sai Hồng Lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ Nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều lấy Đinh Liễn làm chủ” (Xem Đại Việt sử ký Toàn thư (1998),tập 1, tr.213.). Lý Đào trong Tục tư trị thông giám trường biên cũng chép sự kiện trên, nhưng lại nói: “triều đình (Tống) cho rằng Đinh Liễn từ xa tu sửa chức phận nộp cống, đây là chủ ý của cha là Đinh Bộ Lĩnh, bèn nghị bàn cho ân huệ phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương”.
Tác giả bài viết có lẽ thấy rằng nhà Tống vừa phong cho Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ quận vương, lại phong cho Đinh Liễn là Giao chỉ quận vương thì cho rằng Đinh Liễn được nhà Tống cho “làm vua Đại Cồ Việt” giống như Đinh Bộ Lĩnh? Như trên, đã nói nhà Tống chỉ phong tước vương cho 2 cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn thôi, còn ai làm vua (đúng ra là hoàng đế Giao Chỉ) là việc nội bộ của triều Đinh, nhà Tống không can dự.
Còn đối với vua Đinh Tiên Hoàng, vì đã xưng hoàng đế ở trong nước rồi, việc nhà Tống phong cho con mình là Nam Việt vương Đinh Liễn làm Giao Chỉ quận vương thì cũng chẳng hề gì, vì chính Đinh Bộ Lĩnh cũng từng phong cho Đinh Liễn làm Nam Việt vương rồi kia mà?
Tóm lại, nhà Tống nói chung, các sử gia triều Tống nói riêng, không ai có “quan điểm” triều đại nhà Đinh “gồm có 3 vua” mà chỉ có sự việc 2 cha con Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn đều được vua Tống sắc phong là Giao Chỉ quận vương. Đinh Bộ Lĩnh cũng sắc phong cho Đinh Liễn là Nam Việt vương (chứ không bao giờ cho làm vua) Còn câu chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đến lấy Đinh Liễn làm chủ…” chữ “Chủ” ở nguyên văn chữ Hán như sau: 後 遣 使 如 宋 以 璉 為 主 (hậu khiển sứ như Tống dĩ Liễn vi chủ) không có nghĩa là vua mà chỉ để nói “người chuyên trách” công việc ngoại giao với nhà Tống mà thôi.

Về dấu ấn Đinh Liễn và vụ án Hạng Lang

Bài viết của tác giả Trần Hoàng Vũ cũng mắc các sai lầm, nhất là về nhận định các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Tác giả không hiểu được cách ứng xử, xử lý trước những “tình thế đặc biệt” mà vội quy chụp cho Đinh Bộ Lĩnh những tội mà Ngài không có!

Tư liệu về việc Ngô Sĩ Liên cho rằng Đinh Liễn “ngầm” giết Hạng Lang

Ảnh tư liệu của Trần Hoàng Vũ

Tác giả viết “Trong quá trình dẹp loạn sứ quân, dựng lên triều Đinh, cũng như trong việc bang giao với Nam Hán và nhà Tống, vai trò của Đinh Liễn thể hiện hết sức rõ nét. Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu của sự nghiệp, chúng ta (?) đã sớm được thấy Đinh Bộ Lĩnh tỏ thái độ lạnh lùng tàn nhẫn với sự sống chết của Đinh Liễn (?). Đinh Bộ Lĩnh cho Đinh Liễn đi làm con tin cho nhà Ngô. Năm 951, Thiên Sách vương và Nam Tấn vương nhà Ngô đi đánh Hoa Lư đã treo Đinh Liễn lên cây sào để uy hiếp Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh không hề nao núng, còn sai hơn 10 tay võ nhắm bắn Đinh Liễn. Hai Vương kinh ngạc trước sự tàn nhẫn đó nên đã bãi binh…”
Ở trên, tôi đã đánh dấu hỏi (?). Tôi nghĩ chữ “chúng ta” ở đây có lẽ chỉ là tác giả bài viết này tự xưng chứ tôi không nghĩ Đinh Bộ Lĩnh lạnh lùng tàn nhẫn cả.
Tác giả không hiểu đấy là mưu kế cực cao của Đinh Bộ Lĩnh nhằm đánh lừa hai vương “trẻ con” họ Ngô đấy. Vì lẽ, tôi hiểu ở đây Đinh Bộ Lĩnh học theo mưu kế của Lưu Bang - Hán Cao Tổ, hoàng đế sáng nghiệp nhà Tiền Hán (206TCN- 8 SCN).
Truyện Hạng Vũ bản kỷ trong bộ Sử ký Tư Mã Thiên có mô tả cuộc đấu trí giữa Hán (Lưu Bang) và Sở (Hạng Vũ) để tranh ngôi đế vương Trung Hoa… Hạng Vũ là người giỏi võ nhưng kém về mưu lược, còn Lưu Bang là bậc đa mưu túc trí rất giỏi trong việc dùng người. Trận chiến giữa hai người diễn ra giằng co nhiều tháng không phân thắng bại. Một ngày, Hạng Vũ bắt được Lưu Thái Công (cha của Lưu Bang), ông muốn dùng Thái Công để ép Lưu Bang ra hàng. Sử ký chép: “Lúc bấy giờ, Bành Việt thường làm phản ở đất Lương, cắt đứt lương thực của Sở, Hạng Vương lo lắng, bèn cho dựng một cái thớt cao đặt Thái Công lên trên, và sai người nói với Hán Vương (chỉ Lưu Bang) là: nếu không đầu hàng ngay thì ta nấu chết Thái Công! Hán Vương nói: Ta và Hạng Vũ đều ngoảnh mặt về hướng Bắc chịu mệnh lệnh của Hoài Vương và đã “giao ước làm anh em”, cha ta tức là cha người, nay người nấu cha người, thì chia cho ta xin một bát canh với. Hạng Vũ nghe thấy thế bèn thôi không giết Thái Công. Đọc đến đây, chẳng ai lại chê Lưu Bang là người “lạnh lùng tàn nhẫn” nỡ lòng nhìn Hạng Vũ giết cha mình.
Tóm lại, đối với công việc nghiên cứu lịch sử thời quân chủ, nhà sử học luôn luôn có ý thức “phê phán sử liệu”, nhất là đối với tài liệu của đối phương: sử Tống, Nguyên, Minh… viết về Việt Nam. Phần nhiều sử gia Trung Hoa (kể cả một số sử gia Trung Quốc hiện nay) thường đứng trên lập trường Đại Hán, lập trường nước lớn, luôn uốn cong ngòi bút, làm sai lệch sự thật lịch sử. Những sự kiện lịch sử về triều Đinh của Việt Nam do các sử gia đời Tống ghi chép cũng không phải là ngoại lệ.
Mạnh Tử thường nhắc nhở người làm sử rằng: “Tận tín thư bất như vô thư” (Nếu quá tin vào sách, chẳng thà không có sách còn hơn). Đây là lời cảnh tỉnh cho người làm công tác nghiên cứu lịch sử của muôn đời.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020