Khách tham quan các tháp ở Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thọ - phó phòng bảo tồn, bảo tàng Ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn - cho biết đang tìm cách vận động ông Nguyễn Quá, chủ lò gạch thủ công tại xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), tiếp tục giữ nghề, hoàn thiện các thủ tục để đưa lò gạch sớm hoạt động trở lại giúp ổn định nguồn vật liệu trùng tu thánh địa Mỹ Sơn.
Bế tắc tìm nguồn gạch trùng tu thánh địa Mỹ Sơn
Từ trước đến nay để phục vụ trùng tu các tháp ở Mỹ Sơn, nguồn gạch được lấy từ hai nguồn: tận dụng nguồn gạch gốc thu được từ khai quật và gạch lấy từ lò nung của một hộ dân tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên.
Dự án trùng tu Mỹ Sơn được bắt đầu thực hiện từ năm 2003. Ngoài việc tái hiện phiên bản gốc, thách thức lớn nhất làm đau đầu các nhà khoa học lẫn cơ quan chủ trì là nguồn vật liệu.
Theo Ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn, do lượng gạch gốc từ các dải tháp vỡ vụn nên nguồn gạch tận dụng lại không đủ cho trùng tu.
Rất nhiều chuyên gia trong nước lẫn thế giới đã tìm mọi cách để tìm ra loại gạch đủ tiêu chuẩn.
Các nhà khoa học cũng đã lấy mẫu gạch gốc, đập vỡ vụn ra và phân tích thành phần trong phòng thí nghiệm để tạo ra loại gạch tương tự.
Ông Quá với loại gạch cổ mà chỉ mình ông làm nổi để phục vụ trùng tu Mỹ Sơn - Ảnh: NGUYỄN VĂN THỌ
Nhưng ngay cả khi làm theo mẫu thử nghiệm, loại gạch mới cũng không đảm bảo chất lượng.
Các nhà khoa học đã mời người dân quanh Mỹ Sơn có kinh nghiệm để làm thử các loại gạch cổ. Tuy nhiên ngay cả việc này cũng không đem lại kết quả.
Gạch bà con làm theo kinh nghiệm có lượng đất sét quá lớn, thiếu nhiệt, thời gian nung quá ngắn. Điều này dẫn đến việc gạch bị "muối hóa" sau khi gắn lên công trình.
Người duy nhất biết làm loại gạch cổ
Từ những năm 2005 trở đi, từ sự mách nước của người dân địa phương, cán bộ Ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn phát hiện ra một người dân đặc biệt vẫn còn giữ công thức làm loại gạch cổ. Đó là ông Nguyễn Quá, nhà ở khu gốm sứ La Tháp, xã Duy Hòa.
Khi các chuyên gia tới nhà và đưa "đề bài", đề nghị ông Quá thử làm loại gạch để trùng tu Mỹ Sơn, ông đã không chút do dự.
Không lâu sau, chủ xưởng gạch báo tin cho các chuyên gia rằng đã ra mẻ gạch ưng ý nhất. Cầm khổ gạch nhẵn mịn, đạt độ chín gần như hoàn hảo trên tay, các chuyên gia trùng tu đã không giấu nổi sự bất ngờ.
Phó phòng bảo tồn, bảo tàng Ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn Nguyễn Văn Thọ cho biết loại gạch mà ông Quá làm ra đạt những chỉ số cơ bản về lý, hóa khi so sánh với gạch cổ tại Mỹ Sơn.
Các tháp tại Mỹ Sơn được che bao phục vụ trùng tu từ nhiều năm trước - Ảnh: B.D.
Do đó, các chuyên gia trùng tu quyết định lấy toàn bộ nguồn gạch từ lò nung của ông để trùng tu các công trình trong khu đền tháp Mỹ Sơn.
Gạch của ông Quá còn được đưa đi Gia Lai, Bình Thuận để trùng tu các công trình cổ của người Chăm, thậm chí được mua đưa qua Lào cho dự án trùng tu đền cổ Wat Phou.
"Xưởng sản xuất của ông Quá dường như cho đến thời điểm này là cơ sở sản xuất gạch để trùng tu các di tích Champa bằng thủ công duy nhất được biết đến.
Nguồn gạch từ đây đã sử dụng trùng tu gần 20 năm qua. Phương pháp sản xuất thủ công cần phải duy trì bởi có thể đó là phương pháp dễ tiệm cận nhất với kỹ thuật sản xuất gạch của người Champa cổ" - ông Thọ, nói
Lò gạch cổ tạm đóng cửa, chuyên gia rối bời
Những ngày qua, thông tin lò gạch duy nhất cung cấp vật liệu cho trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn của ông Nguyễn Quá phải dừng hoạt động do nằm trong khu dân cư không khỏi khiến các chuyên gia lo lắng.
Ông Nguyễn Công Khiết - giám đốc Ban quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn - cho biết dù vẫn chưa xem xét việc lò gạch của ông Quá đóng cửa ảnh hưởng ra sao đến tiến độ trùng tu các dải tháp, tuy nhiên đây vẫn là việc đang được đơn vị này rất quan tâm.
Một dải tháp trong quần thể Mỹ Sơn - Ảnh: B.D.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quá cho biết do lò gạch của ông nung thủ công nên ảnh hưởng tới môi trường khu dân cư. Chính quyền đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động, ông đang tìm cách di dời qua một địa điểm khác. Tuy nhiên việc này không dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng việc tạo ra loại gạch đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ trùng tu Mỹ Sơn chỉ ông Quá mới làm được.
Ngay cả khi di dời cơ sở qua nơi khác, hoặc gửi gạch đi nung ở lò khác thì cũng chưa chắc đã tạo ra loại gạch như lâu nay.