Chuyên mục  


Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, triển lãm Khắc chân trời của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935 - 2022) đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đến hết ngày 16/3. Triển lãm được gia đình của cố họa sĩ tổ chức sau 1 năm ông rời xa dương thế.

Khi còn sống, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa chưa một lần làm triển lãm cá nhân với lý do bày tranh như để kết thúc, trong khi ông luôn muốn vẽ…vẽ mãi. Khắc chân trời vì thế đúng nghĩa là triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của Vũ Duy Nghĩa. Qua đó, để thấy những kết tinh hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật đầy đam mê và lẳng lặng dâng hiến của người họa sĩ trên cả 3 địa hạt hội họa, đồ họa và giáo dục.

Đóng góp quan trọng cho đồ họa đương đại Việt Nam

Ngoài những tác phẩm sơn mài đồ sộ, tại triển lãm Khắc chân trời, bộ tranh trổ giấy của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa lần đầu tiên được công bố một cách trọn vẹn. Với bộ tranh này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật đồ họa đương đại Việt Nam.

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh: "Vũ Duy Nghĩa là người đầu tiên tung dao trổ để thả nét làm nên bộ tranh trổ giấy rất độc đáo, không có lần thứ hai. Ông là người lẳng lặng, cứ tận tụy để cống hiến. Ông không đòi gì cả, không màng gì cả, không nghĩ gì cả, ngoài việc cầm bút, cầm dao để thể hiện tác phẩm của mình. Để đến nay, lần đầu tiên chúng ta cảm nhận được bộ tranh trổ giấy đen-trắng của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa có giá trị quan trọng như thế nào cho đồ họa đương đại Việt Nam".

"Bay múa con dao trổ trên mặt giấy đen, ông như kiếm sĩ điêu luyện mà không kém phần tinh tế. Ông phó mặc bàn tay cho đôi mắt sắc sảo cùng thẩm mỹ đầy nhân ái dẫn dắt; nếu được nét, được duyên thì muôn vật nương theo nụ cười hiền mà đọng hình, đậu nét" - ông Đoàn đánh giá - "Khi sáng tác, ông thả mình, cuốn theo phận người kiếp vật, nên lúc cương lúc nhu khó đoán. Chỉ với hai màu đen-trắng mà tạo ra muôn sắc. Con dao khắc khiêm tốn của ông đầy uy lực, nhưng vẫn mềm mại tựa ngọn bút lông tung hoành thư pháp. Thời khắc ấy, người nghệ sĩ như đang phù phép, gọi "Gió trên cánh đồng" thổi hồn cho ngàn chiến mã tung vó xõa bờm, để rồi lại tự hóa thạch chúng trong tranh".

cam-ta-thay-lang-16788398454831603633242.jpg

Tác phẩm “Cảm tạ thầy lang”, 35cm x 40cm, trổ giấy, 1987

Bộ tranh trổ giấy của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa còn cho thấy ông đã nhìn thấy rất sớm và tiếp nhận một cách trọn vẹn nghệ thuật dân gian Việt Nam từ tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng không lặp lại. Ông đưa ra một ngôn ngữ nghệ thuật mới. Con dao trổ ở trong tay ông bay múa, tinh tế và mềm mại. Đó là sự xuất thần, nhập tâm của ông để làm đủ hình nét hiện ra ngay trên mặt giấy đen. Ông đã tạo nên những tác phẩm tranh trổ giấy đen-trắng có giá trị.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, một người đồng nghiệp thân quý của Vũ Duy Nghĩa cho rằng: "Sự nghiệp của Vũ Duy Nghĩa đồ sộ ở nhiều lĩnh vực hội họa với sơn mài, đồ họa với khắc gỗ, khắc kẽm, khắc đồng và đặc biệt là trổ giấy. Ông có một tiếng nói riêng trong nghệ thuật đồ họa, và đánh dấu một giai đoạn phát triển cho đồ họa hiện đại Việt Nam".

babu-1678839845438707233580.jpg

Tác phẩm “Bà bủ nghiền trầu”, 37cm x 50cm, trổ giấy, 1987

Theo ông Tiếp, Vũ Duy Nghĩa là một gạch nối giữa nghệ thuật đồ họa truyền thống và nghệ thuật đồ họa hiện đại. Ông đã truyền tải những kinh nghiệm của tranh trổ giấy trang trí để đưa vào tranh nghệ thuật tạo hình là một điều hết sức đặc biệt và có giá trị.

"Chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài hai chữ sáng tạo"

Có mặt tại khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Đoài, vợ của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã rơi nước mắt khi nhắc về người chồng của mình. Chính tại nơi tổ chức triển lãm - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khi xưa, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa vẫn thường đưa người vợ của mình đến xem triển lãm của nhiều thế hệ họa sĩ đàn anh, đồng nghiệp, bạn bè và học trò.

vohoasi-167883984541592002152.jpg

Bà Nguyễn Thị Đoài, vợ họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tại triển lãm

Nhớ về người chồng, bà Đoài bộc bạch: "Sinh thời, nhà tôi là một người rất đam mê với nghề đã chọn. Anh lúc nào cũng tâm huyết, trăn trở và đau đáu cho nghề của mình. Anh không những chỉ vẽ mà anh còn viết rất nhiều. Mỗi lần đi xem triển lãm của các họa sĩ, nhất là triển lãm của các họa sĩ trẻ, khi về bao giờ anh cũng có những ghi chép cẩn thận vào sổ tay. Bởi, anh vẫn thường nói, họa sĩ trẻ là những họa sĩ kế cận".

"Anh sáng tác rất đa dạng. Anh làm trổ giấy, làm tranh khắc rồi làm sơn mài. Nhiều khi, nhà tôi còn làm giấy dó, in tranh kẽm. Thậm chí, anh còn tìm tòi và sáng tạo để vẽ sơn mài trên vải, trên toan. Tất cả những việc anh làm, anh đều ghi chép một cách đầy đủ và sâu sắc" - bà Đoài nhớ lại - "Nhà nhiều tranh, cho nên lắm khi tôi cũng nói với anh về việc bày triển lãm. Nhưng, nhà tôi luôn luôn nghĩ về quỹ thời gian ngắn, trôi nhanh, nên anh lúc nào cũng cứ thôi thúc bản thân làm việc. Anh có nói với tôi rằng, anh sẽ bày triển lãm nhưng từ từ, để cho anh vẽ và nghiên cứu thêm. Như thế, nhà tôi lúc nào cũng cứ băn khoăn về nghề để làm việc hết mình".

ganhlua-16788398454272146148830.jpg

Tác phẩm “Gánh lúa”, 80cm x 80 cm, sơn mài, 1993

Trong khi đó, chị Vũ Thu Hiền, con gái họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tiết lộ, ông làm việc liên tục đến tận năm 80 tuổi, khi tay run, trí nhớ giảm sút, không thể cầm bút vẽ được nữa. "Tuổi trung niên, thính lực của ông kém dần. Chạy đua với thời gian, ông càng vẽ nhiều, đọc nhiều, đặc biệt luôn trăn trở về tình hình mỹ thuật nước nhà. Từ nghệ thuật tới cái nhìn về xã hội, ông cảm nhận mọi điều bằng lăng kính nhân hậu và hài hước" - chị Hiền cho biết - "Là người hiền lành, nhưng nhiệt huyết với nghề, ông điềm tĩnh, bền bỉ đáng ngạc nhiên trong công việc. Với ông, vẽ là một nhu cầu thiết yếu, như ăn uống và hít thở".

Một đời làm nghề đam mê và tận tụy như thế, song những năm tháng cuối đời vì dịch bệnh mà họa sĩ Vũ Duy Nghĩa không kịp nhìn lại những cống hiến thầm lặng của mình cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam ở một triển lãm mà vợ và các con của ông đã ấp ủ thực hiện khi ông lâm bệnh nặng. Để rồi, sau một năm ông về trời, vợ và các con của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã làm một triển lãm giới thiệu gần như toàn bộ các tác phẩm trong sự nghiệp của ông. Như thế, qua tác phẩm còn ở lại, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa gửi lại đời một tài năng và nhân cách hiếm có với những giá trị còn mãi.

Đúng như họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: "Tình cảm của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp dành cho triển lãm Khắc chân trời khẳng định những người nghệ sĩ như Vũ Duy Nghĩa chỉ biết tận tụy dâng hiến cho sáng tạo nghệ thuật, chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài hai chữ sáng tạo".

"Một đời, một nghiệp trọn vẹn như họa sĩ Vũ Duy Nghĩa cũng hiếm hoi trong cả lộ trình trải dài của nền mỹ thuật đương đại ở Việt Nam. Vũ Duy Nghĩa đã sống một cách trọn vẹn cho đến cuối đời" - ông Đoàn nói - "Phẩm cách và tài năng song đôi. Ông tạo dựng phẩm cách, bảo trọng tài năng trong những thời kỳ khó khăn của lộ trình thay đổi nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông kiên tâm, kiên định với những quan niệm và suy nghĩ về nghệ thuật. Tâm hồn thơ của ông đã nuôi dưỡng con mắt thơ của ông để những tác phẩm của ông khi gặp lại vẫn gây cảm động như mọi thứ ông để lại".

trienlam-1678839845398444879753.jpg

Không gian triển lãm “Khắc chân trời” của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Người thầy tạo ra "từ trường" tri thức, tư chất nghệ sĩ

Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ nhắc đến sự nghiệp nghệ thuật mà bỏ qua sự nghiệp giáo dục của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa. Sự nghiệp giáo dục của ông bắt đầu sau thời gian tu nghiệp ở Liên Xô từ năm 1959-1964. Về nước, ông gắn bó và giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1967-1995.

Thầy Vũ Duy Nghĩa được nhiều thế hệ học trò "mê" vì giảng bài sinh động, truyền cảm, kiến thức phong phú, tâm tính hiền hậu nhưng kiên định. Nhớ về người thầy đáng kính của mình, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết: "Cách giảng bài của thầy Nghĩa rất truyền cảm, dễ hiểu. Đặc biệt là thầy thường dùng hình ảnh so sánh, làm cho nội dung sinh động, hấp dẫn hơn".

"Ví dụ như khi nhận xét về họa sĩ A, thầy nói: "Ông này vẽ ngẫu hứng, cảm xúc, ở đâu cũng có thể vẽ, nhưng như thế sự nghiệp chỉ có tản văn với truyện ngắn, không có tiểu thuyết" - ông Khôi kể lại - "Trong một giờ học chuyên ngành, thầy nói: "Tạo dựng được phong cách nghệ thuật là vô cùng khó. Mới đầu ai cũng có một thần tượng, một hình mẫu để noi theo, nhưng thông minh thì đừng nên bắt chước đại bàng, cả làng đều biết. Cứ mạnh dạn học từ chim sẻ. Nhiều chim sẻ thành đại bàng khi nào không hay".

Cũng theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi: "Không ồn ào, luôn nho nhã, khiêm nhường, nhưng đi đến đâu thầy Nghĩa cũng tạo ra một thứ "từ trường" của tri thức, của tư chất nghệ sĩ. Với kiến thức uyên thâm, nhân văn và đầy bao dung, Vũ Duy Nghĩa được các đồng nghiệp và các thế hệ học trò nhắc đến một cách kính cẩn, trìu mến".

ngoxuankhoi-1678839845407204830563.jpg

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi tại triển lãm

Minh chứng cho tất cả tài năng và nhân cách của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa không đâu xa khi nhìn từ chính bầu không khí xúc động tại lễ khai mạc triển lãm Khắc chân trời. Đã có rất đông các thế hệ đồng nghiệp, học trò của ông đến với triển lãm bằng sự nể trọng, kính cẩn để tưởng nhớ người bạn, người thầy mến yêu của mình.

Như chính tên gọi của triển lãm, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã khắc cuộc đời và sự nghiệp của mình đến một chân trời nào đó mà ông muốn. Ở đó, có những nét khắc chuẩn xác và mềm mại như tính tình của ông vậy. Cũng như chính những vần thơ mà họa sĩ Lương Xuân Đoàn viết về ông như một lời tạm biệt:

Hồn Việt đâu dễ mất

Chợ quê vẫn ngày xưa

Sống thanh nhàn lành sạch

Đời mình như đang mơ

Nét sắc như kiếm sắc

Gọi nét mềm cỏ non

Bao nỗi niềm gửi lại

Về giời đôi mắt trong.

Ngắm nhìn 60 năm 'khắc chân trời' của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020