Chuyên mục  


Nguyễn Ngọc Thiện là tác giả bài hát Mùa Xuân ơi, in trong sách Âm nhạc 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều bài hát khác về mùa Xuân như Xuân ca, Nắng Xuân, Mùa Xuân lộc mới và mới đây nhất là bài Chúc Xuân...

Trong không khí đặc biệt của những ngày cuối năm, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã có một buổi trò chuyện vui vẻ với bạn đọc Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về cảm xúc Tết của ông.

Bài hát khiến người ở xa Tết muốn về nhà

* Thưa nhạc sĩ, chắc hẳn ông vui vì "Mùa Xuân ơi" là bài hát mà gần như ai cũng được nghe vào dịp Tết?

- Có lẽ vì Mùa Xuân ơi có giai điệu rộn ràng và ca từ dễ làm người ta nhớ, nào là tà áo dài, cành mai, không khí đêm Giao thừa và những lời chúc nhau... Nhiều người trẻ nói, nghe bài hát này họ thấy tươi vui, còn người lớn tuổi nói rằng nhớ những cái Tết ấm áp của mình, còn những người đang ở xa thì muốn trở về nhà. Những phản hồi đó làm tôi vui.

Nhưng thú thật, ở một góc độ khác, tôi sợ vui lắm, vì cứ sống với tâm trạng vui sẽ dễ làm mình hài lòng, như vậy sẽ không viết được nữa. Trong khi đó, tôi muốn mỗi năm viết một bài hát về mùa Xuân.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

* Vậy thì ông đã thực hiện ý muốn này đến đâu rồi?

- Sau Mùa Xuân ơi, tôi có Xuân ca, Nắng xuân, Đón Tết, Tết đến rồi và năm nay vừa giới thiệu ca khúc Chúc Xuân, phổ từ thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi. Các bài hát Tết của tôi thường được diễn trong các chương trình truyền hình Xuân hoặc gala nhạc Việt Nam với sự thể hiện của nhiều thế hệ ca sĩ, bây giờ thì đăng trên các mạng xã hội.

* Vì sao Tết gợi cho ông nhiều cảm hứng để viết nhạc như vậy?

- Vì Tết để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, với những hình ảnh đẹp từ thuở nhỏ cho đến khi đã lớn tuổi. Hồi nhỏ, tôi thấy dịp Tết mình có nhiều quyền lợi như được ăn các loại bánh mứt, hạt dưa, dưa hấu... Những năm ngoài 50 tuổi trở đi, gần Tết tôi thường tới Sa Đéc, Bến Tre để xem các vùng trồng hoa ở đó trước khi người ta chở đi bán khắp nơi. Vì vậy, tôi thích viết các bài hát về mùa Xuân, dù cũng có nhiều bài bị khán giả chê.

Năm nay, có một cơ sở lớn dùng bài hát Mùa Xuân ơi, có đổi lời, để quảng cáo cho thương hiệu của họ, coi như tôi có được một khoản tiền để tiêu Tết (cười lớn).

* Có phải hầu hết ca từ trong cái bài hát về mùa Xuân của ông là những mùa Tết trong ký ức không, thưa ông?

- Không hẳn như vậy, có cả ký ức và hiện tại trộn lẫn vào nhau. Ngoài ra, chất liệu, điệu thức khi tôi viết nhạc Xuân cũng trộn lẫn giữa truyền thống và hiện đại, rất nhiều bài mang âm hưởng dân ca, nhưng hòa âm, phối khí hiện đại, dù sáng tác ban đầu đều xuất phát từ truyền thống.

Bạn hình dung chúng giống như những chiếc áo dài, dù được thay đổi qua từng thời đại, không giống chiếc áo nguyên thủy, nhưng ai cũng biết nó là áo dài.

chao-xuan-1737517745735472847041.jpeg

Ca khúc "Chào Xuân" mới nhất của Nguyễn Ngọc Thiện

* Trở lại với bài "Mùa Xuân ơi", đây là bản nhạc Tết đầu tiên của ông, được viết vào mùa Xuân năm 1995, hẳn có nhiều điều để kể?

- Tết năm 1994, tôi có dựng bài hát Ngày Tết quê em của người bạn là nhạc sĩ Từ Huy cho nhóm Tam ca Áo trắng, hát quay video. Sau khi phát hành được vài ngày, tôi đi chợ Bến Thành, thấy gian hàng nào cũng mở bài hát này. Tôi vui quá, nên Tết năm 1995 đề nghị Phương Nam Film - lúc này tôi làm biên tập âm nhạc cho hãng phim này - dựng lại Ngày Tết quê em, nhưng có nhiều điều làm kế hoạch bất thành.

Tôi vẫn muốn ghi hình một bài hát Tết như vậy, nhưng không còn thời gian để đặt hàng ai viết, nữa nên tự mình viết, đầu tiên vẫn là làm video với nhóm Tam ca Áo trắng. Sau này, có nhiều nơi họ dựng bài Mùa Xuân ơi với nhiều cách khác nhau, có những nơi còn mash-up cả bài này và bài Ngày Tết quê em rất trẻ trung, hiện đại.

Bài Mùa Xuân ơi, tôi viết đơn giản với khúc thức 2 đoạn: Đoạn A có 4 câu viết lặp lại trở về với chủ âm và đoạn B chuyển sang giai điệu khác, trên cơ sở đã xuất phát từ đoạn A và kết lại. Đó là kiểu viết khác với khúc thức 3 đoạn có ảnh hưởng phần nào từ thang âm, điệu thức của Trung Quốc.

* "Nghe âm vang bao câu chúc an lành/ Đất nước gấm hoa yên ấm an vui", đây là 2 câu hát ấn tượng và là lời chúc không bao giờ cũ. Ông viết chúng trong tâm trạng nào?

- Năm 1995 là thời điểm sau gần 10 năm kể từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới nên có nhiều khởi sắc. Những năm 1990, Việt Nam được ví như rồng đang vươn lên, từ một nước đi qua chiến tranh, ăn bo bo, cơm độn, đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vậy nên, tôi viết những câu đó trong tâm trạng hân hoan của những ngày sống trong không khí mới và "Đất nước gấm hoa yên ấm an vui" là điều nguyện mong cho bao đời.

mua-xuan-oi-17375177456671105494444.jpg

Bài hát “Mùa Xuân ơi” trong sách “Âm nhạc 7”, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Những ngày thong dong ngắm phố xá

* Thường thì những cái Tết của ông diễn ra như thế nào?

- Cũng như mọi người thôi, thuở nhỏ thì thấy mình có nhiều quyền lợi như đã nói ở trên, còn bây giờ chỉ có một quyền lợi là không phải đi thăm ai, chỉ ngồi ở nhà chờ con cháu đến chúc Tết và lì xì bọn trẻ.

Hồi nhỏ, mùng 1 Tết, tôi cùng gia đình đi chúc Tết họ hàng, rồi cùng bạn bè đi coi xi-nê, đi ăn uống bằng tiền được lì xì, đến tối về nhà thì mệt nên lăn ra ngủ, hôm sau lại đi chơi tiếp. Lúc lớn tuổi thì Tết giữ truyền thống sum họp gia đình, cùng nhau ăn những bữa cơm Tết với bánh tét, củ kiệu, thịt kho... Già hơn thì nhân những ngày Tết vắng vẻ, tôi thong dong đi bộ, dạo quanh những con hẻm ở khu mình ở và phát hiện ra những điều thú vị như lần thấy căn nhà đặt chậu cúc nhỏ bên cặp liễn đỏ ở cửa, bỗng nhiên Tết thật dễ thương.

* Và những cái Tết Sài Gòn xưa và nay trong ông như thế nào?

- Khi xưa, Tết Sài Gòn yên ả lắm, nên tiếng pháo vang lên rộn ràng khiến cho không khí Tết trở nên đặc biệt. Tết bây giờ có những sự rộn ràng khác hẳn. Mỗi năm đều có sự thay đổi và tôi tin vào những điều tích cực.

Thật ra, tôi thích Tết là vì thích nhìn những gì người khác làm, thấy ai cũng sửa soạn nhà cửa đón Tết, nhìn người ta chở những chậu bông ngoài đường cũng thấy vui. Tôi là kiểu người tôn trọng sự xinh đẹp, yên ả, nên thích không khí ở TP.HCM từ mùng 1 đến mùng 5 - quãng ấy thành phố thật nên thơ, có lá vàng bay ngoài đường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Sài Gòn mùa Xuân còn thoáng lá vàng bay".

* Vậy khi nhiều người tranh luận về việc bỏ hoặc giữ Tết cổ truyền, ông nghĩ như thế nào?

- Làm sao mà bỏ Tết được, thế giới hầu như nước nào cũng có Tết mà. Hồi nhỏ, tôi có những người bạn học trường Pháp được nghỉ học từ Noel đến Tết Tây. Họ có truyền thống của họ và mình có truyền thống của mình. Đó là điều tự nhiên của môi trường và con người trên Trái đất này. Tết cổ truyền đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam, kể cả ở xa xứ, nên nếu ai dù muốn vẫn không thể bỏ được.

Làm việc với tinh thần cống hiến

* Những ngày cuối năm thường là lúc mọi người nhìn lại một năm vừa qua hoặc cả một quãng đời trước đó của mình. Nếu nhìn lại, thì đến thời điểm này, ông thấy giai đoạn nào mình hạnh phúc nhất?

- Đó là thời tôi còn làm biên tập âm nhạc cho hãng phim, vì tôi thích dựng các video ca nhạc. Người ta luôn có xu hướng thích xem hơn là nghe. Ông bà mình xưa cũng thường nói "đi coi hát", chứ ít ai nói "đi nghe hát".

Khi khán giả nghe thì ca sĩ hát phải hay, còn khi xem thì ca sĩ phải biết diễn, hát tròn vai thôi cũng chấp nhận được. Nhưng dựng những video ca nhạc nghe hay và nhìn hấp dẫn thì là một thử thách. Đó là quãng đời tôi được sống nhiều với đam mê âm nhạc của mình.

* Ông được phong Thầy thuốc ưu tú năm 2004 và được Giải thưởng Nhà nước năm 2012, đó là những thành tựu lớn. Ông nghĩ gì về những thành tựu này?

- Tôi chẳng nghĩ gì lớn lao, mà luôn quan niệm cứ làm hết sức mình và có tinh thần cống hiến. Hồi trẻ, tôi làm công tác xã hội rất sôi nổi, một cách vô tư, chứ không nghĩ mình sẽ được gì. Những điều mà bạn gọi "thành tựu" là những thành công đến sau đó, mình không tính toán được.

Người bạn của tôi trong nhóm Những người bạn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời cũng thường nói với anh em đại ý rằng, mình đừng nghĩ làm điều đó sẽ đạt được mục đích gì, hoặc sẽ có được nhiều tiền, cứ làm hết sức đi, cái gì đến sẽ đến. Đó cũng là điều tôi thường nói với các bạn trẻ.

* Cảm ơn ông, chúc ông năm mới sức khỏe!

Vài nét về nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

Sinh ngày 20/11/1951 tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM và Nhạc viện TP.HCM. Hiện ông đã về hưu, sau một thời gian dài làm việc tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TP.HCM.

Năm 2004, ông được phong Thầy thuốc ưu tú. Năm 2012, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Ơi cuộc sống mến thương, Ngọn lửa trái tim, Người mẹ, Nụ hoa và cây súng, Như khúc tình ca, Nhớ ơn thầy cô.

Nhà thơ Lê Va: "Đi xa để tìm gần" 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020