Chuyên mục  


Thể loại: Tâm lý, hài hước Đạo diễn: Châu Tinh Trì Diễn viên: Ngạc Tĩnh Văn, Vương Bảo Cường, Trương Kỳ, Trương Toàn Đản, Cảnh Như Dương Zing.vn đánh giá: 7/10

Năm 1999, Vua hài kịch do Châu Tinh Trì làm đạo diễn kiêm đóng chính ra mắt khán giả. Sở hữu câu chuyện thú vị mang tính tự sự của bản thân Tinh gia, cùng màn trình diễn ăn ý giữa anh với gương mặt mới toanh khi ấy là Trương Bá Chi, bộ phim được khán giả đón nhận nồng nhiệt và gặt hái thành công vang dội.

Trong khi Trương Bá Chi một bước trở thành ngôi sao ngay từ vai diễn đầu tay, thì Châu Tinh Trì ngày càng khẳng định vị thế “vua hài” không ngai của điện ảnh Hoa ngữ thời bấy giờ.

Sau đúng hai thập kỷ, khi đã lui hẳn về hậu trường, Châu Tinh Trì bất ngờ đem đến cho khán giả Tân Vua hài kịch - tác phẩm đầu tiên mà anh làm đạo diễn có phần nối tiếp. Thông tin về dự án được giữ kín đến tận phút chót, và khán giả chỉ biết lờ mờ nội dung phim sau khi một vài trailer ngắn ngủi ra mắt.

Vẫn nói về những người diễn viên quần chúng trong ngành công nghiệp điện ảnh, Tân Vua hài kịch đem đến một câu chuyện khác, với dàn diễn viên hoàn toàn khác. Khán giả tò mò không biết liệu lần này Tinh gia muốn đem đến điều gì mới mẻ, đột phá cho dự án chào xuân 2019.

Câu chuyện tâm lý đời thường đơn giản, khuôn mẫu, và cũ kỹ

Tân Vua hài kịch lấy bối cảnh thời hiện đại, xoay quanh nhân vật chính có tên Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn). Cô là một nữ diễn viên quần chúng không có tên tuổi.

Lăn lộn với nghiệp diễn cả chục năm trời, nhưng họ Như chưa thu được bất cứ thành tựu gì đáng kể bởi ngoại hình không ưa nhìn, cùng phong cách giao tiếp có phần hồn nhiên đến mức ngây ngô. Cả bộ phim là quá trình cô cố gắng vật lộn để vượt qua vô số khó khăn trong cuộc sống nhằm khẳng định bản thân, qua đó tìm đến thành công trong nghiệp diễn.

Tân Vua hài kịch và phiên bản gốc ra đời cách đây hai thập kỷ có bối cảnh, câu chuyện và tuyến nhân vật lẫn dàn diễn viên độc lập. Cùng khai thác câu chuyện về nhóm cá nhân lăn lộn trong ngành điện ảnh sở hữu đam mê diễn xuất nhưng chưa có cơ hội thành danh, bộ phim mới do Tinh gia thực hiện giống như phiên bản nữ của Vua hài kịch, chứ không phải phần tiền truyện hay hậu truyện.

Câu chuyện trong Tân Vua hài kịch mang đậm nét tâm lý, đời thường, chứ cũng không thiên về tình cảm lãng mạn như Vua hài kịch lẫn các tác phẩm gần đây do Tinh gia thực hiện. Tổng thể câu chuyện và kịch bản của bộ phim mới tỏ ra đơn giản, đi theo khuôn mẫu còn cũ kỹ và dễ đoán.

Gần như mọi điều trong Tân Vua hài kịch đều không có sự tươi mới.

Điều đáng nói là lần này Châu Tinh Trì cố gắng mang đến sự khác biệt trong phong cách xây dựng nhân vật và phát triển sự kiện. Nhân vật chính của Tân Vua hài kịch không đặc thù, không có tính tượng trưng cao, cũng không mang những đặc điểm về ngoại hình, tâm lý hay lý tưởng quá khác biệt đến mức cường điệu. 

Như Mộng là một người con gái rất đỗi bình thường như bao con người khác, đang ngày ngày lăn lộn bên ngoài trường quay chỉ để xin một vai quần chúng nhỏ bé không lộ mặt.

Cô chấp nhận bị đánh đập, hà hiếp chỉ để đổi lấy một bữa cơm và cơ hội xuất hiện trên màn ảnh. Không có ngoại hình nổi bật, không biết cách ăn nói dễ nghe, bản thân Như Mộng chìm nghỉm giữa bao người, dù có cố gắng đến đâu.

Không chỉ bản thân nhân vật, các sự kiện trong phim cũng được miêu tả hết sức đời thường, tập trung vào nhiều lát cắt nhỏ xung quanh cuộc sống hàng ngày của Như Mộng nhằm xây dựng nhân vật một cách trọn vẹn.

Không còn những chi tiết cường điệu, biến hóa độc đáo. Thay vào đó, Tinh gia mang đến sự thô ráp, bụi bặm của cuộc sống thường nhật, hàng ngày hiển hiện rất rõ xung quanh mỗi con người trong xã hội.

Do đó, Tân Vua hài kịch không chỉ có câu chuyện khuôn mẫu, mà cách kể chuyện cũng vô tình thiếu đi sự sáng tạo độc đáo vốn có của Tinh gia. Hậu quả là bộ phim giống như vô vàn tác phẩm đại trà, kém nổi bật khác trên thị trường cũng khai thác đề tài người trẻ dám ước mơ và cống hiến hết mình vì đam mê.

Nặng tính châm biếm, đả kích trực diện xã hội và ngành công nghiệp điện ảnh

Đi sâu miêu tả ngành công nghiệp điện ảnh Hoa ngữ hiện đại, Tân Vua hài kịch vẽ nên một bức tranh rất đầy đủ, đa diện về những vấn đề tiêu cực đang tồn tại trong ngành điện ảnh nói riêng lẫn xã hội Trung Quốc nói chung.

Nổi tiếng là người cứng đầu, trước giờ chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm chứ không hề kiêng dè bất cứ ai trong ngành, Châu Tinh Trì không ngại chỉ ra hàng loạt trào lưu rẻ tiền, chiêu trò bẩn thỉu đang thịnh hành trong ngành công nghiệp làm phim.

Tinh gia công khai chỉ trích lối làm phim “rác” rẻ tiền, chỉ chạy theo doanh thu bằng những chi tiết câu khách rẻ mạt mà không quan tâm đến chất lượng chuyên môn cần thiết, đặc biệt là trào lưu làm phim hài Tết.

Một nghịch lý mà bộ phim muốn chỉ ra là nhiều người trên trường quay chẳng biết diễn, còn ở ngoài đời thì nhiều kẻ lại "diễn" không thể giỏi hơn.

Ông giễu nhại lối làm phim không thực lực, chỉ chăm chăm dựa vào trai xinh, gái đẹp để câu khách mà diễn xuất thì chỉ như “bình hoa di động”. Nhà làm phim không ngại kể ra bệnh ngôi sao của đám nghệ sĩ có chút tên tuổi đã cho mình là nhất: làm việc thiếu chuyên nghiệp, sẵn sàng lấn át, vượt quyền đạo diễn lẫn nhà sản xuất để giành ưu thế

Ông cũng châm biếm những trào lưu nhảm nhí sớm nở tối tàn nhưng thu hút công chúng và giới truyền thông hiện đại, như phong trào phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên dị hợm hay “xấu lạ”, hay cách tạo scandal để nổi tiếng tức thời bằng kiểu trò lố tục tĩu.

Không chỉ trong ngành công nghiệp làm phim, nhiều mặt trái của con người bên ngoài xã hội cũng bị Châu Tinh Trì “chỉ mặt gọi tên” đầy chua chát.

Và trớ trêu thay, trong trường quay, con người ta cần diễn lại chẳng biết diễn cho ra hồn. Còn bên ngoài màn ảnh, chẳng thể biết nổi ai là “diễn viên”, “kịch sĩ” chính hiệu. Đây có lẽ là điểm thành công nhất của Tân Vua hài kịch.

Hài hước cũ kỹ, diễn xuất chưa đủ sức cuốn hút

Mảng hài của Tân Vua hài kịch thực sự không nổi bật, nếu so với Vua hài kịch hay các xuất phẩm khác của Tinh gia. Bộ phim tái sử dụng nhiều mảng miếng hài hước cũ quen thuộc của phần phim trước, thậm chí còn có phần hạn chế hơn.

Phong cách hài “Vô ly đầu” quen thuộc của Tinh gia vẫn được áp dụng để tạo ra tiếng cười trào lộng, nhưng dường như thiếu sự mỉa mai, sâu cay thường tình. Thay vào đó, ông lần này chọn châm biếm, giễu nhại trực diện.

Diễn xuất của dàn diễn viên trong phim tương đối đồng đều và trọn vẹn. Lần này, Tinh gia lựa chọn Ngạc Tĩnh Văn - một nữ diễn viên gần như vô danh - vào vai chính lớn đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của cô.

Như Mộng của Ngạc Tĩnh Văn có lẽ chưa đủ sức để gánh vác toàn bộ tác phẩm.

Như Mộng xem ra là vai diễn “đo ni đóng giày” cho Ngạc Tĩnh Văn, bởi hoàn cảnh của cô ngoài đời thực gần như tương đồng với chính bản thân nhân vật, từ ngoại hình, tuổi tác đến hoàn cảnh sự nghiệp.

Do đó, họ Ngạc có thể dễ dàng hóa thân thành nhân vật, giống như đang sống lại chính những trải nghiệm từng xảy ra với bản thân thân từ trước đến giờ ở trên màn ảnh.

Điều đáng nói là bản thân nhân vật Như Mộng lại không sở hữu sự hấp dẫn, thu hút cần thiết để gánh vác cả bộ phim. Không hề nổi bật từ ngoại hình cho đến cá tính, Như Mộng là mẫu nhân vật gần gũi, đời thường, có tính chân thực cao. Cũng bởi vậy mà cô mờ nhạt, khó có thể dẫn dắt khán giả tập trung theo dõi hành trình hoàn thiện giấc mơ của cô.

Các tuyến nhân vật phụ, ngoại trừ Vương Bảo Cường, cũng đều là các gương mặt mới ít tên tuổi. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến nhân vật người cha già nóng tính nhưng thương con do nam diễn viên Trương Kỳ thể hiện.

Trương Kỳ để lại nhiều cảm xúc cho người xem sau khi bộ phim khép lại.

Với nét diễn vừa tự nhiên, có phần tưng tửng, tài tử gợi nhắc hình tượng các bậc tiền bối ẩn dật phía sau, giúp sức cho nhân vật chính hoàn thành mục tiêu do nam diễn viên Ngô Mạnh Đạt từng thể hiện trong các tác phẩm của Tinh gia ngày trước.

Nhìn chung, Tân Vua hài kịch giống như một thể nghiệm mới của Tinh gia ở ngưỡng sau của sự nghiệp: đời thường hơn, thâm trầm hơn, bụi bặm hơn. Vẫn còn đó những chi tiết hài cười ra nước mắt, nhưng nhân vật của ông đã bớt cường điệu, còn câu chuyện thì bớt hình tượng, hài hước mà chọn lối phê phán trực diện.

Tiếc rằng ván cược mới của Tinh gia lại thiếu đi sự mới mẻ và mạo hiểm cần thiết, khiến Tân Vua hài kịch chỉ là tác phẩm còn cũ kỹ và tương đối nửa vời. Tâm lý sâu sắc chưa đến mà hài hước giải trí chưa đủ, bộ phim chưa xứng tầm với tựa đề, và khán giả lại phải chờ đợi nhiều hơn ở tác phẩm tiếp theo của Châu Tinh Trì.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020