Chuyên mục  


107102024-read-only-1728355451678757275879.jpg

Hoàng Hải (trái, vai Tả quân Lê Văn Duyệt) và Thy Trang (vai bà Đỗ Thị Phận) trong vở Người mang 9 án tử - Ảnh: LINH ĐOAN

Trong ba vở sử Việt nói trên, diễn viên chính đều là các nghệ sĩ trẻ. Trong tình hình sàn diễn cải lương khó khăn hiện nay, việc có một lớp trẻ gánh vác trong các vở diễn quan trọng là điều đáng mừng.

Rèn nghề cho người trẻ

Tây Sơn nữ tướng (tức Chói rạng sơn hà) của tác giả Nguyễn Sỹ Chức từng đoạt giải vàng ở thể loại tuồng, chèo, nay lần đầu tiên được chuyển thể và dàn dựng trên sân khấu cải lương.

Vở khắc họa hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân. Vai chính được giao cho nghệ sĩ Bình Tinh (hậu duệ của Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long). Bên cạnh đó là các gương mặt trẻ như Nguyễn Minh Trường, Trọng Nhân, Bảo Ngọc, Hoàng Quốc Thanh, Huỳnh Thanh Khang...

Truyền tích Cổ Loa xưa là đối thoại của người xưa và nay thông qua câu chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu.

Đây là vở diễn tốt nghiệp của đạo diễn trẻ Dương Khôn với hai vai chính cũng được giao cho người trẻ là Hoài Thanh (vai Mỵ Châu) và Chuông vàng vọng cổ Thanh Toàn (Trọng Thủy).

Kịch bản Người mang 9 án tử của tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể cải lương Võ Tử Uyên, từng được dựng cải lương truyền hình, làm kịch, nay lần đầu tiên được diễn viên trẻ Hoàng Hải đầu tư dàn dựng trên sân khấu cải lương.

Hoàng Hải cũng đồng thời nhận luôn vai diễn nặng ký là Tả quân Lê Văn Duyệt, vai diễn xuất hiện gần như xuyên suốt vở.

Hải tâm sự: "Đây là vai diễn khó nhất với tôi đến giờ này. Vì vậy tôi đã mời hai cô chú giỏi nghề, kỳ cựu hỗ trợ mình là đạo diễn Hoa Hạ và soạn giả Hoàng Song Việt.

Trong quá trình tập vở, cô Hoa Hạ đã "làm khó" để tôi buộc phải nỗ lực, rèn nghề. Vai diễn đã nặng, cô còn thêm phần hát bội. Tôi đang cố gắng hết sức để thể hiện cho ra hình ảnh đức Tả quân oai phong, đĩnh đạc mà bà con thành Gia Định bao đời nay kính trọng".

Bên cạnh Hoàng Hải, Người mang 9 án tử còn có những người trẻ như Võ Minh Lâm (vai Minh Mạng), Thy Trang (Đỗ Thị Phận)... Bình Tinh, Nguyễn Minh Trường, Hoàng Quốc Thanh, Trọng Nhân, Bảo Ngọc... bầm mình bầm mẩy trên sàn tập Tây Sơn nữ tướng.

taysonnutuong-2-17281716610981517702998.jpg

Từ trái qua, Minh Trường, Hoàng Quốc Thanh và Bình Tinh trong vở Tây Sơn nữ tướng - Ảnh: LINH ĐOAN

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt thừa nhận trước khi công diễn anh cũng nhận thấy vở sử dụng rất nhiều trình thức vũ đạo, tốn sức lực ca diễn của diễn viên.

Anh dọ ý có nên giảm bớt để an toàn vì thực tế có những đoạn do vũ đạo nhiều quá nên Bình Tinh, Minh Trường có phần hụt hơi lúc ca.

Tuy nhiên các diễn viên vẫn "ngoan cố" muốn giữ nguyên để tạo hào khí cho vở, họ hứa với đạo diễn ráng làm quen, nâng sức ca diễn qua từng ngày tập, từng suất diễn để đảm bảo ca diễn... ngon lành!

Người trẻ mạnh dạn làm sử Việt, người lớn hỗ trợ

Cả ba vở cải lương sử Việt sẽ cùng đến với Liên hoan cải lương toàn quốc diễn ra tại Cần Thơ vào cuối tháng 10 này.

Buổi tập nào của vở Người mang 9 án tử, soạn giả Hoàng Song Việt cũng túc trực. Ông tâm sự: "Khi các bạn trẻ vẫn còn chịu đầu tư vào sử Việt, vẫn tìm kiếm vai diễn để thử thách, rèn nghề cho bản thân là điều đáng quý. Vì vậy, là người đi trước, chúng tôi thấy có trách nhiệm động viên và sẵn sàng hỗ trợ, dìu dắt khi các em cần".

truyentichcoloaxua-1-1728171874842312718626.jpg

Hoài Thanh (trái, vai Mỵ Châu) và Thanh Toàn vai Trọng Thủy trong vở Truyền tích Cổ Loa xưa - Ảnh: LINH ĐOAN

Trước đây đạo diễn Hoa Hạ từng hỗ trợ đàn em Lê Trung Thảo thực hiện vở cải lương sử Việt Trung thần. Nay bà tiếp tục lăn lộn trên sàn tập cùng các nghệ sĩ trẻ với Người mang 9 án tử.

Bà chia sẻ về diễn viên trẻ Hoàng Hải: "Hải là nghệ sĩ chịu khó tìm tòi, thận trọng khi nhận vai, chịu khó tham gia những vở diễn để có cơ hội học nghề ở Nhà hát Trần Hữu Trang, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà...

Dù sức bật về nghề của Hải chưa đều nhưng tôi đánh giá cao đam mê, nỗ lực của em.

Vì vậy, trong vở tôi giao em những "bài tập" cực kỳ khó, nếu em có thể vượt qua khán giả sẽ có cái nhìn khác. Và từ đó cũng mở ra tương lai để em nắm bắt những vai diễn khó hơn".

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết trong quá trình làm nghề anh luôn chú ý tìm kiếm những kịch bản sử Việt cất "để dành" có điều kiện đem ra dựng, coi như là cơ hội để thầy trò anh rèn nghề.

Tây Sơn nữ tướng đòi hỏi trường sức ca diễn, vũ đạo của nghệ sĩ, là cơ hội, thử thách và cũng là áp lực cho người trẻ. Vì lố chút thì thành ra cải lương tuồng cổ, mà nhẹ đi thì không hấp dẫn.

"Vở này không có ngôi sao, không có nghệ sĩ sở hữu danh hiệu, toàn là người trẻ. Và tôi tôn trọng góc nhìn, sự sáng tạo của họ trong vở.

Để từ đó, họ có thêm động lực và sự chủ động trong kiến tạo nhân vật lịch sử. Tôi không dám kỳ vọng vở thành công hay gây ấn tượng vượt trội. Chỉ mong thông qua một vở sử Việt, chúng ta tạo được chất xúc tác cho người trẻ quyết liệt với vai diễn của mình" - Lê Nguyên Đạt bày tỏ.

Trong Truyền tích Cổ Loa xưa, nghệ sĩ trẻ Hoài Thanh có cơ hội đóng chính với vai Mỵ Châu.

Thanh Toàn dù là diễn viên trẻ nhưng sớm... lão hóa với các vai kép lão, kép độc. Đây là lần đầu tiên anh thử thách với vai kép mùi, kép đẹp, nhân vật Trọng Thủy.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020