Chuyên mục  


base64-17266500884251205661261.jpeg

Lớp Xử án Thượng Dương trong vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa được các nghệ sĩ Xuân Trúc, Tú Sương, Lê Thanh Thảo thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc Minh Tơ trình diễn trong tọa đàm - Ảnh: LINH ĐOAN

Những tâm sự của Quế Trân diễn ra trong buổi tọa đàm Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP.HCM hiện nay.

Tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM thực hiện.

Quế Trân: cải lương tuồng cổ kế thừa chất liệu nghệ thuật truyền thống

Hiện trạng sàn diễn cải lương tràn ngập các vở cải lương tuồng cổ sử dụng tích Tàu khiến không ít người cảm thấy lo ngại.

Tọa đàm mở ra với mong muốn nhìn lại thực trạng, đánh giá hoạt động chung và tìm giải pháp phù hợp cho bộ môn cải lương tuồng cổ.

Ở lĩnh vực này, TP.HCM có hai gia tộc lớn là gia tộc Minh Tơ và Huỳnh Long.

Là thế hệ thứ 5 của gia tộc Minh Tơ có đến 6 đời theo nghiệp hát, NSND Quế Trân chia sẻ cô từng nghe ba mình, NSND Thanh Tòng, kể về những gian nan mà ông và các thành viên trong gia tộc phải vượt qua để duy trì bộ môn cải lương tuồng cổ.

Từ năm 1975, đoàn không được hát cải lương Hồ quảng. Vậy là ba cô và gia đình phải họp bàn rồi mày mò để tìm hướng đi. Và hướng đi đó chính là Việt hóa.

Điểm sáng là vở Câu thơ yên ngựa. Vở chứng minh cải lương tuồng cổ kế thừa vũ đạo hát bội truyền thống dân tộc.

Âm nhạc do nhạc sĩ Đức Phú sáng tác mới, từ nhạc múa, nhạc biểu diễn, nhạc cổ kim hòa điệu trong các bài bản lý, đờn ca tài tử cải lương.

base64-1726648355743187950546.jpeg

Quế Trân xúc động kể về sáng tạo của ba Thanh Tòng khi xử lý bài Lý cây bông trong vở Câu thơ yên ngựa - Ảnh: LINH ĐOAN

"Trong vở, đoạn Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương, ba có đưa vào bài Lý cây bông. Khi ba viết bài này nhiều người nghĩ không phù hợp trong tình huống gây cấn.

Tuy nhiên khi viết, trong đầu ba đã tính luôn dựng đoạn đó như thế nào, kết hợp âm nhạc ra sao để phù hợp, thuyết phục.

Từ đó người nghe thấy được tiết tấu lạ, khi dừng bài Lý cây bông ông còn chế thêm một đoạn thể hiện khí tiết Lý Đạo Thành, rồi sử dụng một bộ trống dồn dập để mọi người diễn hướng về Lý Đạo Thành.

Khán giả cũng đổ dồn theo. Tổng hòa những yếu tố này khiến đoạn đó rất căng thẳng, hấp dẫn và đầy đủ nội tâm khiến khán giả vỗ tay rần rần" - Quế Trân nói.

Đào tạo lực lượng kế thừa cho cải lương tuồng cổ

Thời gian qua, một số đoàn cải lương tuồng cổ đã nỗ lực làm cải lương sử Việt. Như Đoàn Chí Linh - Vân Hà làm vở Sấm vang dòng Như Nguyệt nhưng phải bù lỗ cả trăm triệu đồng.

Nghệ sĩ Bình Tinh diễn tuồng tích Tàu liên tục cháy vé ở Huỳnh Long, nhưng cũng là Bình Tinh diễn chính trong vở sử Việt Vương quyền thì không bán được vé nên sau khi tham gia liên hoan vở đành cất kho.

Từ chia sẻ của Quế Trân cho thấy để Câu thơ yên ngựa hấp dẫn, chinh phục khán giả, nghệ sĩ Thanh Tòng không chỉ là tác giả mà còn có tầm của đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên để kiến tạo lớp diễn hay.

Đạo diễn Nguyên Đạt đặt vấn đề các lực lượng sáng tạo của cải lương tuồng cổ như tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công giờ đếm không quá một bàn tay.

Đã thiếu mà lại còn yếu, tìm đâu ra người đủ tầm như nghệ sĩ Thanh Tòng.

base64-17266487086581385007358.jpeg

Các diễn viên nhí là con em nghệ sĩ diễn cùng nghệ sĩ Tâm Tâm trích đoạn Gió lộng cờ lau - Ảnh: LINH ĐOAN

Nhiều người tham dự tọa đàm nhấn mạnh việc đào tạo đội ngũ kế thừa. Nhất là các lớp tập huấn để các tác giả, đạo diễn biết khai thác kịch bản sử Việt trong tuồng cổ ra sao.

Vai trò của Nhà nước cũng được các đại biểu nhắc đến như sự hà hơi tiếp sức, động viên để các sân khấu nỗ lực dựng sử Việt thay vì chỉ chạy theo tuồng Tàu để dễ bán vé.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, lắng nghe và ghi nhận tỉ mỉ mọi đóng góp trong tọa đàm.

Bà cho rằng cuộc tọa đàm hôm nay đã có tiếng nói chung về việc chúng ta đặt ra và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua loại hình cải lương tuồng cổ, cải lương tuồng sử như thế nào trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giao thoa, tiếp biến văn hóa.

Bà cho biết trong các kỳ Liên hoan sân khấu TP.HCM sẽ tính toán việc chấm riêng các vở sử Việt để khuyến khích các đoàn đầu tư dựng sử Việt.

base64-1726649998918977447052.jpeg

Bà Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đem đến những thông tin vui cho giới làm cải lương tuồng cổ - Ảnh: LINH ĐOAN

Bà Thúy thông tin thêm sở phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM có hoạt động quảng bá các tác phẩm chất lượng cao, những tác phẩm sân khấu (công lập hoặc ngoài công lập) đạt giải cao trong và ngoài nước sẽ được đưa đi biểu diễn, mỗi đơn vị ít nhất là 5 suất.

Năm tới hoạt động này sẽ đầu tư cho đề tài sử Việt, giới thiệu những tác phẩm tốt đến sinh viên, người dân thành phố, khuyến khích sự sáng tạo cho các đơn vị.

Sở cũng sẽ ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM để mở rộng hoạt động sân khấu học đường, cũng là thêm cơ hội cho vở sử Việt hay có thêm suất diễn.

Sau tọa đàm này ban tổ chức sẽ thực hiện tiếp các workshop tọa đàm nhỏ chuyên đề về kịch bản, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, ca diễn của nghệ sĩ… để từ đó có thể mổ xẻ sâu hơn và tìm giải pháp hiệu quả cho việc duy trì và phát huy cải lương tuồng cổ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020