Chuyên mục  


Báu vật

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, bảo không phải ai cũng được vào phòng cất giữ hiện vật và càng không phải ai cũng được mở chiếc tủ nhiệt độ, lấy 2 chiếc khố, 1 của đồng bào Cơ Tu và 1 của đồng bào Giẻ Triêng ra. Bởi hiện vật độc bản này đã “có tuổi”, chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng cả một “tác phẩm” nghệ thuật phản ánh thời kỳ hoàng kim nghề trồng bông, dệt vải... của đồng bào dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn. Đã nhiều lần hẹn, sau cùng một ngày cuối năm ông Thiện đồng ý mở kho cho chúng tôi tiếp cận.
Tấm thổ cẩm độc đáo của người Cơ Tu được dệt nên từ vải và hạt chì
Sau 2 lớp khóa, cánh cửa bằng sắt của kho lưu giữ mở ra. Ông Đặng Văn Khoa, Trưởng phòng Sưu tầm - trưng bày và bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng), cẩn thận soạn một tấm gỗ trên sàn nhà, rồi trải thêm một lớp giấy dó. Tiếp đó, ông mang cặp găng tay màu trắng rồi tỉ mẩn mở thêm một lớp khóa nữa trên tủ nhiệt độ. Cặp khố nằm cạnh nhau ngay ngắn được ông Khoa nâng niu mang ra ngoài. Thoạt nhìn, chiếc khố của người Cơ Tu không có gì đặc biệt so với những bộ đồ mà đàn ông vùng cao thường khoác trên mình vào mỗi dịp lễ cưới, ăn mừng lúa mới, mừng nhà gươl... Chỉ đến khi ông Khoa cho biết điểm độc đáo của tấm khố nằm ở đoạn 2 đầu dải vải thì chúng tôi mới nhận ra chiếc khố được dệt nên bởi sợi vải và thứ kim loại nặng: chì.
Bộ khố này có chiều rộng 30 cm, được sưu tầm cách đây gần 30 năm tại huyện Hiên (nay tách thành 2 huyện Đông Giang, Tây Giang của Quảng Nam). Nền vải khố có màu đen và được luồn từng hạt chì nhỏ vào. Đối với đoạn vải 2 đầu khố, chì xếp theo chiều dọc, còn phần rìa tấm khố chì được xếp theo chiều ngang. Trải qua thời gian hàng chục năm, hiện chiếc khố đã bị rách khá nhiều chỗ, tuy vậy những phần bằng chì vẫn nguyên vẹn. Hoa văn tấm khố đơn giản với cách thể hiện là các đường màu đỏ giao cắt nhau vuông góc đặc trưng, tập trung dày đặc ở phía đoạn 2 đầu khố.
“Tấm khố thứ 2 được dệt hoàn toàn trên nền vải đen, nhưng độc đáo hơn cả chính là cách lấy từng hạt chì nhỏ xếp thành hình các hoa văn đặc trưng”, ông Khoa lần giở từng thớ vải, giải thích. Điểm xuyết là những sọc đỏ, vàng đậm cùng 4 tua đỏ và 2 tua đen.
Tấm khố dài 4,2 m, rộng 0,21 m này vốn dĩ được ông Hồ Văn Lem (người dân tộc Giẻ Triêng, trú tại thôn Cà Tôi 2, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) mặc trong các lễ hội từ năm 1995. “Cả 2 tấm khố còn nguyên vẹn nên rất giá trị. Tôi đã nhiều lần điền dã vào các bản làng của người vùng cao miền Trung, nhưng chưa lần nào tìm thấy những tấm khố tương tự. Có thể nói, những hiện vật này như là báu vật, “độc nhất vô nhị” của không riêng gì đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn mà còn là báu vật của các dân tộc anh em”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói thêm.

Thất truyền nghề dệt khố luồn chì

Từ những kiến thức về dân tộc học, bà Trương Thế Liên, Phó trưởng phòng Sưu tầm - trưng bày và bảo quản, nhận định khoảng mấy chục năm về trước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, Giẻ Triêng phát triển rất mạnh mẽ, sáng tạo ra những tác phẩm thời trang độc đáo với sự kết hợp từ chì. Nghề dệt khố luồn chì đòi hỏi sự khéo léo, công phu và tỉ mỉ của người dệt. Quan trọng hơn cả, để tạo nên một tấm khố đẹp, người dệt phải biết kết hợp giữa thủ công và cả mỹ thuật nhằm thể hiện các mô típ hoa văn truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, khi luồn chì vào các sợi chỉ để dệt, người thợ phải có đôi tay tài hoa, tinh tế. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới “ưng cái bụng”, nhất là loại thổ cẩm này chỉ dành cho giới giàu có và uy tín trong cộng đồng. Trong văn hóa của người Cơ Tu, đàn ông vận nhiều loại khố không có hoa văn.
Về trang trí hoa văn, khố được luồn bằng cườm thường dành cho giới bình dân, khố trang trí bằng chì dành riêng hạng sang trọng, chỉ người giàu mới mua nổi để mặc. Trong khi chiếc khố của người Cơ Tu đang được lưu giữ có dáng hình chữ T thì bộ khố của người Giẻ Triêng lại có hình dạng chữ X.
Về mặt thẩm mỹ, bà Liên cho rằng, tấm khố này có giá trị cao hơn nhiều vì người thợ dệt vải phải bỏ ra rất nhiều công sức với những họa tiết hình chong chóng, hình tam giác cài răng lược... được “vẽ” nên từ hàng ngàn hạt chì nhỏ. “Tuy không nổi bật nhưng bộ khố này lại khiến những người chiêm ngưỡng trầm trồ, thán phục vì độ tinh tế trong từng hoa văn. Nền màu đen với ánh kim của chì làm bộ trang phục trở nên sang trọng”, bà Liên nói.
Từng đi qua nhiều bản làng để tìm kiếm tư liệu, bà Liên cho biết người vùng cao Trường Sơn còn sử dụng hạt cây rừng có lỗ nhỏ xuyên tâm để trang trí trang phục. Nhưng luồn chì vào vải thì không còn nơi nào có. Có thể nói, người vùng cao Quảng Nam từng phát triển kỹ thuật đúc hạt chì để làm trang phục rất mạnh mẽ. Ngoài kỹ năng dệt vải điêu luyện, người làm nên hạt chì cũng phải có sự tinh tế trong việc làm khuôn đúc, bởi hạt chì chỉ nhỏ chừng 3 - 4 mm, lỗ nhỏ chỉ khoảng 1 mm.
Trải qua thời gian, nghề này đã thất truyền. Phát tích nghề đúc hạt chì vẫn là một mối quan tâm rất lớn đối với giới nghiên cứu.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020