Tổng Bí thư Tô Lâm dự kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Ảnh: TTXVN
Chương trình cầu truyền hình Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng do Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện tại ba điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 16-11.
Tại điểm cầu Cà Mau, chương trình có sự tham dự của Tổng bí thư Tô Lâm; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh;
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến;
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải…
Tại điểm cầu Hải Phòng, đến dự có Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu.
Ở điểm cầu Thanh Hóa, có sự hiện diện của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bí thư Tình ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương...
Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của các nhân chứng của sự kiện 70 năm Tập kết ra Bắc và đông đảo bà con nhân dân tỉnh Cà Mau, Thanh Hóa và TP. Hải Phòng.
Không ít khán giả đã khóc khi xem cầu truyền hình - Ảnh chụp màn hình
Đại cảnh Ta đi tới mở màn lịch sử 70 năm Tập kết ra Bắc
Đại cảnh nghệ thuật Ta đi tới với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ tại ba điểm cầu Hải Phòng, Thanh Hóa và Cà Mau mở màn cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng.
Từ quyết sách mang tính lịch sử của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 7 vạn đồng bào, chiến sỹ miền Nam bươc vào cuộc chuyển quân lịch sử.
Chương trình đưa khán giả đến với ba điểm cầu lịch sử: Cà Mau, Thanh Hóa, Hải Phòng, đặc biệt tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc, tỉnh Cà Mau.
Bến Sông Đốc - Cà Mau, nơi địa đầu Tổ quốc, là điểm cầu chính trong chương trình. 70 năm trước ở đây đã diễn ra 200 ngày tập kết (dài nhất trong ba vùng tập kết ở miền Nam) để đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra Bắc sinh sống và học tập.
Giờ đây nơi đó trở thành di tích lịch sử, ghi lại một trang sử vàng trong quá trình xây dựng miền Bắc, đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1954 - 1975, có hơn 32.000 học sinh đã học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Trong đó có rất nhiều em nhỏ, phải bế - Ảnh chụp màn hình
Chưa khi nào nguôi trong tâm trí
Những hình ảnh tư liệu, những câu chuyện Nam - Bắc một nhà khiến nhiều người xúc động.
Đó là chuyện quân và dân Quảng Tiến (Thanh Hóa) có hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng 12 trạm, hơn 1.000 nếp nhà, trạm xá… đón tiếp đồng bào từ miền Nam; chuyện các thiếu niên nhi đồng của Đội Cánh chim Hòa bình 1954 ở Thanh Hóa được cử đón tiếp đồng bào miền Nam, 70 năm còn nguyên trong tâm trí.
Còn có chuyện mẹ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mang bầu ông khi đang đi trên tàu ra Bắc; chuyện nhạc sĩ Hoàng Việt viết Tình ca bất hủ trong cuộc tập kết lịch sử; chuyện liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) và bài Dáng đứng Việt Nam qua lời kể của người chị gái Ca Lê Hồng.
Chương trình gặp lại thầy Lê Ngọc Lập của Trường học sinh miền Nam ngày đó, nghe chuyện các thầy cô theo phương châm dạy tốt, học tốt chưa đủ, phải cả nuôi tốt.
Để rồi trên những đoàn tàu 0 số chở nhiều "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc quay về xây dựng miền Nam đó, ta gặp lại Thiếu tướng Trần Văn Niên, TS Mai Liêm Trực, NSND Trà Giang...
Bà Diệp Ngọc Sương (giữa) và ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) kể chuyện - Ảnh chụp màn hình
Hay chuyện nguyên bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và TS. Diệp Ngọc Sương, nguyên Tổng thư ký Hội Hóa học TP. Hồ Chí Minh, kể kỷ niệm học sinh miền Nam tập kết ra Bắc 70 năm trước.
Bà Sương nói lúc đó Hải Phòng rất khó khăn nhưng tất cả ưu tiên hết cho học sinh miền Nam. "Biết ơn cách mạng, nhân dân Hải Phòng. Lúc đó chúng tôi chỉ ước mơ học tập rèn luyện thành người tốt, để sau này xây dựng miền Nam. Mọi chuyện sau đó diễn ra đúng như thế", bà kể.
Còn ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự kiện tập kết ra Bắc mang tính tính quyết định. Đảng nhìn xa vài chục năm, chuẩn bị con người cho vài chục năm, từ đó tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vợ bác sĩ Huỳnh Văn Muôn - Ảnh chụp màn hình
Màn trao trả hiện vật khiến nhiều người rớt nước mắt
Xúc động nhất trong chương trình là chuyện tìm kiếm và trao trả hiện vật cho người con miền Nam tập kết ra Bắc, bác sĩ Huỳnh Văn Muôn.
Trên hộp đồ nghề đi B vẫn còn khắc mấy chữ tới giờ vẫn còn nguyên y: "Thương nhớ em, ngày 2-10-1973". Bà Nở, vợ ông kể "giờ đụng tới cái gì của ông cũng thấy nhớ".
Hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đang lưu giữ hơn 72.000 hồ sơ của cán bộ đi B, trong đó một nửa là đồng bào miền Nam.
Trao kỷ vật cho gia đình bác sĩ Huỳnh Văn Muôn - Ảnh chụp màn hình
Trong đó, ông Huỳnh Văn Muôi để lại 101 tờ hồ sơ và kỷ vật trước khi về lại miền Nam chiến đấu. Trong đó có những lá đơn viết tay đặc biệt.
Ông viết: "Trước khí thế chống Mỹ ở hai miền Nam - Bắc và lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, tôi là học sinh con em của đồng bào miền Nam anh hùng, Nam bộ - thành đồng Tổ quốc. Tôi nguyện sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu Tổ quốc và Đảng cần, nguyện học tập, làm việc và chiến đấu như những người cộng sản quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tại điểm cầu Cà Mau, chương trình đã trao lại tập hồ sơ kỷ vật đó cho gia đình bác sĩ. Chia sẻ của vợ, con ông khiến nhiều người rớt nước mắt vì xúc động.